Khi uống một cốc nước, viết vào sổ tay, uống thuốc hay xây nhà, không phải lúc nào chúng ta cũng liên hệ được các hoạt động này với rừng.
Nhưng thực tế rừng và tài nguyên rừng hiện diện trong tất cả những hoạt động nêu trên, nói cách khác, rừng và tài nguyên rừng có vai trò tối quan trọng, mang lại lợi ích thiết thân cho con người.
Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt phong trào bảo vệ rừng được phát động trên toàn cầu, các khu rừng trên thế giới vẫn đang biến mất ở mức báo động.
Nhân Ngày Quốc tế về Rừng 21/3, Liên hợp quốc khẳng định đã đến lúc thế giới gieo mầm cho một tương lai bền vững bằng cách cam kết khôi phục và bảo tồn rừng.
Ông Mika Vanhanen, một cựu giáo viên ở Phần Lan và cũng là nhà sáng lập tổ chức trồng cây ENO, đã giám sát hoạt động trồng 30 triệu cây trên toàn cầu thông qua mạng lưới 10.000 trường học. Tuy nhiên, ông thừa nhận hoạt động trồng cây gây rừng gặp nhiều khó khăn.
Năm ngoái, công đoàn ngành lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết gần như tất cả 11 triệu cây trồng trong Ngày lâm nghiệp quốc gia năm 2019 đã chết chỉ sau vài tháng.
Trong khi đó, tại Chile, một nghiên cứu cho thấy các chủ đất lợi dụng chính sách trợ cấp khuyến khích trồng cây để thu lợi bằng cách chặt phá những khu rừng đã được trồng rồi sau đó thay thế bằng rừng mới trồng.
Trước thực trạng này, năm 2020, ông Vanhanen đã hợp tác với chuyên gia "công nghệ môi trường" Pekka Harju-Autti ra mắt mô hình sáng tạo để phục vụ dự án trồng cây quy mô lớn với trọng tâm là thúc đẩy tính bền vững.
Chương trình "TreeBuddy" của ông Vanhanen và Harju-Autti chào mời các doanh nghiệp và cá nhân mua một hoặc nhiều cây làm quà tặng cho khách hàng, nhân viên hoặc bạn bè.
Với sáng kiến trên, người tham gia cũng trả tiền cho việc duy trì những cây này trong 25 năm.
Khi một cây được trồng, người dân địa phương sẽ chụp một bức ảnh được định vị địa lý của cái cây và đăng lên một ứng dụng. Mỗi bức ảnh đăng lên sẽ nhận 1 euro.
Một năm sau, họ sẽ chụp ảnh cập nhật tình trạng của cây và lại nhận được 1 euro, tương tự sau 5 năm hay 10 năm tiếp theo.
Những đồng euro này được dùng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc khác nhau, từ việc tưới nước cho tới bảo vệ cây khỏi bị thú hoang phá.
Cho tới nay, "TreeBuddy" đã ghi nhận 30.000 cây được trồng tại Philippines, Tây Tạng (Trung Quốc) và Ấn Độ, cũng như đã đảm bảo đầu tư để mở rộng quy mô lên đến "hàng triệu cây/năm" trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ trong tương lai gần. Ông Harju-Autti cho biết đã nhận được nhiều câu hỏi từ các tổ chức trồng cây trên khắp thế giới quan tâm mô hình “TreeBuddy”.
Những sáng kiến và mô hình như “TreeBuddy” có ý nghĩa trong bối cảnh nạn phá rừng đang diễn ra với tốc độ đáng báo động trên toàn cầu.
Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Nature cho thấy 46% cây cối đã bị đốn hạ kể từ khi con người bắt đầu chặt phá rừng.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 1990 đến năm 2016, thế giới đã mất 1,3 triệu km2 rừng, tức là lớn hơn cả diện tích của Nam Phi.
Mỗi năm thế giới mất 10 triệu ha rừng, một diện tích gần bằng Iceland. Phần lớn hoạt động phá rừng là để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của con người và khoảng 80% các vụ phá rừng liên quan đến mở rộng nông nghiệp.
Theo Liên hợp quốc, các khu rừng trên thế giới là nhà của khoảng 60.000 loài cây, 80% các loài lưỡng cư, 75% các loài chim và hơn 60% các loài động vật có vú.
Các khu rừng giúp ổn định khí hậu, điều hòa hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học và hỗ trợ sinh kế cho con người. Khoảng 1,6 tỉ người - bao gồm hơn 2.000 nền văn hóa bản địa – sống dựa vào rừng.
Rừng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu và đóng góp vào sự thịnh vượng và hạnh phúc của các thế hệ tương lai – nhưng với điều kiện rừng và các nguồn tài nguyên rừng phải được quản lý bền vững.
Ngày Quốc tế về Rừng 21/3, được Đại hội đồng Liên hợp quốc kỷ niệm từ năm 2012, là thời điểm để tôn vinh và trân trọng giá trị của cây và rừng cũng như các hệ sinh thái rừng bao phủ một phần ba diện tích đất của Trái Đất, từ đó tăng cường cam kết và nỗ lực nhằm bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng này.
Chủ đề của Ngày Quốc tế về Rừng năm nay là “Phục hồi rừng: con đường để phục hồi và sống khỏe.”
Năm nay cũng là năm khởi động của Thập niên phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), một sáng kiến kêu gọi bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, hoạt động trồng cây gây rừng vẫn luôn được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, mưa lũ, sạt lở đất... tiếp tục gia tăng cả về cường độ và tần suất.
Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm 2021-2025 đã được khởi động trên cả nước với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh.”
Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021.
Một trong những mục tiêu của đề án trồng 1 tỉ cây xanh là góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và tăng độ che phủ của rừng.
Thực tế tại Việt Nam, tỉ lệ che phủ rừng đã tăng từ 39,7% năm 2011 lên gần 42% năm 2020 (cao hơn mức trung bình 29% của thế giới), nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng.
Thống kê cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 15 năm qua, rừng phòng hộ trên cả nước đã mất 0,6 triệu ha; riêng giai đoạn 2006-2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu ha xuống còn 4,4 triệu ha, hiện ổn định ở mức 4,6 triệu ha.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, năm 2021, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc phải tăng thêm 0,11% nữa, đạt khoảng 42%.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế về Rừng, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nếu thế giới không hành động ngay bây giờ, hậu quả của những cánh rừng biến mất sẽ không cứu vãn được.
Ngay cả đại dịch COVID-19 thế giới đang phải đối mặt cũng có thể là một hệ quả từ nạn phá rừng, xáo trộn các hệ sinh thái. Bởi vậy, mọi cam kết và hành động cụ thể nhằm khôi phục và bảo tồn rừng cũng chính là gieo mầm cho một tương lai bền vững vì lợi ích của con người và hành tinh.