Hai chỏm băng khổng lồ nghìn năm tuổi biến mất hoàn toàn khỏi Bắc Cực

Tại đảo băng Ellesmere của Canada, nơi nằm sát phía Tây Bắc của Greenland, đã có 2 chỏm băng khổng lồ biến mất hoàn toàn.
Biến đổi khí hậu có thể khiến gấu Bắc Cực tuyệt chủng vào năm 2100Biến đổi khí hậu: Lời kêu cứu khẩn thiết từ Bắc CựcSự cố tràn dầu ở khu vực Bắc Cực: Dầu đã loang đến hồ Pyasino
Nhiệt độ ở đảo Ellesmere đang tăng ở ngưỡng báo động.

Bắc Cực đang là nơi có tốc độ nóng lên gần gấp đôi so với phần còn lại của thế giới. Tại đây, những chỏm băng lớn đang dần biến mất do biến đổi khí hậu.

Theo Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC), ảnh chụp từ vệ tinh ASTER của NASA cho thấy sự biến mất nhanh chóng của hai chỏm băng gần St. Patrick Bay trên cao nguyên Hazen, đảo Ellsmere, quần đảo Bắc Cực thuộc Canada.

Hình ảnh bên trái được chụp qua vệ tinh NASA vào năm 2015, bên phải được chụp vào năm 2020 và cho thấy các khối băng đã biến mất.

Các tảng băng của vịnh St. Patrick nằm ở độ cao khoảng 800 mét trên cao nguyên Hazen của đảo Ellesmere, Canada. Chúng có thể bắt đầu hình thành từ vài nghìn năm trước. Đến thời kỳ Tiểu băng hà (thế kỷ 16-19), chúng lớn gấp vài lần so với diện tích đo được năm 1959.

Các nhà nghiên cứu cho biết, vào năm 1959, hai chỏm băng rộng lần lượt 7,48 km2 và 2,93 km2, nghĩa là chỏm băng lớn rộng hơn gấp đôi Công viên Trung tâm ở New York.

Sự suy giảm nhanh chóng diện tích của hai chỏm băng đã được ghi nhận trong một nghiên cứu năm 2017. (Ảnh: NSIDC)

Mark Serreze, Giám đốc NSIDC, từng nghiên cứu hai chỏm băng St. Patrick Bay khi còn là sinh viên. "Năm 1982, khi tôi ghé thăm lần đầu tiên, những chỏm băng giống như một đặc điểm vĩnh cửu của cảnh quan nơi đó. Việc thấy chúng biến mất chỉ trong chưa đầy 40 năm khiến tôi vô cùng ngạc nhiên", ông chia sẻ.

Tuy nhiên, vào năm 2017, khi các nhà khoa học một lần nữa đo các chỏm băng thì diện tích của chúng đã giảm xuống chỉ còn 5% kích thước trước đây. Ông Serreze, tác giả chính của nghiên cứu năm 2017 đã dự đoán rằng những chỏm băng này sẽ biến mất hoàn toàn trong vòng 5 năm. Nhưng chúng đã biến mất chỉ sau 2 năm, trước cả dự đoán.

"Chuyện này giống như nhìn một người bạn ngày càng yếu đi vì một căn bệnh khủng khiếp. Tôi biết sẽ có ngày mọi thứ kết thúc, nhưng vẫn không thể thực sự sẵn sàng cho chuyện đó. Tất cả những gì còn lại là những bức ảnh với rất nhiều kỷ niệm", Serreze chia sẻ.

Các nhà khoa học hiện đang lo ngại rằng tương lai của các tảng băng khác trên cao nguyên Hazen có thể sớm chịu số phận tương tự. Nếu nhiệt độ ở Bắc Cực tiếp tục tăng thì những núi băng ở đây cũng có thể sớm biến mất hoàn toàn.

Quang Huy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường