FDI tìm 'cứ điểm' mới, Việt Nam chủ động đón thời cơ 'vàng'

Với những thành công đáng nể trong phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, dự báo sẽ hút mạnh dòng vốn FDI dịch chuyển từ các quốc gia khác. Bên cạnh ưu tiên chống dịch, Chính phủ cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng” tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.
Giới trẻ Việt Nam lên tiếng hành động vì một môi trường xanhTƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận cờ thi đua xuất sắc của Liên hiệp HộiVì sao chưa 'chốt' được thời điểm chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
fdi tim cu diem moi viet nam chu dong don thoi co vang
Các chuyên gia đánh giá Việt Nam là “đất lành” thu hút vốn FDI và đang có thời cơ “vàng” để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ sau đại dịch Covid-19.

Điểm đến an toàn và bền vững

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt được kết quả đáng nể. Cụ thể, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm ước tính đạt 6,7 tỉ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá kết quả này là hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh; một số nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm, nhà đầu tư rút vốn khỏi các quốc gia có bất ổn, là “điểm nóng” dịch bệnh.

Điểm ấn tượng là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo sự tin tưởng rất lớn của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhờ đó được đánh giá là một trong số điểm đến an toàn cho dòng vốn FDI lớn trong thời gian tới.

Để kịp thời đón bắt dòng vốn ngoại với định hướng “xây tổ đón đại bàng”, giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm Tổ phó. Tổ công tác sẽ hiện thực hoá quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa ra các giải pháp cấp bách, quan trọng để đón làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển. Xác định chiến lược thu hút FDI đúng đắn, chất lượng cao, chủ động tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam, trong đó nhắm tới thu hút các tập đoàn đa quốc gia lớn đang có động thái rõ nét cho sự dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc thời kì hậu Covid-19.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chính là thời cơ “vàng” để Việt Nam chủ động tạo ra các lợi thế cạnh tranh, về môi trường đầu tư, thể chế chính sách thông thoáng, nguồn nhân lực chất lượng, và sự chú ý của thế giới đối với những thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bởi ngay lập tức Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ rất nhanh chóng đưa ra quyết định về các cơ chế, chính sách ưu đãi mới, cũng như sẵn sàng dành đất đai, nguồn lực để đón dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc.

Để đón làn sóng FDI đang dịch chuyển, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định “phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm”. Thay vì “ngồi chờ”, giờ đây, Tổ công tác sẽ chủ động tìm hiểu nhà đầu tư cần gì, muốn gì, sang tận nơi để mời chào, đàm phán.

Trên thực tế, trong hơn 30 năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bằng chiến lược kêu gọi đầu tư phù hợp với hoàn cảnh đất nước, những cách làm mới mẻ, táo bạo thì Việt Nam liên tục xác lập kỉ lục mới về thu hút FDI, tạo ra những thay đổi ngoạn mục về phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu… Đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 370 tỉ USD; trong đó lượng vốn đã giải ngân đạt khoảng 58%. Năm 2019, Việt Nam thu hút hơn 38 tỉ USD, cao nhất trong vòng 10 năm liên tiếp, tăng 7,2% so với năm 2018 và vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 20,38 tỉ USD, tăng 6,7%... Đặc biệt, ngày càng nhiều dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng lớn tìm đến Việt Nam, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu trong sự phát triển khối công nghiệp dịch vụ hỗ trợ, doanh nghiệp nội được hưởng lợi rất lớn.

“Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ “xây tổ đón đại bàng”, mà nâng tầm vị thế Việt Nam

Giữa bão dịch Covid-19, Chính phủ đã hành động kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt đoạn, an toàn, cùng những giải pháp khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hồi phục sau dịch. Những nỗ lực ấy đã gây chú ý cho thế giới, giúp nâng tầm Việt Nam lên một bước quan trọng khiến các nhà đầu tư phải nhìn nhận lại và thay đổi tư duy về lựa chọn điểm đến an toàn cho dòng vốn FDI.

Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong làn sóng dịch chuyển nhà máy, cơ sở kinh doanh khỏi Trung Quốc, rất cần chớp lấy cơ hội để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.

Viễn cảnh đó giờ không phải xa vời. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài hiện có nhu cầu đa dạng hoá thị trường và nguồn cung ứng đầu vào, đặc biệt lựa chọn “cứ điểm” mới an toàn cho dòng vốn là ưu tiên hàng đầu.

Mới đây nhóm chuyên gia kinh tế của Tập đoàn VinaCapital đã đưa ra những phân tích về lợi thế của Việt Nam để thu hút thêm nguồn vốn FDI sau dịch Covid-19. Đồng thời khuyến nghị những yếu tố nào sẽ hấp dẫn dòng vốn ngoại và Chính phủ cần phải làm gì để tận dụng những lợi thế trên trong việc thu hút thêm vốn FDI trong tương lai?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital cho rằng để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn nữa trong việc thu hút thêm FDI, Chính phủ có thể cân nhắc thực hiện những thay đổi, cải cách, hành động nhanh và mạnh hơn nữa.

Trong đó, đẩy nhanh tiến độ phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng do chi phí hậu cần của Việt Nam vẫn luôn nằm trong top cao nhất trong khu vực. Đơn cử, xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải quyết bài toán nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm. Phát triển các tuyến đường vành đai hợp lý xung quanh TP.HCM và Hà Nội, giúp làm thông thoáng các khu vực trung tâm và kết nối tốt hơn các khu vực đang phát triển ở vùng ven các TP này là chìa khóa để giảm bớt tắc nghẽn giao thông.

fdi tim cu diem moi viet nam chu dong don thoi co vang
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital.

Nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch, Chính phủ Việt Nam đang giải ngân đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các dự án này cùng những giải pháp khác sẽ hỗ trợ Việt Nam thăng hạng trong chỉ số năng lực quốc gia về kho vận của Ngân hàng Thế giới (World Bank). Hiện Việt Nam đang xếp thứ 45.

Theo Tổng giám đốc VinaCapital, tạo thuận lợi trong các hoạt động kinh doanh là một yếu tố mà Chính phủ có thể thực hiện các cải thiện nhanh chóng. Theo đánh giá của World Bank về tính thuận lợi cho kinh doanh, Việt Nam xếp hạng thứ 70, đứng trên Indonesia và Philippines nhưng xếp sau Malaysia và Thái Lan. Trước mắt, tập trung việc cải thiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc thành lập công ty, cấp giấy phép, chi trả thuế, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho những doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào Việt Nam…

Về lâu dài, Chính phủ có thể cân nhắc một số đề xuất để giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, nên có một cơ quan xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách việc chủ động và linh hoạt quảng bá Việt Nam như là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên phạm vi toàn thế giới.

“Chúng ta sẽ chủ động lựa chọn các dòng vốn phù hợp thay vì ngồi đợi các khoản đầu tư đến Việt Nam”, ông Don Lam nhấn mạnh.

Một yếu tố được xem là lợi thế thu hút FDI của Việt Nam là nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp, ông Don Lâm cho rằng cần phải nâng cao chất lượng lao động thông qua các hoạt động đào tạo để đáp ứng các tiêu chuẩn của việc sản xuất ở tầm cao hơn. Việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật, tạo ra đội ngũ lao động chất lượng cao để phục vụ sản xuất các sản phẩm phức tạp hay cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao. Chiến lược này đã rất thành công ở Trung Quốc, đem lại sự thay đổi thần kỳ trong sản xuất công nghiệp.

Cuối cùng, Chính phủ có thể cân nhắc xúc tiến việc hình thành các cụm công nghiệp xung quanh các khu vực tiềm năng. Chiến lược cụm công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa vốn FDI vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp để định vị sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó. Trong đó, thúc đẩy các công ty nước ngoài sẽ sớm có kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng ngay tại Việt Nam, điều này sẽ đem lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ có thể tiếp tục đàm phán và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam gần đây đã được phê chuẩn, sẽ hỗ trợ cho việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, tăng cường luật sở hữu trí tuệ và củng cố thêm mối quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Trước những thời cơ “vàng” để thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh Covid-19, cũng như chuẩn bị đón bắt dòng vốn FDI phù hợp và hướng tới mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu của giới đầu tư nước ngoài.

Hải Hà
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường