Việt Nam nghiêm túc thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Loại bỏ nhựa dùng một lần, hướng tới nền kinh tế tuần hoànThúc đẩy thị trường carbon, góp phần phát triển kinh tế tuần hoànUNDP tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực chuyển đổi kinh tế tuần hoàn

Xu hướng tất yếu

Vấn đề chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu kết hợp chặt chẽ, hài hòa và hợp lý giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững là một ưu tiên của Việt Nam và là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới.

Bởi nền sản xuất theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận bất chấp các hậu quả gây ra đối với môi trường, đã đẩy nhân loại vào một môi trường sinh thái đầy rủi ro, khi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh mới ngày càng hiện hữu và khó kiểm soát một cách hiệu quả, có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.

Trong bối cảnh đó, để bảo đảm phát triển bền vững, bên cạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hay chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đang ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chuyển đổi xanh được coi là giải pháp có thể giúp xử lý hài hòa nhu cầu phát triển kinh tế và việc giảm nguy cơ môi trường, hệ sinh thái bị tàn phá, giảm thiểu nguy cơ các loại virus nguy hiểm tấn công loài người.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) 2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Thách thức khí hậu đã, đang và sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại, đe dọa an ninh lương thực, nguồn nước, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân toàn thế giới.

Trên hành trình tìm câu trả lời hóa giải thách thức này, chúng ta đã thống nhất nhận thức về tính cấp thiết và quyết tâm chuyển đổi kinh tế toàn cầu từ nâu sang xanh”.

Việt Nam nghiêm túc thực hiện chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1
Chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là một ưu tiên của Việt Nam và là xu hướng nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới.

Mặc dù là một nước đang phát triển và trong quá trình chuyển đổi, Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng, đồng thời cùng chung tay trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quyết tâm này đã được thể hiện rõ qua cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, việc thiết lập Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và gần đây nhất là việc thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Từ chính sách tới hành động cụ thể

Chuyển đổi xanh là một quá trình lâu dài và tốn kém, đòi hỏi nhiều nguồn lực, cả về nhân lực được đào tạo, tài chính và công nghệ.

Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng mà Việt Nam cùng các nước đối tác ký tháng 12/2022.

Việt Nam cũng tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong việc thu hút các dự án thương mại xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, kinh tế tuần hoàn đã được nội luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đến tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam với mục tiêu cụ thể giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Cùng với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện giảm phát thải thông qua chuyển đổi xanh các ngành, lĩnh vực, mà tiêu biểu là chuyển đổi năng lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, việc Chính phủ thông qua Quy hoạch điện VIII, với định hướng phát triển mạnh năng lượng tái tạo đã cho thấy rõ quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam hướng đến phát thải ròng bằng 0. Thủ tướng còn quyết liệt chỉ đạo Bộ TN&MT lập quy hoạch không gian biển quốc gia để tạo điều kiện cho phát triển các nguồn năng lượng sạch.

Bộ TN&MT cũng sẽ ban hành tiêu chí xanh cho các ngành kinh tế; trên cơ sở đó, có các công cụ về tài chính xanh, tín dụng xanh... “Đây là động lực về chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất xanh, tăng trưởng xanh”.

Tại buổi làm việc với Vụ trưởng Vụ môi trường của Liên minh Châu Âu (EU) vào chiều ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể về kinh tế tuần hoàn; các dự án về công nghệ, dịch vụ thân thiện với môi trường.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện khung chính sách, pháp lý nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tăng cường đối thoại công - tư về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục chú trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân cùng với sự phát triển bền vững đưa lên hàng đầu để phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Các địa phương, các ngành cần chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật quy hoạch cũng như các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định hiện hành; kiên quyết giữ quỹ đất cây xanh và phải phát triển cây xanh trong đô thị, các khu vực. Cần tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cacbon thấp.

Nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong ba thập kỷ tới khi giao thông, công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng chuyển đổi từ điện than sang điện từ năng lượng mặt trời, gió và các hệ thống tái tạo khác. Để năng lượng tái tạo cân bằng carbon, nhu cầu điện có thể tăng gấp 5 lần vào năm 2050.

Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và và sạch hơn. Đây là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước.

Lan Anh