Đưa rác lên App

Chàng trai trẻ Lê Quốc Huy - người sáng lập Dự án Ralava - đã quyết định phát triển dự án của mình: Ralava - dự án xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh giúp người dùng phân loại được rác thải.
Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dươngKinh tế tuần hoàn tài nguyên quản lý rác thải sinh hoạtBài 3: Làm thế nào để phổ cập giáo dục bảo vệ môi trường ở Việt Nam?

Theo đánh giá của World Bank, vệ sinh môi trường kém gây thiệt hại khoảng 780 triệu USD mỗi năm cho nền kinh tế Việt Nam, tương đương với 1,3% GDP.

Lãng phí rác

Theo tính toán của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, mỗi ngày hơn 6.000 tấn rác được thải ra tại thủ đô. “Đây là một con số kinh khủng. Không bởi vì số lượng, sự kinh khủng ở đây đến từ việc chúng ta đang lãng phí rất nhiều vì chưa có phương án xử lý, khai thác đúng nguồn rác thải này”, Lê Quốc Huy, người sáng lập Dự án Ralava, nhận xét.

Cùng với những đồng nghiệp của mình, Huy đã khảo sát và có thể kết luận rằng 51% số người được hỏi cho biết không phân loại để tái chế rác vì gặp nhiều bất tiện trong việc tìm người thu gom.

Chính vì vậy, chàng trai trẻ đã quyết định phát triển dự án của mình: Ralava - dự án xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh giúp người dùng phân loại được rác thải. Sau đó là công tác thu gom, đổi rác thải lấy những vật dụng phục vụ đời sống. Ý tưởng độc đáo này đã đạt được giải đồng Quán quân trong cuộc thi Khởi nghiệp NEUrON do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức.

dua rac len app

Ngoài việc hỗ trợ phân loại và thu gom rác tái chế tại nguồn, ứng dụng Ralava còn kết nối người có nhu cầu thu gom ve chai và người có phế liệu giúp cộng đồng có thể giảm thiểu, phân loại, tái chế rác thải của mình. Tất cả những gì cần làm là đăng ký tài khoản bằng số điện thoại.

Ở bước phân loại - tái chế, Ralava cung cấp danh sách những vật dụng có thể tái chế để người dùng từ đó có thể biết được những loại rác nào có thể tái chế và giá trị tương ứng của chúng.

“Đây là bước khó khăn nhất với người dùng, Ralava với vai trò hướng dẫn phân loại nhưng cũng chỉ có vậy. Để bắt tay vào phân loại rác, đó là đánh đổi sự tiện lợi, đó là nỗ lực và tinh thần “xanh” của từng cá nhân tham gia và sử dụng ứng dụng”, Huy nói.

Sau khi phân loại, tích đủ tối thiểu 3kg rác tái chế, người dùng chỉ cần chọn địa điểm và thời gian, Ralava sẽ cử người thu gom miễn phí tới tận nơi. Mỗi phần rác đổi, người dùng đều được quy ra điểm và điểm tích lũy có được để đổi lấy những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường từ Ralava.

Huy chia sẻ: “Việc xử lý rác tái chế đòi hỏi sự vào cuộc của chính phủ và cơ quan chức năng của thành phố. Luật về môi trường ở Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều thiếu sót, hiện tại cơ chế cụ thể, chính sách đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường vẫn là những trang trống”.

Với nguồn lực hạn chế hiện tại của mình, Lê Quốc Huy cùng nhóm bạn mong muốn góp chút sức lực để tạo thói quen phân loại rác tại nguồn từ các hộ gia đình. Do đó, hiện tại dự án chủ yếu tập trung vào việc thay đổi nhận thức ở cộng đồng.

Góp bài toán kinh tế

Người Đức tiết kiệm được khoảng 3,7 tỉ euro hằng năm từ việc tái chế và biến rác thành năng lượng. Người Nhật sử dụng tài nguyên rác làm nên 2 sân bay nhân tạo là Chubu Centrair và Kansai. Đáng chú ý là Thụy Điển, tái chế đến 99% lượng rác và xây dựng được nền kinh tế từ xử lý rác thải.

Kinh nghiệm này cho thấy, nguồn rác thải vẫn có giá trị nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mô hình nền kinh tế tuần hoàn. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn nhưng việc tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng đã được triển khai rộng rãi.

Là một trong những điển hình cổ động cho lối sống xanh, chỉ sau 3 tuần đầu ra mắt, Ralava đã đạt 500 lượt tải ứng dụng. Trong tuần tiếp theo, nhờ sự chia sẻ và giúp đỡ của cộng đồng yêu môi trường trên mạng xã hội, đã có 6.000 lượt tải và vẫn đang tăng. Đây chính là động lực để đội ngũ Ralava tiếp tục tâm huyết và phát triển dự án.

Huy bộc bạch, mục tiêu trong năm tới là có thể hỗ trợ tái chế 20% lượng rác thải tại Hà Nội và tạo thu nhập ổn định cho 300 lao động đang làm công việc thu gom phế liệu để một phần giảm gánh nặng cho xã hội.

Vận hành bằng nguồn tài chính của những thành viên sáng lập dự án, dù đã có khá nhiều người quan tâm, ủng hộ, thế nhưng những bạn trẻ này vẫn chưa có được ngân sách để duy trì, thậm chí là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn ngân sách xã hội.

Do đó, thời gian tới, Ralava sẽ phát triển thêm việc bán các sản phẩm xanh thân thiện với môi trường trên ứng dụng để những người yêu môi trường ủng hộ Ralava tiếp tục hoạt động. Đồng thời, Ralava cũng cố gắng phối hợp cùng các gian hàng xanh tại Hà Nội để mở rộng hơn nữa những địa điểm đổi quà cũng như danh sách các sản phẩm thân thiện môi trường.

“Chúng tôi chỉ mong dự án của mình có thể chứng minh hiệu quả và khả thi tại Hà Nội và nhận được ngân sách hỗ trợ từ thành phố để mở rộng sang TP.HCM cùng các thành phố khác như Đà Nẵng, Nha Trang...”, Huy nói.

Theo MTĐT