Huy động và hội tụ các nguồn lực cho tăng trưởng xanh bằng cách nào?

Chuyển đổi “tăng trưởng xanh” là giải pháp căn cơ lâu dài để tăng sức chống chịu nền kinh tế, phát triển bền vững. Vì vậy, thời điểm này chính là lúc cần cùng nhau tìm giải pháp để tiếp cận và hội tụ nguồn lực, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả.
Tăng trưởng xanh: Xu thế tất yếu để phục hồi kinh tế hậu Covid-19Bộ chỉ số PEPI - Thước đo tăng trưởng xanhThúc đẩy phát triển du lịch bền vững theo xu hướng tăng trưởng xanhKinh tế xanh, tăng trưởng xanh tiếp tục là xu hướng chủ đạo

Cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

Từ đầu những năm 2000, Liên Hợp Quốc đề ra 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đến năm 2015 xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt khi xét tính cấp thiết của việc đảm bảo thực hiện đa mục tiêu, vừa phục hồi nhanh kinh tế -xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19, vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa thúc đẩy tăng trưởng, nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã đề xuất hoặc ban hành các Thỏa thuận Kinh tế Xanh (Green Deal) để từng bước chuyển dịch mô hình theo hướng tăng trưởng xanh.

Phát biểu tại Diễn đàn nhịp cầu phát triển Việt Nam 2022 với chủ đề: "Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững" diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, quan điểm phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tới là "phát triển nhanh và bền vững", đồng thời "phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu".

Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững và đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với quyết tâm chính trị cao nhất. Chính sách về “Tăng trưởng xanh” thể hiện rõ nét ở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014.

Huy động và hội tụ được các nguồn lực cho tăng trưởng xanh bằng cách nào? - Ảnh 1
Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD.

Trong đó, “tăng trưởng xanh” được quan niệm là sự sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân, mà chính là cộng đồng doanh nghiệp FDI...

Nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng xanh

Thực tế, việc chuyển đổi sang mô hình “Tăng trưởng xanh” là giải pháp căn cơ lâu dài để tăng sức chống chịu nền kinh tế, đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra, phát triển bền vững đất nước.

Nhận định về vấn đề này, TS. Tạ Đình Thi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhấn mạnh: “Nếu nền kinh tế của chúng ta chậm “xanh hóa” các ngành hàng, nếu các doanh nghiệp chậm “chuyển đổi xanh” từ mô hình hoạt động đến quy trình sản xuất, đầu tư, thương mại thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội hợp tác và phát triển. Thập kỷ này và nhiều thập kỷ tới, chắc chắn xu hướng cạnh tranh trên toàn cầu sẽ là “cạnh tranh xanh”. Và do đó, những câu chuyện thành công và dẫn dắt xu hướng hướng này sẽ thuộc về các nền kinh tế, các địa phương, các doanh nghiệp và người dân biết nắm bắt sớm, hành động ngay và không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh”.

Vì vậy, thời điểm này chính là lúc cần cùng nhau tìm giải pháp để tiếp cận và hội tụ nguồn lực, để lan tỏa giá trị, thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất chất lượng cao; phát huy tối tiềm năng, lợi thế của đất nước. Cùng với đó, coi trọng bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; góp phần tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

"Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chính là những thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm", ông Thi nhấn mạnh.

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn này là đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 – 7%, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30%; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý hoàn toàn; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng không thấp hơn mức 42%.

Theo vị đại biểu Quốc hội, để đạt các mục tiêu Quốc hội đề ra, yêu cầu về “Hội tụ nguồn lực” và chuyển đổi sang mô hình “Tăng trưởng xanh” trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là những giải pháp căn cơ lâu dài để tăng sức chống chịu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Huy động và hội tụ được các nguồn lực cho tăng trưởng xanh bằng cách nào? - Ảnh 2
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, vẫn có những lợi thế giúp Việt Nam có thể tăng trưởng xanh bền vững.

Một là, quyết tâm của Đảng, Nhà nước của Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là nhu cầu bức thiết của Việt Nam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, chúng ta tăng trưởng không phải bằng mọi giá, làm ảnh hưởng đến môi trường hay là làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng, mà chúng ta phải tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng bao trùm.

Hai là, nhận thức về sự cần thiết phục hồi, tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương, các doanh nghiệp và người dân đang gia tăng rất lớn trong thời gian qua.

Ba là, tăng trưởng xanh là một xu hướng lớn và rất phổ biến trên thế giới. Các đối tác nước ngoài, Chính phủ các nước họ cũng đang trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, sự hợp tác với nhau đều theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.

Lan Anh