'Ghế nóng' quyền lực không là giấc mơ của cổ đông Eximbank

Nội bộ bất ổn ở trên tầng quản trị điều hành, hoạt động kinh doanh sa sút với các vụ thiệt hại, mất tiền trăm tỉ nối tiếp… là hệ luỵ khi những ông chủ mải mê tranh giành quyền lực đẩy ngân hàng Eximbank vào “cơn bĩ cực” chưa từng thấy.
Bất ổn và tranh chấp bủa vây, kịch bản nào cho Eximbank?Ai sẽ 'giải vây' thế trận nguy cấp ở Eximbank?Eximbank tiếp tục hoãn Đại hội cổ đông 2019

Sau thâu tóm là loạn “ghế nóng”

Mọi bất ổn tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) nhiều năm qua đều xoay quanh những chiếc “ghế nóng” quyền lực trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành của ngân hàng. Tháng 6 vừa qua, Eximbank lại gấp gáp triệu tập hai cuộc họp cùng ngày 30/6 là Đại hội cổ đông thường niên 2020 và Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 – đã bị trì hoãn từ năm trước.

Như một kịch bản đã được dự liệu trước, cả hai cuộc họp quan trọng này đều thất bại, trong đó, tỉ lệ cổ đông tham dự Đại hội cổ đông thường niên 2020 chỉ có 133 người, đại diện cho 17,54% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Tỉ lệ này được “vớt vát” bởi sự có mặt của hai cổ đông VOF Investment Limited (sở hữu 4,93% cổ phần EIB) và MR Exim Investments Limited (tên cũ: Mirae Asset Exim Investments Limited nắm 4,52%) vào phút chót. Còn Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 dù có tới 129 cổ đông tham dự, đại diện cho 51,92% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để tiến hành Đại hội.

Mới đây, Eximbank đã thông báo sẽ họp Đại hội cổ đông thường niên lần 2 vào ngày 29/7 tới đây, còn chưa đề cập tới kế hoạch họp lần 2 của Đại hội cổ đông bất thường, dù ngày 29/7 là hạn chót để tiến hành. Đại hội cổ đông thường niên sẽ quyết định nội dung quan trọng là bầu lại Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kì 2020-2024.

Sau lần 1 thất bại, cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đang nắm giữ 15% cổ phần Eximbank rất sốt sắng việc triệu tập ngay Đại hội cổ đông bất thường để đưa kiến nghị giảm số thành viên Hội đồng quản trị từ 10 xuống 7 người và yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Thực tế, trong 5 năm nhiệm kỳ 2015-2020, Eximbank đã triệu tập 9 lần Đại hội cổ đông nhưng bị thất bại tới 7 lần, do tỉ lệ cổ đông tham dự không thoả mãn điều kiện theo quy định và có lần đại hội “dậy sóng” vì những tranh cãi nảy lửa giữa các nhóm cổ đông lớn.

Cùng với các Đại hội đồng cổ đông liên tục “đổ bể”, Eximbank cũng thay lãnh đạo nhanh đến “chóng mặt” với 5 lần thay Chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 2019, Đại hội cổ đông duy nhất được họp thành công đã bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch thay cho ông Lê Minh Quốc, nhưng sau đó cổ đông đã gửi đơn khiếu kiện ra toà án để tuyên huỷ Nghị quyết về việc bầu nhân sự này. Sau đó, bà Lương Thị Cẩm Tú lại rút lui để trao “ghế nóng” Chủ tịch cho ông Lê Minh Quốc đảm nhận, đến khi chuyển giao sang ông Cao Xuân Ninh và ông Yasuhiro Saitoh nắm giữ từ ngày 25/6/2020.

Có lẽ cả 4 Chủ tịch này đều không phải là ông chủ thực sự của Eximbank, không nắm hoặc sở hữu rất ít cổ phiếu nên cũng không đủ sức ảnh hưởng để cầm trịch điều hành tại ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh các nhóm cổ đông lớn xung đột gay gắt.

Sự khó hiểu hơn là Hội đồng quản trị đã có Nghị quyết bầu ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Tổng giám đốc và theo Điều lệ Eximbank, Tổng giám đốc là Người đại diện theo pháp luật duy nhất. Nhưng hồ sơ bổ nhiệm này đã không được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn, cũng không phản hồi dù ngân hàng đã bổ sung hồ sơ để hoàn tất các thủ tục bổ nhiệm này. Trong tình cảnh không có Người đại diện pháp luật chính danh và các Chủ tịch HĐQT thay đổi liên tục, Eximbank gặp khó khăn trong hoạt động điều hành quản trị, cũng như điều hành kinh doanh, đầu tư.

Cổ đông muốn sự ổn định và cổ tức

Có thể thấy, trong hơn 5 năm rơi vào khủng hoảng do cuộc “nội chiến” giữa các nhóm cổ đông, những mâu thuẫn trong định hướng điều hành, phân chia quyền lực tại Eximbank đã gây ra những hệ luỵ, thiệt hại lớn cho ngân hàng, cổ đông, nhà đầu tư.

Kết quả kinh doanh của Eximbank trồi sụt thất thường, đã có những quý kinh doanh thua lỗ như quý 4/2018 Eximbank bị lỗ trước thuế 309 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2010-2019 đạt khá thấp lần lượt là 827 tỉ đồng và 1.095 tỉ đồng. Dù nỗ lực cắt giảm chi phí hoạt động, điều chỉnh dự phòng rủi ro nhưng năm 2020, ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 1.318 tỉ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.

Trong bối cảnh bất ổn leo thang và khó “hoá giải”, Eximbank liên tiếp xảy ra những vụ vi phạm giao dịch, mất tiền gửi, điển hình như vụ mất 245 tỉ đồng tiền gửi của khách hàng ở TP.HCM. Năm 2017, có 6 người gửi tiền tiết kiệm tại Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An) bị chiếm đoạt hơn 50 tỉ đồng… Đây là những thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, hình ảnh của ngân hàng.

Cùng với kết quả kinh doanh sa sút, tụt hậu so với các ngân hàng cùng quy mô, cổ đông và nhà đầu tư của Eximbank đã không được nhận cổ tức suốt nhiều năm, giá trị cổ phiếu đi xuống, suy giảm niềm tin trên thị trường… Để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eximbank, luật sư Phạm Công Hùng (TP.HCM) đã nêu ra 4 phương án tháo gỡ, trong đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc phê duyệt nhân sự dự kiến của HĐQT và Ban kiểm soát trong nhiệm kỳ 7 (2020 - 2025) để trình Đại hội cổ đông thường niên lần 2 bầu ra nhân sự xứng đáng, sớm xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến Tổng giám đốc - Người đại diện pháp luật để Eximbank bổ nhiệm chính thức.

Minh Anh
Theo Tạp chí Thương Trường

Xem thêm

Liên kết