Lo ngại dịch bệnh do virus Corona mới (nCoV), người dân đang đổ xô đi mua khẩu trang các loại gây ra tình trạng khan hiếm, tăng giá và có cả hiện tượng gom hàng trục lợi. Từ khẩu trang y tế thông thường đến những loại khẩu trang “xịn” với lời quảng cáo kháng virus đều được đẩy lên mức giá trên trời mà vẫn cháy hàng.
Đây là vấn đề được nêu ra tại cuộc họp báo chiều 31/1 của Bộ Y tế. Các chuyên gia khẳng định, người dân có thể dùng khẩu trang y tế thông thường hoặc dùng khẩu trang vải để phòng ngừa nCoV.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng Việt Nam, việc đeo khẩu trang có tác dụng phòng chống bệnh hô hấp rất tốt, giảm nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, khói bụi, phòng nhiều bệnh khác như cúm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. |
“Chúng ta cần xác định dịch bệnh ở mức độ nào, nguy cơ nào, lúc nào thì dùng khẩu trang. Hiện dịch Corona chưa lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, nhưng người dân khi đến những nơi nguy cơ cao như đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện đều có thể dùng khẩu trang y tế thông thường, không nhất thiết dùng mặt nạ N95 (N95 là một chỉ số của Viện An toàn lao động vệ sinh của Mỹ. Khẩu trang đạt chỉ số N95 có nghĩa là khả năng lọc được bụi, khói, vi khuẩn của khẩu trang lên tới 95% - PV)”, ông Phu nói
Ông Phu khẳng định, người dân có thể dùng khẩu trang vải và phải giặt hằng ngày. Bộ Y tế cũng khuyến cáo chỉ người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế điều trị trực tiếp, đi vào ổ dịch mới dùng khẩu trang N95 và quần áo bảo hộ lao động chuyên dụng.
“Người dân không quá hoang mang, khẩu trang được dùng khi ở những nơi có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm, như: người tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, người trong vòng 14 ngày tiếp xúc với người bệnh tự cách ly, đeo khẩu trang. Nếu không có khẩu trang thì khi ho, hắt hơi cũng cần lấy tay che miệng để nếu mắc bệnh thì không lây cho người khác”, ông Phu cho biết thêm.
Phân tích cụ thể sự phát tán của virus và hướng dẫn cách sử dụng khẩu trang sao cho đúng, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 - nơi đang điều trị cho 2 trường hợp bệnh nhân người Việt nhiễm bệnh và theo dõi cách ly nhiều người khác, cho biết virus không tồn tại tự do mà phải sống trong các giọt dịch tiết đường hô hấp bắn ra từ người bệnh. Do vậy, tất cả khẩu trang ngăn ngừa được giọt dịch tiết đều có giá trị ngăn ngừa mầm bệnh lây lan. Khẩu trang N95 là khẩu trang có khả năng ngăn ngừa rất tốt bụi và giọt nhỏ, còn khẩu trang y tế có khả năng ngăn ngừa kém hơn so với khẩu trang N95.
Video BS Nguyễn Trung Cấp hướng dẫn sử dụng khẩu trang
“Một nghiên cứu chúng tôi tham khảo gần đây cho thấy, để ngăn ngừa cúm thì giữa khẩu trang y tế và khẩu trang N95 có vẻ không khác biệt. Với virus Corona mới, với các tiếp xúc thông thường thì hai loại khẩu trang này không hơn kém nhau nhiều lắm. Với các tiếp xúc quá nguy cơ như những người làm việc trong phòng thí nghiệm, xét nghiệm liên quan đến bệnh phẩm hoặc là các nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc người bệnh sẽ phải cần khẩu trang N95”, bác sĩ Cấp nói.
Trước tình hình khan hiếm, tăng giá và có cả hiện tượng thu gom trục lợi khẩu trang, trang thiết bị phòng chống dịch 2019-nCoV, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã có các văn bản và tham mưu đề xuất Lãnh đạo Bộ Y tế ban hành văn bản kịp thời tăng cường, ổn định sản xuất, kinh doanh và chấn chỉnh các hành vi trục lợi.
Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi cho hơn 40 đơn vị sản xuất trang thiết bị y tế, đề nghị các đơn vị chủ động sản xuất và đi vào sản xuất ngay sau Tết, chịu trách đảm bảo bình ổn giá và không bán cho đối tượng có hiện tượng đầu cơ, gom hàng tăng giá và xuất khẩu cho các nước khác. Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp không được nâng giá bán để đảm bảo bình ổn thị trường trong giai đoạn hiện nay. Ngành y tế cũng đề nghị các đội quản lý thị trường phối hợp, kiểm tra giám sát, tránh tình trạng nâng giá quá cao, đặc biệt là khẩu trang.