Hệ sinh thái bị đe doạ do ô nhiễm môi trường đất

Biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp, khai thác khoáng sản, rác thải... khiến tài nguyên đất toàn cầu dần suy thoái nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đất đang có những diễn biến ngày càng tiêu cực, đe dọa đến cuộc sống của con người và hệ sinh thái trên Trái đất.
Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Đâu là điểm mới trong đánh giá tác động môi trường?Nước biển ấm lên - mối nguy hiểm đối với hệ sinh thái đại dươngÔ nhiễm cảng biển đang dần huỷ hoại hệ sinh thái ven bờ
Đất bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất được xác nhận là do nhiều yếu tố như: ô nhiễm do chất thải công nghiệp, do các hoạt động nông nghiệp và do tác động của các hoạt động sinh hoạt dân cư. Ngoài ra, ô nhiễm đất còn do nạn phá rừng, đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn...

Theo thống kê cho thấy, tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước là trên 33 triệu hecta: Trong đó đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 26,1 triệu hecta; Đất sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp 3,7 triệu hecta; 3,3 triệu hecta còn lại là tổng diện tích đất chưa được đưa vào sử dụng.

Điểm đáng lưu ý là phần lớn số diện tích chưa được sử dụng đều đã và đang bị suy thoái, hoang mạc hóa hoặc bị mất giá trị sử dụng do không được khai thác hợp lý. Không ít diện tích đất thuộc quỹ đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng trước xu hướng gia tăng dân số và phát triển đô thị, công nghiệp.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng.

Trên thực tế, dù đất được sử dụng cho mục đích nông nghiệp hay phi nông nghiệp thì đều bị ô nhiễm ở mức độ nhất định. Nếu như trong nông nghiệp, việc sử dụng không hợp lý lượng phân bón hóa học hoặc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đều có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí thì trong hoạt động công nghiệp, xây dựng và dân sinh, mức độ ô nhiễm nhiều khi còn đáng lo ngại hơn.

Đất đai bị suy thoái, ô nhiễm khiến cho cây cối khó phát triển. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, dân số tăng nhanh ở các tỉnh, thành phố lớn khiến cho nguồn đất ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến lượng chất thải, rác thải sinh hoạt ở những nơi này ra môi trường ngày càng tăng cao. Do đó, việc môi trường đất, nước và không khí bị ô nhiễm là hệ quả khó tránh khỏi.

Ô nhiễm đất không chỉ tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe con người và động vật. Đất bị ô nhiễm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm đất.

Ô nhiễm môi trường đất có thể đến từ tự nhiên. Ô nhiễm đất tự nhiên có thể kể đến như đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hạn hán... tác động đến sự sống của động, thực vật.

Ô nhiễm đất còn ảnh hưởng đến sự phát triển hệ sinh thái. Chất gây ô nhiễm thường làm thay đổi quá trình chuyển hóa thực vật, gây giảm năng suất cây trồng. Đất bị ô nhiễm, cây cối kém phát triển nên việc bảo vệ đất tránh xói mòn bị hạn chế.

Nhiều năm qua, nước ta đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách bảo vệ môi trường đất thông qua các kế hoạch hành động và biện pháp phục hồi, xử lý. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các chính sách này vẫn chưa cao do gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý và phân bổ nguồn tài chính.

Nguyễn Luận
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết