Mới đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được phản ánh của người dân phản ánh liên quan đến việc tập kết bùn thải sai vị trí tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2. Cụ thể, theo phản ánh của người dân, trong quá trình thi công khoan cọc nhồi, nhà thầu đã đổ hết bùn vây ra ngoài ranh giới công trường.
Cũng theo phản ánh của bạn đọc thì số bùn này sau đó được nhà thầu thi công vận chuyển ra đổ ngay sát công trường, sát mép nước sông Hồng dưới chân cầu Vĩnh Tuy thay vì vận chuyển đến một bãi tập kết có đủ điều kiện chờ để xử lý. Nguy hại hơn, những ngày vừa qua trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh thượng nguồn có mưa lớn khiến mực nước sông Hồng dâng cao. Toàn bộ số bùn vây nói trên có thể bị nước sông Hồng cuốn trôi.
Có mặt tại hiện trường, Phóng viên ghi nhận bùn thải của dự án đang được tập kết ngay phía dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Khu vực tập kết bùn thải nằm trên bãi sông Hồng, cách mép nước không xa. Nhà thầu không có bất cứ biện pháp che chắn tránh để bùn thải trôi vào ruộng vườn, ao của người dân.
Để làm rõ hơn, Phóng viên đã liên hệ với Phòng Giám sát 2, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông Vận tải thành phố Hà Nội (QLDA ĐTXD CTGT-VT TP.Hà Nội).
Chia sẻ với Phóng viên, một cán bộ phòng Giám sát 2 cho biết, sự việc Phóng viên quan tâm thuộc gói thầu số 2 của dự án, do Công ty cổ phần phát triển xây dựng và thương mại Thuận An và Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long đảm nhiệm thi công. Hiện các đơn vị thi công đang gấp rút thi công để đảm bảo tiến độ dự án.
Vị này nói thêm: "Theo quy định, sau khi tiến hành khoan cọc nhồi toàn bộ số bùn sẽ được nhà thầu vận chuyển về bãi tập kết chất thải rắn xây dựng của Thành phố. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn về bãi tập kết chất thải rắn trên địa bàn TP.Hà Nội nên đơn vị thi công tạm thời tập kết bùn thải tại đây". Vị này cũng thừa nhận trong quá trình vận chuyển bùn thải, có gây vương vãi, bãi tập kết vượt ngoài ranh giới công trường.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, trên địa bàn TP.Hà Nội, các bãi đổ thải chất thải rắn vật liệu xây dựng đều đã hết trữ lượng từ tháng 12/2020, không thể nhận thêm chất thải rắn xây dựng từ các công trình đang thi công được nữa.
“Trong lúc chờ Thành phố đưa ra giải pháp cho việc trên, để đảm bảo tiến độ thi công, chúng tôi đồng ý cho nhà thầu tạm thời tập kết bùn thải, chất thải rắn”, cán bộ Phòng Giám sát 2 cho hay.
Để giải quyết tình trạng khó khăn về bãi đổ thải chất thải rắn xây dựng với các công trình giao thông trọng điểm do Ban QLDA ĐTXD CTGT-VT TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, tháng 1/2021 Ban QLDA ĐTXD CTGT-VT TP.Hà Nội đã có văn bản số 137 gửi các cơ quan chức năng. Sau khi nhận được văn bản trên, Sở Xây dựng TP.Hà Nội đã có văn bản số 1558/SXD – HT ban hành ngày 01/3/2021 tham mưu UBND TP. Hà Nội tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc không có bãi đổ thải chất thải rắn xây dựng trong thời gian qua.
Đến ngày 1/4/2021 UBND TP.Hà Nội ban hành văn bản 946/UBND – ĐT nhằm giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP.Hà Nội.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội chấp nhận đề xuất từ phía Sở Xây dựng xem xét tiếp tục tiếp nhận chất thải rắn xây dựng tại vị trí xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh (bãi Nguyên Khê); Chấp thuận nguyên tắc chủ trương san lấp tại vị trí xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín theo đề xuất của Công ty CP Công nghệ môi trường và sinh thái; Yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Việt Cường khẩn trương hoàn thành công tác lập trình thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường với vị trí trung chuyển tạm thời, xử lý tái chế chất thải rắn xây dựng Việt Cường.
Trong khi đó, rất nhiều công trình trọng điểm của TP.Hà Nội do Ban QLDA ĐTXD CTGT-VT TP.Hà Nội làm chủ đầu tư như Dự án Hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3, Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã tư Vọng, Dự án cầu Vĩnh Tuy 2, Dự án mở rộng quốc lộ 1A cũ đoạn Ngọc Hồi – Thường Tín lần lượt được triển khai và gấp rút thi công.
Như vậy, suốt nhiều tháng qua, Hà Nội đang không có địa điểm tiếp nhận chất thải rắn xây dựng. Do thiếu bãi đổ thải, các nhà thầu vận chuyển chất thải đến các vị trí không được quy hoạch làm điểm tiếp nhận chất thải xây dựng.
Như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin trước đó, trong quá trình thi công dự án Hầm chui núi giao Lê Văn Lương – Vành đai 3, nhà thầu sử dụng xe quá khổ quá tải đưa chất thải rắn xây dựng của dự án đi đổ trộm tại các điểm tập kết trên địa bàn xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, phường Biên Giang, quận Hà Đông…
Phát biểu tại lễ khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy 2, ông Chu Ngọc Anh – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án trong đó có chủ đầu tư phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt lưu ý tổ chức giao thông bảo đảm thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Tương tự, tại lễ khởi công Dự án Hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu Chủ đầu tư - Ban QLDA ĐTXDCTGT TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ban, ngành thường xuyên kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, đảm bảo an toàn lao động.
"Đặc biệt, quá trình thực hiện dự án phải đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân trong khu vực; lưu ý tổ chức giao thông thông suốt, an toàn", Chủ tịch TP.Hà Nội khẳng định.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.