Khó xử lý
Từ ngày 9-11/6, Hà Nội đã lập tổ công tác liên ngành, gồm Sở TN&MT Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an TP.Hà Nội để kiểm tra đột xuất tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch tại một số huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố.
Qua kết quả kiểm tra, tại hầu hết các địa phương, tình trạng đốt rơm rạ đã giảm nhiều so với các năm trước. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn xảy ra với quy mô nhỏ lẻ và UBND các xã chưa có biện pháp xử lý.
Tại huyện Ứng Hòa, vụ Xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch là 45.980 tấn đã được xử lý bằng các phương pháp như thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu chiếm 31%; biện pháp khác (để rơm rạ tại ruộng tự phân hủy…) 58%; đốt còn 11%.
Theo bà Vũ Thị Oanh - Phụ trách Phòng TN&MT huyện Ứng Hòa, UBND huyện đã nghiêm túc phê bình trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã vẫn để tái diễn tình trạng đốt rơm rạ, đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các xã khẩn trương kiểm tra, xử lý và đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm.
Do diện tích các thửa ruộng còn nhỏ, khi thu hoạch sử dụng cơ giới nên việc thu gom rơm, rạ sau thu hoạch rất khó khăn. Người dân ít quan tâm đến việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để cải tạo đất. “Mặc dù, UBND huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí cho người dân để mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, nhưng sau khi hết hỗ trợ thì người dân không tiếp tục chi trả nguồn kinh phí để mua, trong khi việc phát triển các ngành chăn nuôi để tận dụng rơm rạ làm thức ăn gia súc hoặc trồng nấm còn ít”, bà Oanh cho hay.
Còn tại huyện Thanh Oai, với tổng diện tích gieo trồng lúa mùa vụ trên địa bàn huyện khá lớn 6.470 ha, tương đương 38.820 tấn rơm, rạ thải bỏ. Nhiều năm trở lại đây hiện tượng đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng có chiều hướng giảm đáng kể chỉ còn khoảng 1%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ huyện Ứng Hòa, mà các huyện khác trên địa bàn thành phố cũng đang gặp khó khăn khi thực hiện Chỉ thị số 15. Theo Phó phòng TN&MT huyện Thanh Oai Dư Văn Dũng, trên địa bàn huyện vẫn còn một số xã tái diễn tình trạng đốt rơm rạ nhỏ lẻ, bên cạnh nguyên nhân do người dân không hợp tác trong việc hoàn đối ứng hoặc tự mua chế phẩm sinh học, giá thành chế phẩm xử lý cao thì một trong những nguyên nhân phải kể đến là chế tài xử phạt vi phạm hành chính về đốt rơm rạ tại ruộng chưa rõ ràng, điều này gây khó khăn cho địa phương trong việc tiến hành xử lý hành vi trên.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trước thực trạng trên, các huyện trên địa bàn thành phố đã tăng cường nhiều giải pháp cụ thể. Đại diện lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, khối lượng rơm, rạ đốt sau thu hoạch giảm 5-10% so với những năm trước. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân tác hại của việc đốt rơm, rạ, vận động người dân tự nguyện tham gia, cam kết không đốt sau thu hoạch…
Cùng với những kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc, UBND các huyện đã đưa ra kiến nghị UBND TP.Hà Nội và các đơn vị có liên quan có hướng dẫn cụ thể chế tài xử lý với hành vi đốt rơm rạ, tăng cường đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố phối hợp với các huyện. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, mua máy cuốn ép rơm, giới thiệu mô hình thu gom rơm rạ sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của từng huyện để ứng dụng, triển khai. Cùng với đó, định hướng, khuyến khích phát triển các ngành nghề sản xuất nông nghiệp tận dụng rơm rạ trong sản xuất…
Mới đây, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định.
Trong đó, để kiểm soát, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm nêu trên, Bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa. Giao các hội nông dân và phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức cho hội viên, đoàn viên, hộ nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ ngoài cánh đồng.
Các tỉnh, thành phố cần xây dựng các dự án, nhiệm vụ hướng dẫn người nông dân triển khai các biện pháp thu gom tối đa, xử lý, chế biến triệt để phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tình trạng đốt rơm rạ diễn ra phổ biến sẽ gây phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí như bụi PM 2.5, PM 10... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính những người dân tại đó và cả những người dân sống ở những khu vực không có hiện tượng đốt rơm rạ.
"Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO, đây là loại khí rất độc. Người hít nhiều và kéo dài dễ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Không những vậy, với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông", ông Đăng nhấn mạnh.
GS Nguyễn Lân Dũng cho hay: "Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người. Việc đốt một lượng lớn rơm rạ sẽ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện".