Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La trả lời chất vấn tại Kỳ họp. |
Theo phản ánh của cử tri, nhiều năm nay, nước thải từ trại giam Công an tỉnh Sơn La, các cơ sở chế biến cà phê, trại chăn nuôi gia súc, nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình thuộc địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn chảy theo hệ thống rãnh dọc đường quốc lộ 4G xuống khu nghĩa trang nhân dân và suối cạn thuộc địa bàn tổ 6, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân trong khu vực.
Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Khu vực ô nhiễm trên thuộc địa phận xã Chiềng Mung, là khu vực tập trung đông dân cư, có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trong đó, có trên 10 cơ sở sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt, 1 trại lợn quy mô công nghiệp, nhiều cơ sở chăn nuôi quy mô hộ gia đình…
Với áp lực về nước thải cà phê và nước thải từ các khu vực dân cư, có thể đánh giá, nước ngầm, nước mặt khu vực Chiềng Mung – Nà Sản đang bị ô nhiễm lớn, đặc biệt là vào mùa khô, mùa thu hoạch và chế biến nông sản.
Hoạt động gây ô nhiễm chủ yếu do sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt của các hộ gia đình, các hoạt động góp phần gây ô nhiễm là nước thải sinh hoạt của các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ khác.
Để xử lý dứt diểm ô nhiễm cần 2 yếu tố cơ bản: Kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường phù hợp, trong đó có hệ thống thu gom nước thải, thu gom nước mưa; quản lý được nguồn phát thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, khu vực này chưa có kết cấu hạ tầng về thu gom và xử lý nước thải, việc quản lý môi trường với nguồn phát thải còn yếu kém, dẫn đến ô nhiễm kéo dài, xử lý chưa được dứt điểm.
Để bảo vệ môi trường tại khu vực trên, Sở TN&MT đã ban hành văn bản và sổ tay hướng dẫn bảo vệ môi trường với hoạt động sơ chế cà phê bằng phương pháp ướt quy mô hộ gia đình, gồm 1 hướng dẫn và in, phát hành 1.500 cuốn sổ tay Hướng dẫn.
Đồng thời, ban hành kế hoạch và tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn 3 huyện, thành phố: Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La với trên 200 hộ dân tham gia.
Tổ chức thu thập thông tin hộ gia đình sơ chế, chế biến cà phê bằng phương pháp ướt trên địa bàn toàn tỉnh, đã gửi 1.000 phiếu khảo sát, điều tra thông tin hộ gia đình chế biến cà phê gửi các xã có trồng cà phê; kết hợp lấy phiếu khảo sát tại các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Đã thành lập Tổ công tác đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1539/UBND-KT ngày 14/5/2019 với 03 huyện, thành phố tập trung cơ sở chế biến cà phê là Mai Sơn, Thành phố, Thuận Châu. Đã ban hành hướng dẫn số 204/HD-STNMT ngày 4/7/2019 hướng dẫn quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ và xử lý nước thải cà phê theo hướng tái sử dụng chất thải đối với cơ sở chế biến cà phê quy mô hộ gia đình.
Năm 2019, sản lượng cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng nhiều so với năm 2018. Nguồn thu từ cà phê khá lớn, công nghệ sơ chế cà phê đơn giản, trong khi các cơ sở sơ chế trên địa bàn đa số mang tính tự phát, phân tán, địa bàn rộng, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường…
Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng giao Sở TN&MT chủ trì, có kế hoạch kiểm tra, rà soát, đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm theo lộ trình cụ thể. |
Do đó, trước mắt, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức điều tra, thống kê các cơ sở chế biến có trên địa bàn, nắm chắc thực trạng, đánh giá đúng tình hình, phân loại khu vực nhạy cảm về môi trường, nguồn nước, gồm: Khu vực đặc biệt nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt; khu vực có nguy cơ cao và khu vực có nguy cơ.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân, nhất là các cơ sở hoạt động sơ chế, chế biến cà phê trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Khẩn trương hoàn thiện, bổ sung việc thành lập các tổ công tác của UBND huyện, thành phố đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nguồn nước.
Kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý dứt điểm với các cơ sở chế biến cà phê, cơ sở chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đình chỉ các cơ sở chế biến không đảm bảo môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng, áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi cố tình vi phạm. Thu thập thông tin, tổ chức điều tra khởi tố nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm môi trường.
Về lâu dài, Sở TN&MT đã hướng dẫn chi tiết các huyện, thành phố việc thực hiện công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản. Tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường...
Nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã, UBND cấp huyện, tổ chức rà soát nâng cao trách nhiệm quản lý các cơ sở chế biến trên địa bàn, trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm trên địa bàn.
Cùng với đó, Sở TN&MT đề xuất Sở Xây dựng có giải pháp về cấp thoát nước khu vực đô thị trên toàn tỉnh, đặc biệt ưu tiên các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đảm bảo tính đồng bộ về thu gom và xử lý nước thải.
Sở NN&PTNT có định hướng quy hoạch trồng các loại cây công nghiệp, đi liền với quy hoạch về chế biến nông sản, triển khai có hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn. Sở Kế hoạch và Đầu tư có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các dự án đầu tư chế biến nông sản trên địa bàn.
Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh nâng cao trách nhiệm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, giám sát các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn La có phương án phòng ngừa sự cố môi trường nguồn nước, có phương án dự phòng khi nguồn nước cấp gặp sự cố, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân.
Phát biểu kết luận nội dung chất vấn, ông Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố có kế hoạch kiểm tra, rà soát, đề xuất biện pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm theo lộ trình cụ thể, vì còn liên quan đến các yếu tố khác về kết cấu hạ tầng… Thường xuyên hướng dẫn các huyện, thành phố về trách nhiệm quản lý bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở cộng đồng khu dân cư, tổ, bản, khu phố, cấp ủy chính quyền địa phương, cần có hướng dẫn cụ thể, chung tay vào cuộc trong vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay. |