Tiềm năng hoang sơ chưa được khai phá
Vào tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM) theo Quyết định số 826/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký. Theo đó, quy mô dự án được điều chỉnh mở rộng từ 600 ha lên thành 2.870 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh là 217.054 tỉ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỉ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư) và vốn vay thương mại là 184.496 tỉ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư). Dự kiến, quy mô dân số dự kiến là 228.506 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm. Đặc biệt, dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 25.000 lao động…
Đây không chỉ là việc cụ thể hóa các hướng triển khai Nghị Quyết 36-NQ/TW và Nghị quyết 26/NQ-CP mà còn là bước đi căn bản trên hành trình hiện thực hóa tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 20 năm trước về xây dựng Khu đô thị Cần Giờ, với tư cách là công trình mang tính đột phá, tầm cỡ không chỉ đối với Việt Nam, mà ít nhất cũng mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, có thể so sánh với Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia.
Theo đánh giá của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cần Giờ hội tụ đầy đủ các tiềm năng để có thể trở thành một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch có tầm cỡ khu vực. Cụ thể, Cần Giờ sở hữu 33.000 ha rừng sinh quyển, có hệ sinh thái rừng ngặp mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hệ thống sông ngòi dày đặc tại đây phù hợp với việc phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị gắn liền với du lịch. Đây cũng là khu vực có biển duy nhất tại TP.HCM với bãi biển dài khoảng 13 km.
Bên cạnh đó, Cần Giờ cũng là khu vực có nhiều di tích văn hóa và các lễ hội truyền thống của người dân địa phương, đặc biệt, lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thuận lợi hơn nữa, khu đô thị lấn biển được quy hoạch không đòi hỏi giải phóng mặt bằng và nằm kế cận vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO… Đồng thời, người dân làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ và nghề làm muối trong vùng rất đồng thuận với việc triển khai dự án
Theo các nhà nghiên cứu, Cần Giờ là khu vực nằm trên tuyến hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, sự kết nối có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xung quanh hai đại dương này là khu vực châu Á, châu Phi, sẽ chiếm 80% dân số toàn cầu vào năm 2050 và là nơi tập trung của các nền kinh tế năng động nhất thế giới. Việc tiến ra biển, sẽ giúp Cần Giờ trở thành một trạm trung chuyển lớn trong tuyến đường quan trọng của thế giới - điều mà rất nhiều nước mong muốn. Theo đánh giá, vị trí khu vực này hoàn toàn có thể cạnh tranh với vị trí của Singapore.
Mặc dù được sáp nhập về TP.HCM hơn 40 năm, người dân Cần Giờ dù sở hữu khoảng rừng rộng và bờ biển đẹp, là cư dân của thành phố phát triển bậc nhất Việt Nam nhưng vẫn nghèo, thậm chí mấy năm gần đây mới có thể phủ kín lưới điện. Có giá trị tiềm năng lớn, tuy nhiên đóng góp cho phát triển kinh tế của Cần Giờ với TP.HCM vẫn khá nhạt nhòa. Từ nghịch lý đó, lãnh đạo TP.HCM quyết tâm đưa Cần Giờ tiến ra biển, trở thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư tầm vóc khu vực và quốc tế, một điểm nhấn, một sản phẩm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM.
Những bước đi thận trọng hiện thực hóa giấc mơ vươn xa
Đánh giá chủ trương đưa Cần Giờ tiến ra biển của thành phố, TS Trần Du Lịch - Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, Cần Giờ là mặt tiền biển của TP.HCM nên quyết định xây dựng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ để biến Cần Giờ thành cửa ngõ là đúng đắn.
Tuy nhiên, thành phố cần tháo gỡ vướng mắc để nhà đầu tư thuận tiện thực hiện các dự án, hình thành dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của Cần Giờ. Mọi chính sách phát triển phải hướng đến 70.000 dân ở huyện Cần Giờ, người thụ hưởng lợi ích từ sự phát triển Cần Giờ trước tiên phải chính là người dân nơi đây. Đồng thời, TP.HCM cần chống đầu cơ đất tại huyện Cần Giờ.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chiến lược Việt Nam, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ là sẽ khởi đầu thực sự cho cuộc đua phát triển mới. Bởi lẽ, phát triển Cần Giờ không phải là việc riêng của TP.HCM mà còn là cả sự phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới. Vì thế, không thể chấp nhận logic thông thường huyện Cần Giờ là huyện khó khăn, cần phát triển từng bước, tuần tự, mà cần có tầm nhìn “sáng”, đột phá và tận dụng được lợi thế để phát triển.
Đóng góp ý kiến cho sự phát triển của Cần giờ, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM cho rằng, cần phải phát phát triển Cần Giờ dựa trên yêu cầu bảo tồn và phát triển những nét đặc trưng vốn có gồm hệ sinh thái rừng ngập mặn, mặt tiền biển và cửa sông, hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Cần phát triển Cần Giờ đúng là Cần Giờ, không bị biến dạng, mất bản sắc.
Chủ trương khai thác tiềm năng, lợi thế đưa Cần Giờ phát triển, tuy nhiên TP.HCM nhất quán quan điểm bảo tồn rừng ngập mặn, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của Cần Giờ. Chính vì vậy, trong các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 một số phân khu thuộc dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ ban hành mới đây, trong quá trình thực hiện quy hoạch, UBND TP.HCM yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các phân khu phải tôn trọng, phát huy tốt nhất các giá trị thiên nhiên sẵn có, phát huy chức năng du lịch sinh thái biển theo nét đặc thù là khu đô thị du lịch sinh thái biển lớn nhất Việt Nam, đồng thời tiếp cận không gian cảnh quan ven biển phía Đông Nam và ven biển hồ trung tâm, kiểm soát mức độ bê-tông hóa.
Đặc biệt chú trọng nhiệm vụ phát triển Cần Giờ tương xứng với tiềm năng sẵn có, thời gian qua, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã trực tiếp chủ trì nhiều buổi làm việc, gặp mặt giới tri thức, doanh nghiệp để bàn về hướng phát triển cho Cần Giờ. Thành phố cũng đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, trao đổi của các nhà chuyên gia, khoa học… Đồng thời, Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, thông qua đó, TP.HCM sẽ có cách làm phù hợp, tạo được sự đồng hành trên bước đường xây dựng TP.HCM nói chung và Cần Giờ nói riêng phát triển bền vững.