Một cánh tay robot đang lấy mẫu khoáng chất ngoài khơi bờ biển Papua New Guinea. Ảnh: Nautilus Minerals. |
Tổ chức Hoà bình Xanh Greenpeace của Canada vừa công bố một báo cáo cho thấy, 29 giấy phép khai thác khoáng sản biển sâu vừa được cấp mới cho doanh nghiệp, trên tổng diện tích khoảng 1,3 triệu km vuông đáy biển (rộng gấp 4 lần Việt Nam).
Giấy phép được một số đơn vị của Liên hợp quốc và Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) cấp cho các công ty tư nhân được nhà nước tài trợ. Theo đó, các khu vực được cấp phép khai thác bao gồm Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Bên cạnh Trung Quốc, Vương quốc Anh là nước nắm giữ nhiều giấy phép nhất. Báo cáo này chỉ trích các cán bộ chính phủ "hai mặt" khi vừa tham gia các kế hoạch bảo vệ môi trường biển, vừa tiếp tay cho doanh nghiệp "xới tung" đáy đại dương.
Trước tình hình trên, phát ngôn viên của chính phủ Anh khẳng định: "Vương quốc Anh sẽ tiếp tục thúc đẩy các tiêu chuẩn môi trường quốc tế cao nhất, bao gồm cả khai thác khoáng sản biển sâu. Chúng tôi đồng thời đã cấp hai giấy phép nghiên cứu khoa học đại dương để tìm hiểu về tác động của khai thác dưới đáy biển. Nếu không có các đánh giá đầy đủ về môi trường, chúng tôi tuyệt đối sẽ không cho phép khai thác".
Theo các nhà khoa học, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, việc khai thác khoáng sản sẽ đe doạ hệ sinh thái đại dương, đi ngược lại tinh thần toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Bà Louisa Casson - Cán bộ của Greenpeace cho biết: "Sức khỏe đại dương có liên quan mật thiết đến sự sống còn của chính con người. Nếu không can thiệp sớm, việc khai thác sẽ gây ra hậu quả tàn khốc cho sinh vật biển và làm rối loạn hệ sinh thái toàn cầu". Khi tiến hành khai thác, các loại máy móc khổng lồ sẽ được đưa xuống để khoan sâu vào đáy đại dương. Điều này có thể phá vỡ lớp trầm tích, giảm khả năng lưu trữ carbon.
Trong khi đó, ngành công nghiệp cho rằng khai thác biển sâu là cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các nguyên liệu thô từ đáy đại dương sẽ được dùng để sản xuất năng lượng tái tạo, pin, máy tính, điện thoại,… Các doanh nghiệp - phía được lợi nhất ra sức khẳng định rằng phương pháp khai thác này ít gây hại cho môi trường và công nhân hơn những cách thức hiện tại.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chưa có bất cứ nghiên cứu nào chỉ ra được khai thác khoáng sản biển sâu là vô hại. Những lập luận sớm từ phía doanh nghiệp đang đi ngược lại với chủ trương chuyển đổi nền kinh tế từ khai thác tài nguyên vô hạn sang chuyển đổi và tuần hoàn của thế giới.
Nhà môi trường học Chris Packham chia sẻ với tờ Guardian: "Chúng ta thậm chí còn chưa thể giải quyết được hậu quả của việc khai thác khoáng sản vô tội vạ trên đất liền. Nếu giờ tiếp tục khoan sâu vào đáy biển, các tác hại có thể sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của con người".
Báo cáo của Greenpeace đồng thời kêu gọi các bên cùng tham gia vào một hiệp ước về đại dương toàn cầu trong vòng 12 tháng tới, bao gồm chính phủ các nước, nhà khoa học, giới hoạt động vì môi trường, ngành công nghiệp đánh bắt thuỷ hải sản…