Dự án của Công ty TNHH Interweave Holdings tại KCN Sông Công II: Vì sao UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn “án binh bất động”

Thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh những tác động của môi trường khi triển khai thực hiện Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” tại Khu công nghiệp Sông Công II. Để làm rõ những khúc mắc của người dân, PV Kinh tế Môi trường đã nhiều lần liên hệ nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía UBND tỉnh Thái Nguyên.

Nhiều ẩn số chưa được giải đáp

Như Kinh tế Môi trường đã phản ánh, dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” do Công ty TNHH Interweave Holding dự kiến triển khai đầu tư tại KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên. Ngày 23/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Thông báo số 364 đồng ý chủ trương thực hiện Dự án; cũng trong ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Văn bản số 4831 đồng ý chủ trương thực hiện Dự án. Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, Dự án này có những điểm không phù hợp với KCN Sông Công II.

du an cua cong ty tnhh interweave holdings tai kcn song cong ii vi sao ubnd tinh thai nguyen van an binh bat dong
Nhiều hạng mục tại Khu công nghiệp Sông Công II chưa được hoàn thiện

Cụ thể, theo Quyết định số 2599/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án KCN Sông Công II đã quy định rõ yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với KCN Sông Công II là “chỉ tiếp nhận vào khu công nghiệp các dự án đầu tư thuộc những ngành công nghiệp có định mức sử dụng nước thấp đã nêu trong báo cáo ĐTM”; đồng thời, báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên nêu rõ các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào KCN, trong đó không có công đoạn nhuộm. Trong khi đó, “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” lại có công đoạn nhuộm, có định mức sử dụng nước lớn (khối lượng nước thải phát sinh lên đến 14.500 m3/ngày đêm).

Cùng với đó, theo nội dung báo cáo ĐTM của “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” thì dự án này thuộc ngành nghề dệt có công đoạn nhuộm, tổng lượng nước thải phát sinh ước tính trung bình 12.000 m3/ngày đêm và lớn nhất lên tới 14.400 m3/ngày đêm, cao hơn rất nhiều so với công suất thiết kế tối đa của Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN Sông Công II là 5.000 m3/ngày đêm. Đồng thời, theo quy trình công nghệ sản xuất vải, công đoạn nhuộm của dự án có khối lượng nước thải phát sinh lớn, là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nên vấn đề xử lý nước thải cần phải được đặc biệt chú ý.

Mặt khác, theo thông tin phóng viên có được, Chủ đầu tư dự án đã có đề xuất, nước thải sau khi được xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải của Công ty sẽ được xả thải trực tiếp ra sông Công, không qua hệ thống xử lý nước thải của KCN Sông Công II. Tuy nhiên, khu vực xả thải lại là nguồn chính cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và trạm xử lý nước cấp sinh hoạt cho thành phố Sông Công và khu vực xung quanh; trong đó có một số tỉnh thuộc lưu vực sông Cầu như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Trong khi đó, sông Công thuộc lưu vực sông Cầu, nơi đang có các nhà máy khai thác cấp nước sinh hoạt cho các cộng đồng dân cư, do vậy vấn đề có liên quan đến nhiều địa phương trong trường hợp xảy ra vấn đề về sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Dấu hiệu cản trở hoạt động báo chí?

Liên quan đến những vấn đề nói trên, dư luận đã và đang rất quan tâm về tính khả thi của dự án, yêu cầu về bảo vệ môi trường và xả thải… Để có thông tin khách quan, chính xác, PV Kinh tế Môi trường đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, từ đó đến nay, qua rất nhiều lần liên hệ lại mà UBND tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng và không cung cấp các văn bản có liên quan.

Đặc biệt, quá trình liên hệ trực tiếp với cán bộ của Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên thì được biết, UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Thanh tra tỉnh trả lời. Sau đó, cũng theo thông tin từ cán bộ Văn phòng UBND tỉnh thì cơ quan này đã “làm văn bản giao Ban QL các KCN trả lời, họ sẽ chủ động thông tin cho báo chí”.

Theo Th.S, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc nhiều tuần trôi qua nhưng UBND tỉnh Thái Nguyên không cung cấp thông tin, theo quy định, có dấu hiệu của hành vi cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo. Điểm C, Điều 25, Luật Báo chí 2016 nêu rõ: “Nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí… Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”. Khoản 1, Điều 38, Luật Báo chí 2016 cũng quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp”.

Đặc biệt, theo thông tin phản ánh, xung quanh Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam” đến nay còn khá nhiều điểm dư luận quan tâm: Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý chủ trương thực hiện Dự án có phù hợp với quy định hay không khi tổng mức đầu tư của Dự án lên tới khoảng 8.000 tỷ đồng? Việc tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án này có trái với quy định hay không khi đến thời điểm hiện nay, Dự án vẫn chưa được phê duyệt báo cáo ĐTM?

Đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có câu trả lời cho báo chí về sự việc này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Quang Đạo
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường