Hơn 1.000 tỉ đồng không cứu được kênh Ba Bò đang ô nhiễm trầm trọng

Người dân sống bên kênh Ba Bò quận Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Thuận An, Bình Dương phải than trời vì cả ngày và đêm phải chịu đựng mùi hôi thối.
Ô nhiễm nghiêm trọng tại kênh hào thành cổ VinhBáo động gia tăng ô nhiễm nước mặt hệ thống sông Đồng NaiCá chết ở sông La Ngà lên tới 1.000 tấn

Cách đây 3 năm, TP.HCM và tỉnh Bình Dương cùng đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để hoàn thành việc cải tạo kênh Ba Bò - con kênh vắt qua địa phận quận Thủ Đức, TP.HCM và thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Những tưởng, khi cải tạo xong, kênh Ba Bò với dòng nước "chết" sẽ được “hồi sinh”, hàng vạn người dân sống bên dòng kênh xanh sẽ thoát khỏi mùi hôi thối. Thế nhưng, môi trường ở đây chẳng được cải thiện là bao, thậm chí nhiều khi ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn do nước thải công nghiệp và sinh hoạt không được xử lý.

hon 1000 ti dong khong cuu duoc kenh ba bo dang o nhiem tram trong
Nước kênh Ba bò màu đen, nổi bọt trắng xóa kèm mùi hôi thối.

Từ nhiều tháng nay, đông đảo người dân sống bên kênh Ba Bò ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức TP.HCM và phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương phải than trời vì cả ngày và đêm luôn phải chịu đựng một mùi hôi thối.

Sống ở đây hơn 20 năm, ông Hưng, ở phường Bình Hòa cho biết, hồi kênh mới cải tạo xong, người dân ở đây rất vui mừng, phấn khởi vì đã thoát được cảnh ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, không khí trong lành chỉ được một thời gian, nay đâu lại vào đó: “Thời gian đầu kênh cũng bớt hôi, ba năm gần đây thì ô nhiễm trở lại. Bây giờ, nước ở kênh đen giống như nhớt thải mới thải ra từ trong xe kèm mùi hôi thối. Khi mưa, lượng nước mưa pha lẫn với nước trong kênh mùi hôi gấp 10 lần bình thường”.

Bà Nguyễn Thị Vinh, người dân sống gần kênh Ba Bò thuộc phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức TP.HCM nói, ở đây rất nhiều người có biểu hiện của bệnh viêm xoang, đường hô hấp có thể do hàng ngày phải hít mùi nước kênh bốc lên. Hy vọng các ngành chức năng quan tâm, tìm giải pháp giúp người dân được sống bên dòng kênh xanh, sạch.

Bà Nguyễn Thị Vinh nói: “Người dân mong các ngành chức năng xử lý thế nào cho sạch sẽ, chứ cứ 22h đêm trở đi nước cứ thải ra hôi lắm, càng ở trên lầu cao càng hôi. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, người già thì đỡ chứ các cháu nhỏ viêm mũi, viêm họng, nhiều bệnh lắm”.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại kênh Ba Bò, hiện nay nước lúc nào cũng có một màu đen kịt, nhiều bọt trắng nổi lên kèm theo mùi hôi thối rất khó chịu. Trước đó, từ năm 2009 đến 2017, để giải quyết nạn ô nhiễm ở kênh Ba Bò, TP.HCM và Bình Dương đã bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo. Theo đó, đáy kênh Ba Bò được mở rộng lên 12m và miệng kênh rộng đến 24m. Hai mép bờ kênh đều được xây kè bê tông cốt thép hình chữ V. Điều này có thể hiểu được là nước ở kênh Ba Bò không bị tắc nghẽn hay lưu cữu.

hon 1000 ti dong khong cuu duoc kenh ba bo dang o nhiem tram trong
Bọt trắng xóa nổi lên tại kênh Ba Bò.

Thế nhưng, vì sao nước dưới dòng kênh vẫn đen ngòm? Trước thực trạng này, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng chính quyền chưa thật sự quan tâm, hay đang làm lơ cho các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2, Đồng An… xả nước thải công nghiệp ra kênh?

“Mổ xẻ” nguyên nhân kênh Ba Bò được đầu tư ngàn tỉ mà vẫn ô nhiễm nghiêm trọng, ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, ô nhiễm chưa được khắc phục là do phần lớn nước thải, rác thải sinh hoạt từ khu dân cư chưa qua xử lí đổ trực tiếp xuống kênh. Bên cạnh đó có thể có một số nhà máy lén xả nước thải ra kênh nhưng chưa bị phát hiện. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần yêu cầu người dân đấu nối xử lí nước thải; đồng thời tăng cường quản lí xả thải của các doanh nghiệp và xử phạt thật nặng khi phát hiện họ cố tình vi phạm.

Theo ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương, nước thải công nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp gần kênh Ba Bò cơ bản đã được kiểm soát. Nhưng cũng không loại trừ có những vi phạm chưa phát hiện ra. Hiện, Bình Dương đang tập trung hoàn thành hai nhà máy xử lí nước thải ở thị xã thuận An và thị xã Dĩ An để đấu nối nước thải của các hộ dân trước khi thải ra môi trường: “Thời gian tới, tôi mong muốn các hộ dân tích cực cùng với chính quyền địa phương đấu nối nước thải để bảo đảm nước thải sinh hoạt không thải trực tiếp ra kênh. Vì một số hộ dân thấy rằng việc đấu nối khó khăn trong sinh hoạt, do đó chưa nhiệt tình đấu nối”.

Người dân tố doanh nghiệp ở Bình Dương xả thải, chính quyền thì cho rằng do nước thải sinh hoạt của dân. Dù nguyên nhân từ đâu, nhưng tiền Nhà nước bỏ ra cả ngàn tỉ để cải tạo kênh Ba Bò mà ô nhiễm vẫn không được cải thiện thì cần phải coi lại việc xây dựng các hạng mục đã thực hiệu quả? Ngành chức năng Bình Dương, nơi thượng nguồn kênh Ba Bò cần kiểm tra, truy tìm hộ dân, doanh nghiệp xả thải lén ra kênh để xử lí theo quy định. Từ đó dòng “kênh chết” Ba Bò mới hy vọng được “hồi sinh”.

Theo Thiên Lý/VOV