Theo các chuyên gia, việc xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở biển giúp đảm bảo sử dụng lâu bền khu vực biển theo chức năng, để hài hòa lợi ích của các ngành/người sử dụng tài nguyên vùng biển, trong khi vẫn đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Việc xác định khu vực biển nhằm cung cấp lộ trình và cơ chế để thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động phát triển biển một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường sự phối hợp của các bên liên quan trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, việc xác định khối lượng và phương án lựa chọn vị trí nhận chìm vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải là cần thiết nhằm giải quyết các bất cập, tạo thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả trong thực hiện công tác nạo vét duy tu đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu; tăng tính chủ động trong việc thực hiện công tác nạo vét, đảm bảo duy trì độ sâu các luồng theo chuẩn tắc thiết kế.
Mới đây, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc họp nghe Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam báo cáo nội dung Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về đánh giá chất nạo vét để nhận chìm ở biển và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam.
Theo ông Đỗ Văn Sen, Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo, thực hiện Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao chủ trì, xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhấn chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư.
Cùng với đó, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 4503/BTNMT-TCBHĐVN gửi dự thảo Tờ trình và dự thảo Thông tư đến các Bộ, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển để xin ý kiến góp ý. Đồng thời, dự thảo Tờ trình và dự thảo Thông tư đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ TN&MT để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cả nước. Đến nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã nhận được ý kiến góp ý của 28 địa phương có biển; ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và ý kiến của người dân, doanh nghiệp góp ý trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ TN&MT.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổng hợp để hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Thông tư. Theo dự thảo, Thông tư được xây dựng gồm 2 Điều. Trong đó, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam và Điều 2: Hiệu lực thi hành.
Cụ thể, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2019/TT-BTNMT gồm sửa đổi bổ sung Điều 5, Điều 6, Điều 8, Điều 10 và bổ sung thêm Điều 12, Điều 14 a và Điều 2 liên quan đến quy định các nội dung, các bước đánh giá chất nạo vét để nhận chìm; lấy mẫu chất nạo vét (về số lượng, vị trí lẫy mẫu, thông số phân tích,…); đánh giá thành phần vật chất nạo vét để nhận chìm; về nội dung, các bước xác định khu vực nhận chìm, đề xuất các khu vực khả thi, đánh giá chi tiết khu vực đề xuất, lựa chọn, xác định vị trí có thể nhận chìm,…. Điều khoản thi hành gồm 2 Điều quy định hiệu lực thi hành và trách nhiệm hướng dẫn thi hành.
Cùng với định hướng phát triển kinh tế biển xanh, ở Việt Nam, hoạt động nhận chìm cũng là hoạt động thường xuyên, đặc biệt là nhận chìm sản phẩm nạo vét luồng lạch tại các cảng biển, các khu vực cửa sông; nhận chìm chất thải của các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Từ thực tế đó, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo mới được thông qua đã quy định việc nhận chìm ở biển phải được cấp phép.
Trong khi đó, nhận chìm vật liệu nạo vét ở biển luôn chịu ảnh hưởng của các quá trình động lực biển, đồng thời tác động lên môi trường, sinh thái và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.
Thực tế hiện nay, các khu vực nhận chìm ở biển theo đề xuất của các đơn vị chức năng của các địa phương và trung ương có sức chứa rất hạn chế và không đáp ứng nhu cầu nạo vét luồng lạch vào cảng khi phát triển mở rộng và duy tu luồng cảng. Do vậy, việc xác định các khu vực nhận chìm chất nạo vét đảm bảo phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch sử dụng biển; gắn kết với các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành có phạm vi thuộc vùng bờ. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập quy hoạch; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển; phù hợp với nguồn lực thực hiện và bảo đảm tính khả thi.
Để tiến hành nhận chìm cũng như cấp phép nhận chìm thì việc xác định vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích… khu vực biển được phép nhận chìm và các tác động của hoạt động nhận chìm tới các hệ sinh thái, môi trường biển và các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển khác đóng vai trò hết sức quan trọng.
Lan Anh