Với chủ đề “Hành động vì thiên nhiên" (Time for Nature), năm 2020 là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. |
Ngày Môi trường thế giới diễn ra hằng năm vào ngày 5/6. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hợp quốc để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới.
Với chủ đề “Hành động vì thiên nhiên" (Time for Nature), năm 2020 là năm quan trọng đối với các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học với việc tăng cường đồng loạt các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời đây là thời điểm mỗi quốc gia cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong Tháng Hành động vì môi trường.
Mở đầu chuối sự kiện này, tại Bạc Liêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Ngày Môi trường thế giới năm 2019, trồng 2.000 cây mắm tại rừng ngập mặn.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trái đất - ngôi nhà chung của nhân loại, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như việc khai thác, sử dụng quá mức, thiếu bền vững tài nguyên biển gây ra.
“Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương xanh bằng cách kết nối, lan tỏa và truyền cảm hứng hướng tới bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đại dương để đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng trao tặng cờ Tổ quốc và bộ lưới đánh cá cho bà con ngư dân. (Ảnh VGP/Nhật Bắc) |
Hai thành phố lớn nhất cả nước là Thủ đô Hà Nội, TP.HCM đã đồng loạt tổ chức ngày hội “Không khí sạch - Hà Nội xanh” và “Ngày hội sống xanh 2019”. Gần 100 gian hàng được trưng bày các sản phẩm dịch vụ, công nghệ thân thiện môi trường, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
Bên cạnh đó, các hoạt động như Triển lãm “Chất thải nhựa – Tác hại và hành động của chúng ta”; Thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình; Trao đổi sách truyện, quần áo đã qua sử dụng; Sân chơi thực hành sống xanh. Đặc biệt, đổi giấy vụn, vỏ chai nhựa, vỏ hộp sữa, rác điện tử... lấy cây xanh cũng thu hút được đông đảo người dân tham gia, ủng hộ.
Đổi sách cũ lấy cây xanh ở “Ngày hội sống xanh 2019” tại TP.HCM. |
Tại Quảng Ninh, hàng trăm đoàn viên đã phối hợp cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Quan Lạn phát động chương trình “Hãy làm sạch biển”, tổ chức thu gom rác, dọn dẹp làm sạch gần 2km bờ biển Quan Lạn (Vân Đồn).
Ngày 2/6, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức Lễ phát động Chiến dịch thanh niên, học sinh, sinh viên TP. Đà Nẵng tình nguyện hè năm 2019 và Ngày hội “Thanh niên Đà Nẵng nói không với rác thải nhựa”.
Tại tỉnh Bình Dương, gần 1.000 đoàn viên thanh niên, học sinh và người dân tham dự lễ phát động bảo vệ môi trường. Bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống, chiến dịch kêu gọi mọi người hãy bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi nilon và ly nhựa để chung tay bảo vệ môi trường.
Hàng trăm đoàn viên, bộ đội tham gia làm sạch bãi biển Quan Lạn (Vân Đồn). |
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong trạng thái bình thường mới sau dịch Covid-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu; các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, từ chối sử dụng túi nilon khó phân huỷ, đồ nhựa dùng một lần…
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: xây dựng nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen; kiểm soát nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; quản lý sinh vật ngoại lai; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người chết sớm do ô nhiễm không khí, trong đó khu vực châu Á -Thái Bình Dương có gần 4 triệu người. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng trưởng kinh tế. Khoảng 92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí sạch. Nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 5.000 tỉ USD/năm. Ô nhiễm ozone trên mặt đất dự kiến sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030. |