Hoàn thiện cơ chế kiểm kê, đánh giá khí nhà kính tại các đô thị ở Việt Nam

Nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn được đưa ra tại Hội thảo nhằm hoàn thiện cơ chế rà soát, xây dựng phương pháp luận để tiến hành kiểm kê KNK cho các đô thị ở Việt Nam.
LHQ kêu gọi đấu tranh giảm thiểu thiệt hại do khí nhà kính gia tăng kỉ lụcKhí nhà kính và những điều không phải ai cũng biếtKiểm kê khí nhà kính: Nỗ lực thực hiện hướng tới mục tiêu Net ZeroViệt Nam nghiêm túc thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính

Sáng 26/7, tại Hà Nội, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã tổ chức Hội thảo khởi động nghiên cứu "Rà soát, xây dựng phương pháp kiểm kê khí nhà kính (KNK) và hướng dẫn MRV; đề xuất danh mục các bon thấp và thử nghiệm đánh giá kiểm kê KNK cho 3 thành phố (Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên)".

Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; ông Lê Ngọc Cầu - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường); cùng các đại biểu, chuyên gia và khách mời tới từ nhiều cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế kiểm kê, đánh giá khí nhà kính tại các đô thị ở Việt Nam - Ảnh 1
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, Dự án "Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện tại Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 18/9/2019 và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 245/QĐ-BTNMT ngày 30/01/2020.

Dự án được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thời gian thực hiện dự án là 5 năm. Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là Chủ dự án, Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường là Cơ quan đồng thực hiện dự án. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường năng lực thể chế bảo vệ môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu phục vụ phát triển xanh các đô thị loại II.

Trong khuôn khổ dự án, Ban quản lý dự án triển khai hoạt động nghiên cứu "Rà soát, xây dựng phương pháp kiểm kê khí nhà kính (KNK) và hướng dẫn giám sát – báo cáo – thẩm tra (MRV); đề xuất danh mục các bon thấp và thử nghiệm đánh giá kiểm kê KNK cho 3 thành phố (Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên)". Để triển khai hoạt động này, Ban quản lý dự án tổ chức Hội thảo khởi động nhằm giới thiệu hoạt động nghiên cứu và tham vấn các bên liên quan về kế hoạch triển khai nhiệm vụ, cụ thể.

"Mong rằng, thông qua các chương trình tại Hội thảo, chúng tôi sẽ nhận được những ý kiến đóng góp ý nghĩa từ các đại biểu, chuyên gia, khách mời cũng như đại diện các địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy triển khai dự án một cách hiệu quả", ông Thức chia sẻ.

Hoàn thiện cơ chế kiểm kê, đánh giá khí nhà kính tại các đô thị ở Việt Nam - Ảnh 2
Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, Ths. Vương Xuân Hòa - Viện trưởng Viện Sinh thái và Môi trường đã trình bày tổng quan về phương pháp kiểm kê khí nhà kính, hướng dẫn giám sát, báo cáo, kiểm chứng; đề xuất danh mục carbon thấp.

Cùng với đó, TS. Đặng Quang Thịnh - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã giới thiệu hoạt động và kế hoạch triển khai hoạt động "Rà soát, xây dựng phương pháp kiểm kê KNK và hướng dẫn MRV; đề xuất danh mục các bon thấp và thử nghiệm đánh giá kiểm kê KNK cho 3 thành phố (Huế, Hà Giang, Vĩnh Yên)".

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn được đưa ra nhằm hoàn thiện cơ chế rà soát, xây dựng phương pháp luận để tiến hành kiểm kê KNK cho các đô thị ở Việt Nam; tiến hành kiểm kê KNK cho 3 thành phố để cung cấp đầu vào cho việc cập nhật kế hoạch hành động thành phố xanh (GCAP); xây dựng cơ chế MRV để phát triển carbon thấp cho các đô thị loại II và tiến hành thí điểm MRV tại 3 thành phố; đánh giá nhu cầu công nghệ carbon thấp và tiềm năng giảm phát thải; đề xuất danh mục công nghệ carbon thấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị loại II.

Thiện Tâm