Khô hạn sẽ 'khắc nghiệt' trên toàn quốc?

Tình hình khô hạn trong mùa khô năm nay nói chung trên toàn quốc khá là khắc nghiệt, thiếu nước diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt, khu vực Trung Trung Bộ từ tháng 6 sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nước căng thẳng.
Thiên tai gây thiệt hại 150 tỉ USD trên toàn cầu trong năm 2019Hạn hán gây tổn thất về nông sản gần 30 tỉ USD trên toàn cầuCác quốc gia trên thế giới bảo vệ môi trường như thế nào?

Đó là nhận định của ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia về tình hình khô hạn trong mùa khô năm nay.

Đà Nẵng cảnh giác thiếu nước nghiêm trọng

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Long cho biết, hầu hết trên các lưu vực sông đều thiếu hụt nước rất nhiều; cả khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đều đối mặt nguy cơ khô hạn khá khắc nghiệt.

“Các hồ chứa thủy điện đều ở mức thấp, nhiều hồ tiệm cận mực nước chết. Trong những tháng tới là các tháng mùa khô, lượng mưa cơ bản không đáng kể, nước dự trữ không nhiều dẫn đến tình trạng thiếu nước sẽ khá căng thẳng”, ông Long lý giải nguyên nhân.

kho han se khac nghiet tren toan quoc
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.

Ông Long phân tích, ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc chú ý nguy cơ khô hạn. Đối với Trung Bộ, trong các tháng 3,4,5, khô hạn tập trung ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận; Sau đó từ tháng 6 đến tháng 8 có thể lan rộng ra các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ. Cùng với đó, xâm nhập mặn có thể tiếp tục lấn vào các cửa sông, ven biển ở khu vực này

“Từ tháng 6, khu vực Đà Nẵng sẽ xuất hiện tình trạng thiếu nước căng thẳng và xâm nhập mặn lấn vào”, ông Long cảnh báo.

ĐBSCL cẩn trọng 2 đợt rãnh mặn lấn sâu

Về tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, ông Long cho hay, thời điểm hiện nay, mặn đang ở mức khá cao, cao hơn TBNN và xấp xỉ mức năm 2015.

Theo ông Long, dòng chảy về ĐBSCL có hai nguồn là dòng chính sông Mê Công và điều tiết nước ở Biển Hồ (CamPuChia). Như chúng ta đã biết trong những tháng mùa mưa năm 2019, ở thượng nguồn sông Mê Công mùa mưa đến khá muộn nhưng lại kết thúc sớm, thời gian mưa khá ngắn khiến cho nguồn nước thiếu hụt rất là nhiều so với TBNN. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra thiếu hụt dòng chảy, dẫn đến xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

kho han se khac nghiet tren toan quoc
Khu vực Trung Bộ có thể diễn ra tình trạng khô hạn khắc nghiệt trong mùa khô năm nay. Ảnh minh họa

Đặc biệt là trong tháng 1 và tháng 2/2020; lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về khả năng thiếu hụt từ 10-30%; cùng với đó, xâm nhập mặn diễn ra khá sớm từ giữa tháng 12/2019. Đã có thời điểm xâm nhập mặn vượt mức tháng 12 cùng kỳ năm 2015.

Hiện nay, mực nước ở Biển Hồ rất thấp, so với năm 2019 mực nước thấp hơn khoảng 2 mét. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tháng tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn có thể diễn ra gay gắt hơn.

“Chúng tôi lưu ý 2 thời kỳ khả năng rãnh mặn sẽ lấn rất sâu vào nội đồng trong năm nay, đó là cuối tháng 1 (từ khoảng 23-28/1) do có sự điều tiết dòng chảy ở thượng nguồn cũng như thiếu hụt lượng chảy về và thời kỳ từ ngày 8-14/2. Sau đó, sang cuối tháng 3/2020, tình hình xâm nhập mặn ở khu vực này có thể giảm”, ông Long chia sẻ.

Trước tình hình khô hạn có thể diễn ra khắc nghiệt và xâm nhập mặn gay gắt trong mùa khô năm nay, ông Long khuyến cáo người dân phải thường xuyên theo dõi và nắm bắt kịp thời các thông tin cảnh báo, dự báo được cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như website của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia. Từ đó, có kế hoạch chủ động tích nước, trữ nước và chuyển đổi mùa vụ cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu diễn ra.

Theo Tuyết Chinh/TN&MT