Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là tổ chức tiên phong bảo vệ môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam

"Tôi đặc biệt đánh giá cao hiệu quả tích cực từ các sự kiện, hội thảo chuyên môn mà Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tổ chức, với những sáng kiến mới mẻ, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế xanh bền vững...".
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với tầm nhìn thời đại hướng đến nền kinh tế xanhVIASEE cần phát huy nhiệm vụ phản biện, giám định xã hội

Trải qua hơn 35 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam – VUSTA) đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, có uy tín trong cả nước, là cầu nối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam.

Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) không ngừng nỗ lực, trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong cộng đồng.

Nhân dịp hướng tới Đại hội VIII (nhiệm kỳ 2020 – 2025) của Liên hiệp Hội Việt Nam và chào mừng Đại hội V (nhiệm kỳ 2020 – 2025) của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường có cuộc trao đổi với TS. Phan Tùng Mậu – Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

tm-img-alt

Phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN

Xin ông cho biết vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội Việt Nam trong xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?

-  Liên hiệp Hội Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện bộ máy tổ chức, phát triển mạnh mẽ với 152 hội thành viên, 530 tổ chức KH&CN trực thuộc, tập hợp 3,7 triệu hội viên, trong đó khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên tiếp tục có bước phát triển về số lượng và chất lượng, thu hút đông đảo đội ngũ trí thức tham gia với các hoạt động ngày càng phong phú, thiết thực, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong những năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức; xuất bản hàng nghìn đầu sách, tạp chí, bản tin, tờ rơi và nhiều đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chính trị, kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục - đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật và nhiều kết quả đóng góp có ý nghĩa khác của các hội thành viên, các đơn vị trực thuộc, nhà khoa học đối với sự phát triển đất nước.

Phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Liên hiệp Hội Việt Nam luôn làm tốt chức năng cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức; tích cực hưởng ứng, chỉ đạo các hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và MTTQVN phát động; cử đại diện lãnh đạo Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương tham gia vào cơ cấu lãnh đạo của MTTQVN các cấp; phối hợp cùng với các tổ chức thành viên khác của MTTQVN các cấp thực hiện giám sát, phản biện xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện chỉ đạo của MTTQVN, Liên hiệp Hội Việt Nam ở Trung ương và địa phương đã lựa chọn và tiến cử các nhà khoa học có uy tín tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, thành phố đã phát huy được vai trò là người đại biểu của nhân dân, nói lên tiếng nói của đội ngũ trí thức KH&CN đóng góp ý kiến và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, khẳng định được tài năng và bản lĩnh của mình, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của tổ chức đại diện cho đội ngũ trí thức KH&CN của cả nước trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

tm-img-alt
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học năm 2019. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Trong nhiệm kỳ vừa qua, những thành tựu nổi bật nào của Liên hiệp Hội Việt Nam về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức phù hợp với bối cảnh lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cần đặc biệt được quan tâm, thưa ông?

- Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp được đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đã thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động và tích cực triển khai được 40 diễn đàn với nhiều chủ đề khác nhau, được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học quan tâm. Diễn đàn vừa là kênh thông tin, vừa là môi trường để trí thức có điều kiện phát huy trí tuệ, tâm huyết trong việc đóng góp vào các chủ trương, chính sách, chương trình dự án quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Liên hiệp Hội Việt Nam thường xuyên quan tâm đến những hoạt động nhằm thúc đẩy và kết nối sự phát triển của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội; phổ biến kiến thức; nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường; tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu; hợp tác quốc tế về KH&CN,... Năm 2019 đã có rất nhiều hội thành viên tham gia triển khai các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội do Liên hiệp Hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện với kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, còn một số nhiệm vụ được các Ban chuyên môn của Liên hiệp Hội Việt Nam triển khai thực hiện.

Công tác truyền thông và phổ biến kiến thức được thực hiện thường xuyên, liên tục ở hầu hết các hội thành viên, có nhiều bước tiến và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua gần 400 ấn phẩm báo chí, bản tin, hệ thống báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật giúp nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng đời sống cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.

tm-img-alt
Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu thể hiện sự ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước nói chung và VUSTA nói riêng.

Thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Liên hiệp Hội Việt Nam đã triển khai xây dựng Đề án Quy hoạch báo chí giai đoạn 2019 - 2020 theo hướng thành lập cơ quan báo mới lấy tên là báo “Tri thức và Cuộc sống”.

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn được Liên hiệp Hội Việt Nam quan tâm, triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù, kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án bảo vệ môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam không nhiều, nhưng đã huy động, tập hợp được lực lượng lớn các nhà khoa học từ các Hội ngành toàn quốc, các Liên hiệp hội tỉnh/thành phố,… tham gia thực hiện.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, các hội thành viên đã thực hiện trên 2.000 đề tài/ dự án cấp cơ sở, trên 300 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh và hàng chục đề tài/dự án cấp Nhà nước. Ngoài ra, hàng trăm hội thảo, hội nghị khoa học ở các mức độ khác nhau cũng được triển khai tổ chức, đặc biệt có những hội thảo, hội nghị khoa học, các sự kiện lớn của các Hội ngành toàn quốc được tổ chức định kỳ hàng năm ở cấp độ quốc gia, thu hút hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.

Từ khi có Nghị định số 35-HĐBT ngày 28/01/1992 đến nay, hàng nghìn tổ chức KH&CN ngoài công lập ở nước ta đã được thành lập và hoạt động. Trong đó, riêng Liên hiệp Hội Việt Nam, đến nay đã thành lập 530 tổ chức KH&CN, chiếm khoảng 58% số tổ chức KH&CN thuộc các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp đăng ký hoạt động tại Bộ KH&CN. Các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phổ biến kiến thức, bảo vệ môi trường, thực hiện dịch vụ công, xóa đói giảm nghèo.

VUSTA có những định hướng như thế nào để trợ giúp hoạt động cũng như tăng cường mối liên kết ngành, liên kết vùng giữa các hội thành viên? 

- Tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương mang tính hệ thống chính trị - xã hội 2 cấp và phần lớn các Liên hiệp hội địa phương sử dụng chung Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam. Mối quan hệ của các hội thành viên ở Trung ương và địa phương ngày càng được củng cố, đặc biệt mối quan hệ phối hợp và liên kết vùng giữa các Liên hiệp hội địa phương và giữa các hội thành viên ở địa phương và Trung ương.

Liên hiệp Hội Việt Nam thường xuyên tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho các nhà khoa học, các hội viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ trí thức; Tổ chức các hội nghị chuyên đề về cơ chế hợp tác đa phương, về tình hình biển Đông, tình hình ASEAN và các kết quả hội nghị cấp cao ASEAN nhằm kịp thời cung cấp thông tin chính thức về tình hình trong nước và quốc tế cho cán bộ, đảng viên, trí thức KH&CN.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các phong trào thi đua được triển khai một cách chủ động, thiết thực và hiệu quả, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của Liên hiệp Hội Việt Nam, các hội thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc, đã tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của các đơn vị trong hệ thống.

Từ 2015 đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã 3 lần tổ chức tôn vinh và trao biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu cho 445 trí thức thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam; Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã tham dự và phát biểu chỉ đạo, động viên khích lệ đội ngũ trí thức KH&CN nước nhà.

Từ khi có Nghị định số 35-HĐBT ngày 28/01/1992 đến nay, hàng nghìn tổ chức KH&CN ngoài công lập ở nước ta đã được thành lập và hoạt động. Trong đó, riêng Liên hiệp Hội Việt Nam, đến nay đã thành lập 530 tổ chức KH&CN, chiếm khoảng 58% số tổ chức KH&CN thuộc các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp đăng ký hoạt động tại Bộ KH&CN. Các tổ chức KH&CN trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phổ biến kiến thức, bảo vệ môi trường, thực hiện dịch vụ công, xóa đói giảm nghèo.

Vừa qua, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng tổ chức thảo luận, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tạo môi trường pháp lý thuận lợi để huy động sự tham gia và đóng góp của các tổ chức KH&CN trực thuộc trong tư vấn và đóng góp chính sách, góp phần hoạt động hiệu quả và đồng bộ.

Đầu năm 2020, Liên hiệp Hội Việt Nam đã ký kết với Bộ Tài nguyên và Môi trường về chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây vừa là cơ hội để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; truyền thông và phổ biến kiến thức của Liên hiệp Hội Việt Nam trong các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường; vừa là dịp để các nhà khoa học của hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam tham gia hỗ trợ về kỹ thuật và pháp lý cho các hoạt động của Bộ TN&MT.

tm-img-alt

Gìn giữ màu xanh đất nước

Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động và những đóng góp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đối với sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam? Đâu là mảng hoạt động tích cực nhất của Hội KTMT Việt Nam, thưa ông?

- Từng trực tiếp tham dự một số chương trình, sự kiện có ý nghĩa của Hội KTMT Việt Nam, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ của Hội. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội KTMT Việt Nam đã tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng; phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất.

Có thể nói, phát huy vai trò là hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã tham gia rất tích cực, sát sao và có tinh thần trách nhiệm cao trong các hội nghị, hội thảo do Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì.

Tôi đặc biệt đánh giá cao hiệu quả tích cực từ các sự kiện, hội thảo chuyên môn mà Hội KTMT Việt Nam đã tổ chức, với những sáng kiến mới mẻ, đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế xanh bền vững. Trong đó, tôi được biết Hội cũng tổ chức rất nhiều chương trình xã hội về nguồn, từ thiện gắn với công tác bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, tôi rất hoan nghênh sự phát triển ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Trong điều kiện khó khăn chung của nền báo chí hiện nay, khi vừa thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, vừa phải “chung sống” an toàn với dịch bệnh Covid-19, nhưng Tạp chí đã từng bước đổi mới và là một trong những Tạp chí được đánh giá cao trong hơn 100 cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

Những thành công ngày hôm nay đã khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, BTV của Tạp chí. Chắc chắn, trong thời gian tới, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ phát triển hơn nữa, góp phần xây dựng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

tm-img-alt
TS. Phan Tùng Mậu tham dự Hội nghị sơ kết hoạt động năm 2017 của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Ông có góp ý gì cho Đại hội V của Hội KTMT Việt Nam cũng như các hoạt động phù hợp với sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam nói riêng và nền kinh tế xanh bền vững nói chung, thưa ông?

- Hội KTMT Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Trong nhiệm kỳ mới này, Hội nên tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được từ nhiệm kỳ trước, đồng thời nên có nhiều sáng kiến mới, đóng góp hiệu quả cho các dự thảo, chiến lược, quyết sách quan trọng của ngành môi trường và của Liên hiệp Hội Việt Nam; Tiếp tục phát huy và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng trí thức, các nhà nghiên cứu về khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh hợp tác với các hội trong và ngoài Liên hiệp Hội Việt Nam, thu thút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào các hoạt động.

Chúc nhiệm kỳ mới của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công và đột phá mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phúc Thanh (Thực hiện)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường