Hà Nội: Xu hướng hình thành các đại đô thị vùng ven

Hà Nội đang hình thành nhiều các khu đại đô thị tại các quận ven nội thành. Các dự án này hiện đang cung cấp cho thị trường một lượng cung rất lớn.
Đô thị hóa và nỗi lo rác thải: Cần giải pháp hữu hiệu về chính sách, quy hoạch và đầu tưTP. Hạ Long sẽ trở thành đô thị lớn nhất cả nướcBà Rịa - Vũng Tàu tìm chủ cho dự án khu đô thị rộng gần 1.800ha

Theo báo cáo thị trường của Công ty CBRE, trong quý III/2019, tại Hà Nội có 873 căn nhà liền kề, biệt thự được chào bán mới, đóng góp cho tổng nguồn cung đạt 4.120 căn trong 9 tháng đầu năm. Tổng số căn bán được đạt mức 3.853 căn, cao hơn gấp 1,5 lần so với cả năm 2018.

ha noi xu huong hinh thanh cac dai do thi vung ven
Các đại đô thị đều có xu hướng bám các trục giao thông lớn

Đối với phân khúc chung cư, khoảng 27.000 căn hộ được mở bán mới. Trong số này, 10.800 căn hộ (chiếm 40% tổng nguồn cung) đến từ những dự án đại đô thị lớn nằm tại các quận, huyện ven Hà Nội như huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh….

Bà Trần Hoài An – Giám đốc Công ty CBRE cho rằng, điểm đáng chú ý nhất của thị trường Hà Nội đó chính là các dự án bất động sản có quy mô lớn đang có xu hướng dịch chuyển đến các vùng ven, cách xa trung tâm Hà Nội 10-20km. Và nằm cạnh những khu vực có kết nối tốt về hạ tầng giao thông tốt thuận tiện cho việc đi lại. Có thể kể đến dự án Gamuda Lakes rộng 500 ha (Hoàng Mai); dự án Vinhomes Smart City rộng 280 ha (phường Đại Mỗ -Tây Mỗ, Nam Từ Liêm); dự án đang rục rịch triển khai như Thành phố thông có quy mô 272 ha, vốn đầu tư 4,2 tỉ USD (Đông Anh)…

“Hiện nay, người dân đang có xu hướng muốn ở xa trung tâm thành phố. Họ chấp nhận mất 30-40 phút lái xe hàng ngày để đi làm và đưa con cái đi học. Nhưng bù lại, họ sẽ được sống trong không gian khoáng đãng, yên tĩnh, có đầy đủ dịch vụ tiện ích. Các đô thị này được quy hoạch chuẩn với mật độ cây xanh, hồ nước rộng lớn. Trong tương lai, người dân Hà Nội còn có thể kỳ vọng về đại đô thị thông minh. Nơi mà hạ tầng công nghệ thông tin được kết nối chặt chẽ với hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện sống hoàn hảo cho người dân sẽ sớm được hình hành tại huyện Đông Anh.” - bà Hoài An nhấn mạnh.

Trên thực tế, nhiều năm qua, tại Hà Nội đã xuất hiện một số khu đô thị lớn ở các vùng lân cận như đô thị Ecopark (Hưng Yên); khu đô thị Gamuda (Hoàng Mai)…Thời điểm bắt đầu mở bán, các dự án này dường như chưa thực sự thu hút được khách hàng do khoảng cách giao thông còn khá xa trung tâm. Tuy nhiên, sau 3-5 năm khi đô thị được hình thành xong, lượng người dân chuyển đến sinh sống tại các đô thị rất lớn. Khoảng cách về địa lý đã không còn là rào cản. Thay vào đó, người dân rất hài lòng về không gian cây xanh, hồ nước, mật độ xây dựng thấp và hơn hết hệ thống trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại được xây dựng hoàn chỉnh.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản đánh giá, sở dĩ các đại đô thị lớn được hình thành tại các khu vực vùng ven do nơi đây có quỹ đất lớn, giá đất thấp rất phù hợp để phát triển đô thị. Đây không phải chỉ là xu hướng riêng của Hà Nội mà nhiều TP lớn khác trên thế giới cũng đã phải tính đến phương án phát nhiều các đô thị lớn, đồng bộ nhằm mục đích kéo người dân ra khỏi khu vực trung tâm, giảm áp lực cho khu vực nội đô.

Hiện tại, các quận Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, nhiều dự án đại đô thị lớn có quy mô từ vài chục cho đến vài trăm ha đã được chủ đầu tư như Vingroup, FLC, Sun group, BRG đăng ký lập quy hoạch. Những khu vực này sẽ phát triển thành khu trung tâm mới của Hà Nội. Đáng chú ý, đây đều là quận, huyện có hệ thống giao thông đã phát triển hoàn chỉnh với trục đường lớn như đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân – Nội Bài; cầu Thanh Trì, … Các trục giao thông này sẽ góp phần thu hẹp không gian vùng tạo ra các đô thị vệ tinh hiện đại cho Hà Nội.

“Việc các đại đô thị lớn phát triển thành công sẽ tạo động lực để các tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn cho hạ tầng đô thị các khu vực vùng ven. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển tốt hơn trong thời gian tới” – ông Đính nhấn mạnh.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn kết nối bằng hệ thống giao thông, đường vành đai, đường liên kết quốc gia. Định hướng đến 2030 dân số 9,0 – 9,2 triệu người, tỉ lệ đô thị hoá 65 – 68%. Diện tích đất xây dựng đô thị và nông thôn khoảng 160.000 ha, trong đó đất xây dựng đô thị 95.000 ha (28,3% diện tích tự nhiên). Ngoại thành với 9 huyện hiện còn tới 2045,2 ha chưa sử dụng. Với cấu trúc, mô hình như vậy rất cần ngoại thành phát triển bền vững gắn kết với nội đô để sớm hoàn thành mục tiêu cơ bản về công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Theo (Thùy Linh/TNMT)