Trước những thiên tai, thảm họa, dịch bệnh kinh hoàng đã xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, con người, kinh tế bị đình trệ, trong giai đoạn mới, rất cần mỗi quốc gia, địa phương cùng đẩy mạnh truyền thông và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất của chúng ta.
Nhận thức rõ sứ mệnh trước thời cuộc, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với cơ quan ngôn luận là Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả truyền thông, thúc đẩy những hành động thiết thực để chung tay bảo vệ môi trường, phát triển nền kinh tế xanh bền vững.
Trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ về những dự định lớn, phương hướng nhiệm vụ hoạt động quan trọng của TW Hội trong công cuộc gìn giữ màu xanh đất nước.
Đẩy mạnh truyền thông bảo vệ môi trường
Thưa ông, có thể thấy thời gian vừa qua thiên nhiên đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do hoạt động khai thác, tận diệt tài nguyên khoáng sản, hành vi xâm lấn, xả thải gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động,… Vậy vai trò, nhiệm vụ của báo chí truyền thông trong giai đoạn mới cần thay đổi như thế nào để thích ứng với thời cuộc?
- Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu rộng với thế giới, tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước đi kèm với ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, có nơi nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe của nhân dân. Các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường còn chưa đồng bộ. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp đã được kiện toàn nhưng chất lượng hoạt động chưa cao. Dịch Covid-19 đã và đang hoành hành, hiện tượng cháy rừng, lũ lụt... chính là hồi chuông báo động về cách mỗi người ứng xử với môi trường.
Hơn lúc nào hết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững phải được đặt lên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ trọng tâm khi tiến hành bổ sung, sửa đổi các chính sách pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục nâng cao nhận thức, khuyến khích sự thay đổi bằng hành động cụ thể.
Tôi cho rằng, để thực hiện hiệu quả được vấn đề này thì các cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền về các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.
Trước đây, Luật Bảo vệ môi trường mới chỉ tập trung vào các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thì nay, đối tượng đã tập trung cả ở cộng đồng xã hội dân cư. Do vậy, công tác tuyên truyền cũng cần có những hình thức đa dạng và phong phú, phù hợp với từng đối tượng và có sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương cùng với cơ quan truyền thông.
Cần đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ môi trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông, đây là biện pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí nói riêng và đối với xã hội nói chung.
Được biết, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng rất chú trọng công tác truyền thông về lĩnh vực môi trường. Phương hướng hoạt động trong thời gian tới của TW Hội sẽ có những bước đổi mới nào, thưa ông?
- TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có kinh nghiệm 20 năm hình thành và phát triển. Dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chuyên môn, sự chỉ đạo từ Bộ Nội vụ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) về nghiệp vụ, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, công tác chính trị được giao.
TW Hội không chỉ chú trọng về các hoạt động nghiên cứu khoa học mà nhiều năm qua cũng đẩy mạnh truyền thông về lĩnh vực môi trường, hoạt động ý nghĩa kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng… Điều này đã đem lại nhiều hiệu quả, tác động tới cộng đồng xã hội.
Với mục tiêu lan tỏa thông điệp “Kinh tế môi trường trong tầm nhìn thời đại, hướng đến nền kinh tế xanh” bằng hành động thiết thực, cụ thể, Tạp chí Kinh tế Môi trường - với vai trò và sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, sau 15 năm hình thành và phát triển, đã và đang trở thành Tạp chí uy tín hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Ngoài ra, Tạp chí luôn luôn đồng hành, phản ánh những nguyện vọng, kiến nghị của các hội viên TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp… thông qua các hoạt động trao đổi, nghiên cứu dự án, hội thảo, các hoạt động cộng đồng, trồng cây xanh. Nhờ đó, tạo ra sự đoàn kết – gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ, đồng hành của các Hội viên, đơn vị tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý xây dựng chính sách pháp luật… cùng có chung tâm huyết, trách nhiệm với công cuộc gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp đội ngũ những người hoạt động Hội tâm huyết, đồng đều trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, mở rộng thêm về đối tượng (từ quản lý, nghiên cứu, giảng dạy đến những cán bộ nghỉ hưu đã có kinh nghiệm công tác,..). Các hoạt động sẽ đi sát với yêu cầu từng vùng miền, trên cơ sở tìm hiểu kỹ điều kiện của từng nơi, phải chuyển giao được những công nghệ phù hợp, thiết thực, hiệu quả góp phần vào sự phát triển của từng địa phương.
Tiếp tục củng cố hoạt động các đơn vị mà TW Hội đã thành lập (Tạp chí Kinh tế Môi trường, Trung tâm Kinh tế Môi trường), hoạt động phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đưa ra, chỉ đạo của Liên hiệp Hội Việt Nam thông qua các chương trình, hành động để thực sự mang lại hiệu quả, lợi ích chung cho cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đào tạo đội ngũ phóng viên, BTV trẻ, những người làm báo thực sự có tâm với nghề, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo TW Hội.
Bên thềm năm mới cùng ước nguyện về một môi trường Xanh, cùng thay đổi và hành động, ông muốn gửi gắm thông điệp gì của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đến cộng đồng để có những ngày Tết sum vầy mà không quên trách nhiệm bảo vệ môi trường?
- Từ nhiều năm nay, TW Hội luôn thực hiện thường niên chương trình trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật tại nhiều ngôi chùa linh thiêng của đất nước, ở những vùng đất lịch sử… Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, nếu mỗi người góp sức gieo trồng một mầm cây thì chúng ta sẽ sớm tạo nên một khu rừng lớn - “lá phổi xanh” để bảo vệ Trái đất. Mùa xuân này, mỗi người hãy trồng thêm một cây xanh ở nhà, ở trường học, ở nơi làm việc,…
Kiên trì thực hành để có lối sống xanh, tiết kiệm và hài hòa với môi trường không phải việc đơn giản, nhưng khi chúng ta thay đổi một chút mỗi ngày, như: Hạn chế rác thải công nghiệp, yêu cây cối hơn, dọn dẹp vệ sinh từng ngõ ngách trong ngôi nhà, giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ đến nơi công cộng phải được coi là công việc hàng ngày chứ không chỉ đến Tết mới làm, để mọi người đều được sống trong bầu không khí trong lành,… Tôi tin sự cộng hưởng của chúng ta sẽ giúp môi trường thay đổi theo hướng tích cực hơn, vì những điều chúng ta làm bây giờ là tương lai của con cháu mai sau.
Tết Nguyên đán đang cận kề, chúng ta có thể thay đổi ngay từ nhiều việc làm nhỏ để chung tay vì một Tết Xanh: Dùng làn đi chợ sắm Tết, nấu nhiều món chay trong mâm cỗ Tết truyền thống, ăn nhiều rau xanh, trái cây, dùng bao lì xì bằng giấy, không mua và thả bóng bay, hạn chế đốt vàng mã và thắp nhiều hương, có thể dùng hạt cây để mừng tuổi,… Sau ngày Tết, hãy cất các loại đèn nhấp nháy, bao lì xì chưa dùng, thiệp treo, dây kim tuyến, đèn lồng trang trí, Tết sau lại mang ra lau, giặt sạch sẽ và dùng lại.
Tết đến, chúng ta đều cầu mong bình an, tốt lành cho những người thân yêu trong gia đình mình. Màu của Tết vốn vẫn được biết đến là màu đỏ tượng trưng cho sự mới mẻ, rực rỡ và phúc lộc. Năm nay, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về mùa Tết Xanh đến cộng đồng để mong một năm mới thêm tươi đẹp và trong lành với sức sống mới.
Trân trọng cảm ơn ông!