Hơn 14 triệu tấn vi nhựa đang nằm dưới đáy các đại dương

Một nghiên cứu vừa được công bố của Cơ quan nghiên cứu khoa học Australia (CSIRO) ước tính ít nhất có khoảng 14 triệu tấn vi nhựa có chiều rộng dưới 5 mm, nằm sâu dưới đáy các đại dương trên thế giới.
Rong biển có thể 'cứu' Trái đất khỏi rác thải nhựa và biến đổi khí hậuLượng rác thải nhựa đại dương có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040Chính phủ Anh tăng gấp đôi giá túi nilon để ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa

Theo TTXVN, kết quả nghiên cứu của CSIRO cho biết, các nhà khoa học đã thu thập và phân tích lõi các đáy đại dương nằm ở sáu địa điểm xa xôi, cách bờ biển phía Nam vịnh Great Australian Bight của Australia khoảng 300 km.

Với 51 mẫu trầm tích từ độ sâu 3 km trở lên, kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng nhựa dưới đáy đại dương trên thế giới có khả năng cao hơn 30 lần so với lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt.

tm-img-alt
Ô nhiễm nhựa đang là vấn đề của tất cả mọi quốc gia. (Ảnh minh họa)

Các nhà khoa học nhận định sau khi loại trừ trọng lượng của nước, mỗi gam trầm tích chứa trung bình 1,26 mảnh vi nhựa.

Các mảnh vi nhựa có đường kính từ 5 mm trở xuống, chủ yếu xuất hiện do các vật dụng bằng nhựa có thể tích lớn hơn bị vỡ vụn thành các mảnh nhỏ chìm sâu xuống đáy đại dương.

Kết quả này cho thấy, số lượng hạt vi nhựa dưới đáy biển nhiều gấp 25 lần so với các nghiên cứu trước đó. Nghiên cứu này cũng cho hay, tổng trọng lượng của hạt vi nhựa dưới đáy đại dương hiện nay nặng gấp 34 đến 57 lần so với lượng rác thải nhựa trên mặt biển.

Justine Barrett, chuyên gia điều phối dự án cho biết, nghiên cứu của CSIRO là “nghiên cứu đầu tiên trên thế giới ước tính được số lượng các hạt vi nhựa đang tồn tại trên đáy đại dương”. Nghiên cứu cũng khẳng định “ngay cả đại dương sâu thẳm cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm nhựa”.

Tiến sỹ Denise Hardestry, trưởng nhóm các nhà nghiên cứu của CSIRO khẳng định “nghiên cứu cho thấy, đáy biển đang trở thành nơi chứa các hạt vi nhựa”.

Tiến sỹ Denise Hardestry cho biết, mặc dù “các nhà khoa học rất ngạc nhiên về sự xuất hiện của nhiều hạt vi nhựa tại một khu vực xa xôi” như vậy song qua đó đã cho thấy “bức tranh rộng lớn hơn về vấn đề” mà chúng ta đang phải đối mặt để từ đó có chiến lược hiệu quả hơn nhằm ứng phó với tình hình, thay đổi hành vi và chặn đứng việc đổ rác thải nhựa cũng như các loại rác thải khác ra môi trường”.

Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh vào tháng trước, 70 quốc gia trên thế giới vừa ký cam kết tham gia nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học trong đó có mục tiêu ngừng đổ rác thải nhựa xuống đại dương vào năm 2050. 

Ô nhiễm nhựa là vấn đề ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Đó không phải là một vấn đề của riêng ai, là vấn đề của tất cả mọi người, mọi quốc gia. Các nhà khoa học khuyến cáo, ô nhiễm nhựa sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không làm bất cứ điều gì.

tm-img-alt
Tổng trọng lượng của hạt vi nhựa dưới đáy đại dương hiện nay nặng gấp 34 - 57 lần so với lượng rác thải nhựa trên mặt biển. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo hồi đầu năm 2020 của Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên, ước tính khoảng 60% trong số 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương mỗi năm đến từ Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo tập trung vào việc hộ gia đình tiêu thụ bao bì nhựa (cũng là loại nhựa nhiều khả năng bị tống ra biển) và phát hiện nhóm 6 nước trong diện khảo sát đã sử dụng đến 27 triệu tấn bao bì nhựa trong năm 2016.

Trong đó, Malaysia đứng đầu danh sách những quốc gia tiêu thụ bao bì nhựa bình quân đầu người mỗi năm, vào khoảng 16,8kg, kế đến là Thái Lan với 15,5 kg.

Trên bình diện toàn cầu, khối lượng rác thải nhựa bị đổ vào đại dương ước tính sẽ tăng gấp bốn lần từ năm 2010 đến năm 2050, có nghĩa là rác thải nhựa được dự báo sẽ nhiều hơn so với cá trong các đại dương vào giữa thế kỷ này.

Nhật Hạ
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường