Hành trình 20 năm với nhiều thành tựu đáng tự hào sẽ trở thành nền tảng vững chắc để TW Hội tiếp tục vươn xa, phát huy vai trò, sứ mệnh của mình vì sự phát triển bền vững.
Nhân dịp chào mừng Đại hội V nhiệm kỳ 2020 – 2025, sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mang tầm nhìn mới của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch TW Hội, chia sẻ về kết quả đạt được trong nhiệm kỳ IV (2015 – 2020) và những định hướng hoạt động trọng tâm trong nhiệm kỳ mới, phát huy tinh thần “ĐOÀN KẾT – ĐỔI MỚI – SÁNG TẠO – PHÁT TRIỂN”.
Bám sát nền kinh tế xanh - "Chìa khóa" của phát triển bền vững
Xin ông cho biết những hoạt động nổi bật của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 vừa qua?
- Nhiệm kỳ IV có thể nói là một nhiệm kỳ khá thành công của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (TW Hội KTMTVN) với nhiều hoạt động đa dạng gắn với “đường trục chính” – phát triển kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững, mà chúng tôi đã triển khai trong suốt 5 năm qua. Xin nêu một số hoạt động nổi bật, trọng tâm.
Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi tập trung tập hợp lực lượng hội viên, phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đến lĩnh vực môi trường song hành với phát triển kinh tế. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích sự tham gia của những hội viên có thế mạnh về đánh giá tác động môi trường, tư vấn cho địa phương liên quan đến các vấn đề quy hoạch của tỉnh, ngành và những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Ngoài ra, các chuyên gia, luật sư có chuyên môn, nghiệp vụ cao hoạt động trong TW Hội cũng sẵn sàng tư vấn những vấn đề liên quan đến pháp luật hiện hành, các điều khoản luật, quy định của Nhà nước, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường khi doanh nghiệp cần sự trợ giúp. Chẳng hạn khi họ đầu tư vào một lĩnh vực, công nghệ mới thì cần phải lưu ý những gì về mặt pháp lý,…
Rất mừng là hiện nay Luật Tiếp cận thông tin được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước. Đây cũng là mong muốn của TW Hội từ lâu để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển lâu dài.
Sự gắn kết doanh nghiệp càng được thể hiện rõ hơn với sự thành công của Giải bóng đá Kinh tế Môi trường lần thứ I vừa được tổ chức, trong đó có sự tham gia của 6 cơ quan báo chí và 6 doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Giải đấu không chỉ là sự kết nối và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giữa các cơ quan báo chí với doanh nghiệp, mà còn là hoạt động xã hội ý nghĩa khi BTC đã quyên góp được gần 300 triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.
Chúng tôi vẫn tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ mà các nhiệm kỳ trước đã làm, luôn được Liên hiệp Hội Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm, đó là công tác phản biện tư vấn, giám định xã hội, những vấn đề đi theo hơi thở của cuộc sống. Trọng tâm của chúng tôi vẫn là xây dựng nền kinh tế xanh theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đây là nhiệm kỳ đầu tiên Liên hiệp Hội Việt Nam được tổ chức các diễn đàn khoa học, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có tên tuổi đến các nhà quản lý tham gia góp ý, phản biện, tất cả các ý kiến được bày tỏ đầy đủ, được tập hợp lại và gửi lên Chính phủ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự thay đổi này, bởi đây là cầu nối giữa các nhà khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam, trong đó có TW Hội KTMTVN, với các doanh nghiệp và cả xã hội.
Hoạt động đóng vai trò chủ đạo để thực hiện “kim chỉ nam” trong hoạt động của TW Hội, đó là công tác truyền thông của Tạp chí Kinh tế Môi trường – Cơ quan ngôn luận của TW Hội. Cho đến nay, chúng tôi đã xuất bản được 170 số Tạp chí in, hoạt động song hành cùng với hai kênh điện tử www. kinhtemoitruong.vn và www.kinhtexanh.vn.
Suốt cả quá trình thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi cũng rất tự hào khi Tạp chí luôn được đánh giá là có bản sắc riêng trong hệ thống báo chí của Liên hiệp Hội Việt Nam. Xây dựng nền kinh tế xanh quốc gia dựa trên các trụ cột kinh tế – môi trường – xã hội luôn là tôn chỉ, mục đích trong các thông điệp truyền thông của Tạp chí.
Với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng vì môi trường, chúng tôi thẳng thắn với các ý kiến phản biện vì nền kinh tế xanh của đất nước. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng “hữu xạ tự nhiên hương”, mỗi số Tạp chí mới luôn luôn được độc giả, các nhà khoa học, nhà quản lý phản hồi rất tốt.
Một trong những hoạt động được TW Hội quan tâm trong nhiệm kỳ này là công tác xã hội, từ thiện tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều chương trình có giá trị nhân văn sâu sắc: Chương trình Hiến máu tình nguyện “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”; Chương trình Môi trường xanh và Hạnh nguyện tốt lành (trồng cây Bồ đề có nguồn gốc từ đất Phật tại nhiều ngôi chùa, trao quà cho những hoàn cảnh gia đình khó khăn, các cháu học sinh nghèo học giỏi,…); Xuân ấm vùng cao; Hành trình tri ân về thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9, Ngã ba Đồng Lộc, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Hành trình về thăm Côn Đảo,…
Mỗi hoạt động đều mang đậm dấu ấn của TW Hội KTMTVN, với mong muốn “gieo yêu thương từ tâm” và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường vì cuộc sống xanh của chúng ta và muôn đời con cháu.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, khoa học và công nghệ
Được biết hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ của TW Hội KTMTVN vừa qua cũng được đánh giá khá cao bởi nhiều hiệu quả thiết thực ở một số địa phương. Ông có thể chia sẻ thêm về hoạt động này?
- Có thể nói đây là hoạt động hết sức được quan tâm trong nhiệm kỳ, do Trung tâm Kinh tế Môi trường của TW Hội trực tiếp thực hiện. Chúng tôi đã hoàn thành và chuyển giao công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ cấp huyện tại Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy được đánh giá tốt, đạt yêu cầu, các chất thải thứ sinh về khói bụi,… Các địa phương khác biết đến hệ thống xử lý này cũng ngỏ ý muốn Trung tâm về giúp họ để có cách xử lý phù hợp với quy mô. Chúng tôi rất sẵn sàng, đặc biệt rất ưu tiên cho các vùng biên giới và hải đảo xa xôi.
Trong tháng 3/2020, TW Hội KTMTVN đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên nhằm đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng khoá XIII về kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Tiểu ban.
Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của TW Hội KTMTVN đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bauxite Tây Nguyên. Với trữ lượng khoáng sản bauxite lớn như đã nói trên và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắk Nông; Chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến bauxite một cách hiệu quả, khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Với tiềm năng và lợi thế rất lớn từ bauxite Tây Nguyên, TW Hội KTMT Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. TW Hội sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đánh giá bauxite là tài nguyên khoáng sản có quy mô trữ lượng lớn và giá trị vào loại lớn nhất hiện nay của nước ta. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam đã hoàn thiện về công nghệ chế biến bauxite thành alumin.
Đáng chú ý, trước những lo ngại về vấn đề môi trường trong khai thác, chế biến bauxite, các nhà khoa học đánh giá, việc khai thác bauxite không làm mất đất mà tận dụng lượng bùn đuôi quặng đang phải chôn lấp tại các hồ chứa đưa trở lại moong khai thác thì sẽ tạo ra đất canh tác mầu mỡ hơn, cũng không làm cạn kiệt nguồn nước.
Đặc biệt, bùn đỏ từ quá trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên (loại chất thải hiện nay đang chôn lấp) không chứa chất phóng xạ, và có chứa nhiều nguyên tố đi kèm có thể sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng hoặc thép chất lượng cao.
Thời gian qua là quá trình đầy biến động của môi trường Việt Nam cũng như thế giới. Vậy, những hoạt động của TW Hội KTMTVN có bị ảnh hưởng không thưa ông, những thuận lợi và khó khăn là gì?
- Cũng như nhiều hội ngành khác, nhiệm kỳ vừa qua, TW Hội KTMTVN hoạt động dưới sự ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), có thể nói là một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đây cũng chính là điều làm cho Chính phủ lo lắng nhất nên hết sức tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ, một số tổ chức hội như TW Hội KTMTVN để thực hiện nhiều chương trình hành động kịp thời.
Nước ta là một nước nông nghiệp nên hai vựa lúa bị ảnh hưởng nặng nề, sự mất an toàn an ninh lương thực là hậu quả không ai mong muốn. Tuy nhiên, chúng tôi lại coi đây là cơ hội để TW Hội tham gia góp ý vào các chiến lược, kế hoạch hành động của các cơ quan, ban ngành. Hội luôn làm theo đúng các chỉ đạo của cơ quan chủ quản (Liên hiệp Hội Việt Nam), không chỉ ở Trung ương mà ngay cả những địa phương chịu tác động lớn của BĐKH, biến động về tài nguyên môi trường, chất thải nhựa đại dương, ô nhiễm nguồn nước, TW Hội cũng sẵn sàng tham gia góp ý về chuyên môn, xây dựng cẩm nang, đưa ra các kiến nghị, chính sách để xử lý. Trong Liên minh nước sạch mà TW Hội KTMTVN là thành viên, Hội cũng gửi kiến nghị lên Thủ tướng để làm sao sớm có Luật kiểm soát ô nhiễm nước.
Riêng về vấn đề ô nhiễm dòng sông Mê Kông đang làm đau đầu các quốc gia trong khu vực, mỗi quốc gia không thể giải quyết riêng được mà cần có sự liên kết với nhau, phải giải quyết từ đầu nguồn. Việt Nam nằm ở vùng hạ lưu, chúng ta cũng đang cố gắng để giải quyết vấn đề lưu vực sông, cần có sự phối hợp với các tổ chức quốc tế. TW Hội cũng có hoạt động về vấn đề này, trong đó nhiều hội viên có kinh nghiệm được tham gia vào các dự án lớn, thẩm định dự án tầm quốc tế về môi trường và công nghệ.
Từ cuối năm 2019, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam cũng như thế giới thực sự bước vào một “cuộc chiến” căng thẳng. Đây cũng là thời điểm khủng hoảng của nhiều lĩnh vực. Riêng TW Hội KTMTVN và các thành viên, đặc biệt là Tạp chí Kinh tế Môi trường đã chuyển đổi nhanh sang hình thức làm việc trực tuyến, biến khó khăn thành cơ hội.
Chúng tôi không những duy trì tốt các kênh thông tin đang làm mà còn ra mắt thêm trang điện tử www.kinhtexanh.vn, đồng thời xuất bản thêm một ấn phẩm về nghiên cứu khoa học, tăng thêm kỳ phát hành của báo in.
Những kết quả này có được phải kể đến đội ngũ cán bộ trẻ tham gia vào hoạt động của TW Hội. Những nhân sự chúng tôi lựa chọn được sự đồng ý về nguyên tắc của Liên hiệp Hội Việt Nam, lãnh đạo TW Hội, Tạp chí và các đơn vị khác trong Hội. Hiện nay, lực lượng này còn mạnh lên, khi Chi hội nhà báo Tạp chí Kinh tế Môi trường từ lúc có 6 hội viên, nay đã nâng lên thành 21 hội viên, thêm một kênh hoạt động và cánh tay được nối dài. Trong đó, nhiều hội viên ở các địa phương khác nhau, giúp cho việc phản ánh thông tin đa dạng, gắn với hoạt động của các vùng miền.
Các hội viên tham gia TW Hội KTMTVN với tinh thần tự nguyện ở nhiều tầng lớp, lứa tuổi, nhiều lĩnh vực khác nhau, có những người đã nghỉ công tác, có những người vẫn đang kiêm nhiệm nhiệm vụ khác tại cơ quan, địa phương. Khó khăn lớn nhất là phải làm sao có những hoạt động chung nhất, phù hợp với đại đa số hội viên. Điều này đòi hỏi những người trong ban lãnh đạo TW Hội phải nhanh nhạy, linh hoạt, tạo điều kiện để có số hội viên tham dự sự kiện là tối đa. Tuy nhiên, có một điều vẫn khiến Ban chấp hành TW Hội luôn trăn trở là khoảng cách về địa lý, công việc, làm cho một số đồng chí ở miền Nam, miền Trung ít có điều kiện trực tiếp tham gia vào các hoạt động.
Hi vọng rằng, trong nhiệm kỳ mới này, những khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ và TW Hội tiếp tục phát huy dựa trên những thuận lợi đang có.
Nhiệm kỳ của đổi mới và phát triển
Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho Đại hội lần V của TW Hội, nhiệm kỳ 2020 – 2025?
- Suốt 20 năm kể từ khi ra đời và phát triển, tiền thân là hội thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đến năm 2005, Bộ Nội vụ chính thức ra quyết định thành lập TW Hội KTMTVN, chúng tôi đã hoạt động khá hiệu quả, theo đúng quy định trong Điều lệ Hội. Nhiệm kỳ V là nhiệm kỳ hết sức quan trọng, vì hiện nay, đất nước ta đang bước sang giai đoạn mới của sự phát triển, đánh giá của Chính phủ và quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam đã khá rõ nét. Bởi vậy, nhiệm kỳ lần này của TW Hội phải có những bước đi mang những nét mới, phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Nhiệm kỳ V bắt đầu đúng thời điểm Đại hội Đảng toàn quốc đang được chuẩn bị nên về đường lối, chủ trương thì TW Hội tuyệt đối tuân theo sự chỉ đạo của Đảng, trong đó quan trọng nhất vẫn là duy trì mục tiêu kiên định – phát triển nền kinh tế xanh vững mạnh. Chúng tôi theo dõi rất kỹ các văn kiện của Đại hội, rất mừng các văn kiện này đều được công khai và lấy ý kiến toàn dân. Dựa vào đó, TW Hội có thể đề ra được những nhiệm vụ cụ thể trong nhiệm kỳ V lần này.
Công tác chuẩn bị cũng đang hết sức gấp rút, chúng tôi sẽ tiếp tục giữ phong độ là địa chỉ tin cậy, là nơi tập hợp đông đảo những người thật sự quan tâm và yêu môi trường. Các văn kiện của Đại hội cơ bản đã được hoàn thiện và lấy ý kiến của các cơ quan chỉ đạo cấp trên (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bội Nội vụ, Liên hiệp Hội Việt Nam).
Quan trọng nhất trong Đại hội lần này là có được Ban chấp hành mới tăng cường cán bộ trẻ, những người thật sự cống hiến cho công tác Hội, trong đó, chúng tôi chú trọng lực lượng lãnh đạo của các doanh nghiệp, vì hiện nay đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp là lực lượng được xã hội đánh giá cao.
Có thể nói, đây là kỳ Đại hội xác định bước đi trong 5 năm tới, tất cả thể hiện được tinh thần ĐỔI MỚI – ĐOÀN KẾT – SÁNG TẠO – PHÁT TRIỂN. Sự chuẩn bị này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để sao cho ngay khi Đại hội xong, BCH mới có thể hoạt động ngay mà không bị gián đoạn.
Với yêu cầu đổi mới của kỳ Đại hội đáp ứng sự kỳ vọng của các hội viên và đơn vị trực thuộc, định hướng hoạt động nào của TW Hội sẽ mang tầm nhìn thời đại, thích ứng với sự chuyển đổi công nghệ số trong nhiều ngành và lĩnh vực, thưa ông?
- Nhiệm kỳ V tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp đội ngũ những người hoạt động Hội tâm huyết, đồng đều trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, mở rộng thêm về đối tượng (từ quản lý, nghiên cứu, giảng dạy đến những cán bộ nghỉ hưu đã có kinh nghiệm công tác,..). Các hoạt động sẽ đi sát với yêu cầu từng vùng miền, trên cơ sở tìm hiểu kỹ điều kiện của từng nơi, phải chuyển giao được những công nghệ phù hợp, thiết thực, hiệu quả góp phần vào sự phát triển của từng địa phương.
Tiếp tục củng cố hoạt động các đơn vị mà TW Hội đã thành lập, hoạt động phù hợp với thực tiễn hiện nay cũng như những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đưa ra, chỉ đạo của Liên hiệp Hội Việt Nam thông qua các chương trình, hành động để thực sự mang lại hiệu quả, lợi ích chung cho cộng đồng và xã hội.
Củng cố mạnh mẽ tổ chức đảng trong TW Hội. Hiện nay, các đảng viên của Chi bộ đang chấp hành tốt sự chỉ đạo chung của Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam. Thời gian tới, Chi bộ sẽ phát triển thêm lực lượng đảng viên trẻ, Chi hội nhà báo Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng được ưu tiên phát triển thêm lực lượng hội viên trẻ. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực bảo đảm cho công tác TW Hội được bền vững, kế cận và phát huy những thành tựu mà những người đi trước đã làm.
Tất cả không nằm ngoài mục tiêu đào tạo nên những phóng viên, những người làm báo thực sự có tâm với nghề, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, thực sự xứng đáng với niềm tin của lãnh đạo TW Hội.
Trân trọng cảm ơn ông!