[eMagazine] Kinh tế tuần hoàn: Hiện tượng Nam Cầu Kiền – Sinh thái và chưa sinh thái (Kỳ 4)

Mặc dù phát triển sau nhưng các KCN Việt Nam lại tiếp thu được những thành tựu nghiên cứu mới nên phát triển các KCN khá nhanh và chất lượng tốt. Có thể nói điều kiện để chuyển hóa KCN thành KCNST đã được mở ra, vấn đề là các KCN nắm bắt cơ hội thế nào.
[eMagazine] Kinh tế tuần hoàn nhìn từ KCN Nam Cầu Kiền: Chân dung Eco-Industrial Park (Kỳ 2)[eMagazine] Kinh tế tuần hoàn nhìn từ KCN Nam Cầu Kiền: Từ lý thuyết đến thực tiễn (Kỳ 1)
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt
tm-img-alt

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 4 năm 2021, trên phạm vi cả nước có 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219.500 ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước) [9]. Trong số đó có khoảng 300 KCN đã đi vào hoạt động, phân bố nhiều nhất ở Khu Kinh tế trọng điểm Miền Nam.

Diện tích các KCN khá rộng lớn, chỉ có rất ít KCN có diện tích dưới 100 ha và có cả KCN với diện tích trên 500 ha. Với diện tích rộng lớn như vậy, đủ để quy hoạch theo các tiêu chí của KCNST tiếp cận KTTH, đặc biệt có thể cho nhiều cơ sở sản xuất với nhiều ngành nghề khác nhau cộng sinh trong khuôn viên KCN.

tm-img-alt

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã có hành lang khá rộng để khuyến khích các KCN chuyển đổi thành KCNST theo mô hình KTTH. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải hoàn thiện hơn nữa cơ chế, thể chế giống như Trung Quốc đã làm để giúp các KCN, các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện được công cuộc chuyển đổi này. Hiện đã có tiêu chí KCNST trong Nghị định 82 nhưng vẫn cần có những Chỉ thị cụ thể hơn, có thể cân đong đo đếm được và ngưỡng cần thiết để các KCN và doanh nghiệp phấn đấu thực hiện. Và, rất cần định ra những dấu mốc thời gian để đốc thúc thực hiện nhanh hơn công tác này.

Sau nhiều năm hoạt động, năng lực của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các KCN và các doanh nghiệp thành viên đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, được tham quan giao lưu với nhiều đối tác trong và ngoài nước nên rất quan tâm tới những phương thức hoạt động mang tính thời đại như phương thức của KCNST và KTTH. Cũng trải qua thời gian dài hoạt động nên lượng vốn tích lũy được của KCN và doanh nghiệp không ngừng tăng lên, lại được hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước nên huy động vốn cho chuyển đổi sang mô hình KCNST và KTTH không quá khó khăn như trước đây.

Về khoa học công nghệ, chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn khi có thêm nhiều công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý, tái chế chất thải ra đời với hiệu suất ngày một cao hơn và giá cả cạnh tranh hơn. Chẳng hạn, ở những nơi có điều kiện thuận lợi cho phát triển điện gió, điện mặt trời thì KCN có thể lắp đặt hệ thống sản xuất điện sạch cung cấp cho hoạt động của mình và cộng đồng xung quanh. Những KCN cạnh nhau có thể xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải để giảm chi phí vận chuyển, chi phí xử lý.

tm-img-alt

Hiện tượng Nam Cầu Kiền

Chúng tôi được đọc được xem nhiều ấn phẩm về một KCN khá nổi tiếng là KCN Nam Cầu Kiền thuộc TP.Hải Phòng và đã có dịp thăm KCN này. Về lịch sử hình thành, quy mô, thành tích sản xuất, thành tích bảo vệ môi trường,... đã được giới thiệu trên nhiều trang báo, nhiều chương trình truyền hình nên bài viết này không nhắc lại mà chỉ phân tích khả năng chuyển KCN này thành KCNST và tiếp cận/định hướng KTTH.

Xét về thuận lợi, KCN có diện tích đủ lớn, giai đoạn I là 103 ha hầu như đã lấp đầy và giai đoạn II mở rộng thêm 160 ha nữa. Với diện tích này, KCN có thể bố trí các hạng mục theo yêu cầu của một KCNST. Hiện tại, KCN bắt đầu xây dựng giai đoạn II nên có thể định hướng quy hoạch theo tiêu chí KCNST ngay giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm các nhà đầu tư phù hợp.

tm-img-alt

KCN Nam Cầu Kiền sở hữu vị trí chiến lược thuận lợi, kết nối với các hệ thống giao thông của TP.Hải Phòng giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí vận tải. KCN có thể sử dụng cả đường bộ, đường thủy (sông, biển) và đường hàng không để vận chuyển nguyên, nhiên liêu, thiết bị đầu tư và sản phẩm.

Các tiêu chí KCNST đã được Nhà nước đưa ra trong Nghị định 82 làm đích đến cho KCN phấn đấu. Mặc dù còn phải hoàn thiện thêm, cụ thể hóa thêm về thủ tục, phương pháp đánh giá mức độ đạt các tiêu chí nhưng lãnh đạo KCN có thể bắt tay vào hoạt động theo định hướng rõ rệt nhằm đạt chuẩn KCNST.

KCN Nam Cầu Kiền đã có thời gian dài định hướng và phát triển theo mục tiêu thân thiện môi trường, dưới sự dẫn dắt của một Tổng Giám đốc có đủ tâm, tầm, tài. Đây là một thuận lợi rất lớn vì đã có lãnh đạo sớm lĩnh hội tri thức, đam mê nghiên cứu để hiện thực hóa ước mơ nâng tầm KCN lên KCNST ngay cả khi khái niệm này còn mới mẻ ở Việt Nam.

tm-img-alt

Người Tổng Giám đốc này là ông Phạm Hồng Điệp, một Luật sư, hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp, có tâm hồn nghệ sỹ, say mê tìm tòi, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Nghĩa là, ông rất đa tài, và tham gia vào lĩnh vực nào cũng có thành công đáng ghi nhận. Là doanh nhân, ông đã làm Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec rồi Tổng Giám đốc KCN Nam Cầu Kiền, đưa các công ty và KCN gặt hái nhiều thành công. Ông đã có những bài thơ ca ngợi KCN Nam Cầu Kiền và TP.Hải Phòng, một số được phổ nhạc thành bài hát mà ai đến thăm cũng sẽ được nghe. Ông viết cả những bài chèo được các nghệ sĩ hát thu băng ca ngợi quê hương đất nước. Ông đã tiến hành nghiên cứu các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường, gửi thi và đạt nhiều giải thưởng và qua bài viết ca ngợi của thông tin đại chúng, công trình của ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết đến, gửi thư động viên. Ông cũng đã viết sách được các nhà xuất bản in và phát hành, trong đó phải kể đến cuốn: “Phạm Hồng Điệp với sáng tạo trong môi trường bền vững” được Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật in năm 2019. Như vậy để thấy ông Phạm Hồng Điệp là người chèo lái KCN với đầy đủ tri thức, khả năng định hướng, khả năng tổ chức, khả năng vận hành đến KCNST. Chúng tôi cũng cùng chung nhận định với nhiều người: ông là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công của công cuộc chuyển đổi này.

tm-img-alt

Luật sư, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp sinh năm 1966 tại Hải Phòng – Giải thưởng Sao Đỏ 2003, Giải nhất cuộc thi “Sáng kiến bảo vệ Môi trường toàn quốc 2005 - 2006”, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt về Môi trường 2014, Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2019, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec – Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, tác giả của 7 đầu sách viết về đề tài bảo vệ môi trường.

Bây giờ sẽ xét đến tiêu chí KCNST và những gì KCN Nam Cầu Kiền đã làm được. Ngày 07/7/2021. Truyền hình Hải Phòng đã có phóng sự với tiêu đề: “Khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Hải Phòng” nói về KCN Nam Cầu Kiền, trong đó phân tích và cho rằng KCN này thỏa mãn cả 8 tiêu chí về KCNST theo Điều 42 Nghị định 42. Quả thực, nghe phóng sự này và đến thăm và được lãnh đạo KCN, đặc biệt là Tổng Giám đốc Phạm Hồng Điệp giới thiệu thì mọi người đều thấy KCN Nam Cầu Kiền rất xứng đáng với danh hiệu này.

Trong thực tế, để được công nhận là KCNST phải qua trình tự đăng ký theo mục 1 Điều 44 Nghị định 82, Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lập 04 bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, trong đó, giải trình cụ thể việc đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 42 Nghị định này và gửi Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế giao một bộ phận thường trực có chức năng tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.

Tiếp đến, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế gửi hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng để lấy ý kiến. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tổ chức lập báo cáo đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 42 Nghị định này. Trường hợp kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái cho khu công nghiệp.

tm-img-alt

Mới đây, theo Báo Đầu tư online ngày 22/7/2021 [10] có đăng bài thông báo “Năm khu công nghiệp được chọn làm khu công nghiệp sinh thái” bao gồm khu công nghiệp Đình Vũ (DeepC - Hải Phòng), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Amata (Đồng Nai), Hiệp Phước (TP.HCM), Trà Nóc (Cần Thơ). Đây là dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Dự án có tổng kinh phí là 1.821.800 đô la Mỹ, trong đó vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại 1.683.000 đô la Mỹ từ Chính phủ Thụy Sỹ thông qua SECO, vốn đối ứng là 138.800 đô la Mỹ, được thực hiện trong 36 tháng. Với sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, hy vọng trong vài năm tới năm KCN này sẽ trở thành KCNST thực sự của Việt Nam.

Chắc chắn sau dự án nêu trên, những vấn đề vướng mắc về tiêu chí cụ thể, về thủ tục và đặc biệt là công tác kiểm tra đánh giá của các cấp thẩm quyền sẽ đi vào nề nếp, mở ra cơ hội cho nhiều KCN khác.

Trong thực tế, mỗi người chúng ta, cộng đồng, kể cả những nhà báo có thể cảm nhận, nhận xét, đánh giá một hiện tượng, một sự vật theo tiêu chí, lăng kính riêng của mình. Còn những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm xét, công nhận một danh hiệu chính thống phải tiến hành đánh giá rất kỹ, phải có dẫn chứng thuyết phục và đôi khi phải cân đong, đo đếm để xem xét tính phù hợp với các tiêu chí đã được quy định. Chẳng hạn, tiêu chí thứ ba của KCNST trong Nghị định 82 chỉ ngắn gọn là: “Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu”, nhưng những người đánh giá phải tiến hành gặp gỡ tất cả các doanh nghiệp, nghe họ báo cáo và kiểm tra thực địa để có tài liệu ghi trong hồ sơ thẩm định. Các tiêu chí khác cũng cần có cách đánh giá đủ độ tin cậy, được chấp nhận mới thuyết phục được các KCN, doanh nghiệp, cộng đồng để khi công nhận một KCN là KCNST thì bản thân KCN có thể tự hào nhưng cũng rõ hơn trách nhiệm của mình đối với môi trường, xã hội trong tương lai.

Đặc biệt, hình ảnh KCN phải được hết sức coi trọng, bảo vệ, vì chắc chắn Hội đồng đánh giá sẽ không thể đề xuất công nhận một KCNST có nhiều tai tiếng do cộng đồng và giới truyền thông phát hiện, đăng tải. Có lẽ vì vậy mà có dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã nêu ở trên.

tm-img-alt

Không rõ KCN Nam Cầu Kiền, với quyết tâm rất lớn của Ban lãnh đạo, đặc biệt của Tổng Giám đốc Phạm Hồng Điệp, có nhanh chóng làm hồ sơ để được công nhận là KCNST hay không khi mà nhiều yếu tố hiện có của KCN đã phần nào chứng minh thỏa mãn được các tiêu chí của KCNST.

KCN Nam Cầu Kiền

Được thành lập vào năm 2008, KCN Nam Cầu Kiền có quy mô khoảng 263 ha, đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với quy mô 103 ha, thu hút gần 60 nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài; hiện đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2.

Đến nay, KCN Nam Cầu Kiền đã cơ bản hoàn thiện được 8 tiêu chí quy định trong Nghị định 82. Đơn cử như diện tích giành cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung là 82,01 ha, chiếm tỉ lệ 31,1% (theo Nghị định 82 thì mức tốt nhất là 25 - 30%). Yếu tố cộng sinh công nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền cũng đã được hình thành với 3 nhóm chính gồm: Liên kết cộng sinh ngành luyện kim, cơ khí; liên kết cộng sinh ngành điện tử và phụ trợ điện tử; liên kết cộng sinh ngành sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa. Các nhóm cộng sinh này đã sử dụng tối đa vật liệu tái tạo theo hướng chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia, nên không còn chất thải ra bên ngoài KCN.

Trước đó, tháng 12/2019, KCN Nam Cầu Kiền đã được TP.Hải Phòng lựa chọn là đơn vị thí điểm xây dựng KCNST tại Hải Phòng, thuộc Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh của Thành phố.

Nguồn:

[9]. http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/De-xuat-moi-ve-quan-ly-khu-cong-nghiep-khu-kinh-te/434288.vgp

[10]. https://baodautu.vn/nam-khu-cong-nghiep-duoc-chon-lam-khu-cong-nghiep-sinh-thai-d133531.html.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Thiết kế: Hoàng Việt

Xem thêm

Liên kết