Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc - đòn bẩy tăng trưởng du lịch Hà Nam

Ðể sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2023 đưa quần thể khu du lịch Tam Chúc thành Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tỉnh Hà Nam đã quan tâm xây dựng và công bố quy hoạch các khu điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch; xây dựng và triển khai đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ khu du lịch Tam Chúc.
Những địa danh đẹp nhất để du xuân ở Ninh Bình dịp Tết nàyDu Xuân non nước Cao BằngMùa thu về Yên Tử lòng rộng thênh thang
khu du lich trong diem quoc gia tam chuc don bay tang truong du lich ha nam

Tập trung nghiên cứu, khảo sát, củng cố và xây dựng tuyến, điểm du lịch, liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận và các trung tâm du lịch lớn trong nước về phát triển tua, tuyến với sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế đặc trưng là khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc.

Lễ hội xuân Tam Chúc

Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thuộc thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km về phía tây nam. Ðây là quần thể du lịch tâm linh nổi tiếng được dựng trên thế đất phong thủy của Trúc Lâm xưa, núi non ôm hồ nước lớn. Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt. Ðến với Tam Chúc, du khách sẽ được hòa mình trong cảnh núi non hùng vĩ, được nghe những câu chuyện huyền thoại gắn liền hàng ngàn năm với địa danh nơi đây. Nơi lưu giữ những dấu tích huyền thoại của các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần cùng dấu chân của Thiền sư Nguyễn Minh Không trên bước đường xây dựng chùa, tu hành cứu nhân độ thế.

Căn cứ vào một số di vật được tìm thấy dưới lòng hồ Tam Chúc như cột lim, chân đá tảng có hình hoa sen và các câu chuyện dân gian vẫn được lưu truyền. Hơn một nghìn năm trước, nơi đây là vùng đất phật linh thiêng với ngôi chùa cổ kính, uy nghiêm và lễ hội Tam Chúc được diễn ra hằng năm vào dịp đầu xuân năm mới để nhân dân cầu nguyện quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Trải qua thời gian, chùa Tam Chúc cổ đã bị hư hỏng, chỉ còn lại một số di vật nhưng trong suốt thời gian dài, nhân dân địa phương không duy trì được các hoạt động lễ hội vào dịp xuân hằng năm như trước đây. Ðể gìn giữ và phục dựng lại những giá trị quý của ngôi chùa, nhiều năm qua, tỉnh Hà Nam đã triển khai dự án trọng điểm quốc gia khu du lịch Tam Chúc, trong đó có trọng tâm là khôi phục các giá trị di sản mảnh đất Tam Chúc.

Ðiển hình là xây dựng chùa Tam Chúc và khu du lịch văn hóa Tam Chúc tâm linh. Việc khôi phục Lễ hội Xuân Tam Chúc vào ngày 12 tháng Giêng hằng năm là niềm mong muốn của nhân dân địa phương đồng thời bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, góp phần giới thiệu quảng bá hình ảnh văn hóa quê hương, tạo điều kiện thuận tiện để du khách thập phương trong và ngoài nước đến với khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc, một kiệt tác về kiến trúc Phật giáo của Việt Nam.

Chùa Tam Chúc cổ được xây dựng từ thời nhà Ðinh và là một trong những danh lam cổ tự tiêu biểu của tỉnh Hà Nam. Trải qua thời gian, ngôi chùa cổ không còn nữa. Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đã được tập trung xây dựng, đây là ngôi chùa đặc biệt độc đáo có không gian kiến trúc hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên, hùng vĩ. Ngôi chùa được thi công bởi những người thợ thi công lành nghề đến từ các nước Phật giáo với nhiều kỷ lục về quy mô kiến trúc, nghệ thuật chế tác. Chùa Tam Chúc thật sự là một điểm đến hành trình kết nối di sản văn hóa tâm linh.

khu du lich trong diem quoc gia tam chuc don bay tang truong du lich ha nam

Chốn bồng lai tiên cảnh

Với tổng diện tích 5.000 ha, khu du lịch quốc gia Tam Chúc có cảnh quan và địa thế hiếm thấy, ẩn mình trong quần thể núi đá vôi độc đáo, với phong cảnh nước non hữu tình, nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh.

Từ trên cao nhìn xuống, Tam Chúc đẹp như bức tranh thủy mặc khổng lồ với những đường nét hoàn toàn tự nhiên do tạo hóa sắp đặt, là vùng đất địa linh bởi địa thế lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra hồ. Hồ có diện tích mặt nước rộng 600 ha là một trong những hồ nước tự nhiên rộng nhất cả nước và là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật hoang dã. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, ba mặt được bao bọc bằng dãy núi đá hình tay ngai, dưới mặt hồ có sáu ngọn núi đá vôi nổi lên mặt nước.

Ðến với Tam Chúc chúng ta vừa được hòa mình trong cảnh núi non hùng vĩ, vừa được nghe những câu chuyện có yếu tố huyền thoại gắn liền hàng ngàn năm với địa danh nơi đây, những nét hoang sơ, tự nhiên, sơn thủy hữu tình, nơi đất Phật cõi trần gian.

Chùa Tam Chúc gắn liền với truyền thuyết “Tiền lục nhạc, hậu thất tinh” bởi vùng đất đã bao đời nay lưu truyền truyền thuyết rằng: “Xưa có bảy tiên nữ giáng xuống trần gian, khi đến Tam Chúc các tiên nữ mê mẩn với cảnh đẹp hữu tình chốn này mà quên đường về. Nhà trời đã sáu lần cử người xuống gọi mà các tiên nữ không về, mỗi lần dùng một quả chuông làm binh khí”. Và đó chính là sáu ngọn núi nằm rải rác khắp hồ nước lớn trước cảnh chùa hiện nay hay tích xưa còn gọi là “Tiền lục nhạc”. “Hậu thất tinh” được bắt đầu bằng câu chuyện của những dãy núi phía sau chùa Tam Chúc. Trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía tây nam hướng về chùa Hương có bảy ngọn gần làng Tam Chúc.

Tích xưa kể lại: “Cả bảy ngọn núi này đều xuất hiện những đốm sáng lớn tựa như bảy ngôi sao sáng suốt đêm ngày. Ánh sáng lung linh từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn, dân làng gọi đó là núi Thất Tinh. Sau đó có người đến núi Thất Tinh đục đẽo hòng lấy đi bảy ngôi sao đó. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho bốn ngôi sao bị mờ dần đi và cuối cùng chỉ còn lại ba ngôi sao. Vì thế, chùa Thất Tinh từ đó được đổi thành chùa Ba Sao và thị trấn Ba Sao, Kim Bảng cũng được lấy tên từ tích ấy”. Cũng không ai rõ những câu chuyện đó có tự bao giờ, thế nhưng phong cảnh nơi đây như một minh chứng khiến cho chúng ta cảm thấy những hình ảnh trong giai đoạn ấy dường như đã và hiển hiện rất gần.

Quần thể chùa Tam Chúc được xây dựng ngày nay là đại diện cho sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa nền văn hóa phương Ðông và phương Tây dựa trên nền tảng Phật giáo, thể hiện qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân điêu khắc đến từ Việt Nam và Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a. Với những giá trị tiêu biểu đó, quần thể chùa Tam Chúc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch trọng điểm quốc gia theo Quyết định số 201/QÐ-TTg ngày 22/1/2013.

Tháng 5/2019, chùa Tam Chúc là nơi đăng cai tổ chức thành công Ðại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019; phấn đấu đến năm 2023, quần thể khu du lịch Tam Chúc sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trở thành tuyến đường hành hương kết nối di sản các khu tâm linh từ chùa Vàng, di sản thế giới Tràng An, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Ðính, khu đầm ngập nước Vân Long (Ninh Bình); chùa Ðồng Tâm (Hòa Bình); chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Hương, chùa Quan Sơn, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Kỳ vọng Tam Chúc

Từ mùa lễ hội năm 2019 và Ðại lễ Phật đản Vesak đến nay, lượng du khách đến với khu du lịch quốc gia Tam Chúc ngày một tăng. Năm 2019, tổng lượng khách đến với Hà Nam đạt gần ba triệu lượt. Với tiềm năng và thế mạnh đang được khai thác, khu du lịch quốc gia Tam Chúc được kỳ vọng là đòn bẩy tăng trưởng du lịch của tỉnh Hà Nam.

Những ngày đầu Xuân Canh Tý, chúng tôi có dịp về khu tái định cư của những người dân làng Tam Chúc cũ (tổ dân phố số 3, thị trấn Ba Sao). Không khí mùa xuân và dư âm ngày Tết tràn ngập khắp khu phố, trong từng ngôi nhà khang trang ấm áp. Theo lời kể của những người cao niên từng sống ở làng Tam Chúc ngày xưa: làng Tam Chúc xưa hoang sơ lắm, người dân ở thưa thớt bao quanh những gò đống, chỗ cao thì cấy lúa, chỗ trũng thì trồng sen, thả cá… đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, dịch vụ không phát triển. Vì thế, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng khu du lịch ở đây, chúng tôi mừng lắm và đồng tình ủng hộ việc di dời về nơi ở mới nhường đất cho khu du lịch.

Năm 2019, Tam Chúc còn được chọn làm nơi tổ chức Ðại lễ Vesak, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Cuộc sống ở nơi tái định cư của chúng tôi hiện tại đã ổn định và có nhiều điều kiện sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ vì có cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thuận tiện trong sinh hoạt. Tuy không còn ruộng nương, nhưng những người trong độ tuổi lao động đều tìm được việc làm phù hợp ở khu du lịch. Với những người trẻ, có trình độ có thể tìm được công việc phù hợp tại khu công nghiệp, còn những người trung tuổi hoặc mở các dịch vụ gia đình, hoặc vào phục vụ khu du lịch Tam Chúc, ở đó, có nhiều công việc phù hợp cho các thành phần lứa tuổi, thu nhập ổn định, đời sống của nhân dân khá hơn, người dân cũng năng động lên.

Ðược biết từ khi doanh nghiệp Xuân Trường bắt tay vào xây dựng khu du lịch Tam Chúc tại địa bàn, doanh nghiệp đã cam kết ưu tiên lao động tại địa phương vào làm việc và cam kết này đang được thực hiện một các nghiêm túc. Hiện tại, có khoảng hơn 200 lao động là người dân địa phương làm việc tại khu du lịch Tam Chúc với các lứa tuổi và trình độ phù hợp như: nhân viên bán hàng, công nhân xây dựng, lái xe điện, nhân viên bán vé, soát vé, bảo vệ, lao công… với mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/ người/ tháng.

Với quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu chung đến năm 2025, khu du lịch Tam Chúc cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch trọng điểm quốc gia. Có cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành thương hiệu khu du lịch, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cùng với các cụm du lịch phụ cận trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của đồng bằng sông Hồng, duyên hải Ðông Bắc và cả nước.

Phấn đấu đến năm 2025, khu du lịch Tam Chúc đón khoảng năm triệu lượt khách trong nước và quốc tế; đến năm 2030, đón khoảng tám triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp. Tổng thu từ khách du lịch, năm 2025 đạt khoảng 1.100 tỉ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt hơn 1.700 tỉ đồng.

Du khách đến với Tam Chúc được tham quan các công trình kiến trúc Phật giáo; nghiên cứu phật học, các biểu tượng điêu khắc; tham dự các lễ hội, tìm hiểu văn hóa lịch sử địa phương… Cùng với đó, du khách sẽ được tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên, du lịch nghỉ dưỡng trong lòng hồ… du lịch cộng đồng gắn với hệ sinh thái nông nghiệp; nghỉ dưỡng và trải nghiệm đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương. Theo đánh giá, những mục tiêu đó, chắc chắn Hà Nam có thể thực hiện được khi nhìn vào thế mạnh và sự độc đáo, hấp dẫn của khu du lịch Tam Chúc. Bởi nơi đây có diện tích, không gian rộng lớn, giữ được nét tự nhiên hoang sơ, có yếu tố tâm linh, văn hóa…

Thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án khu du lịch Tam Chúc, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08 phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tạo đột phá phát triển thương mại dịch vụ của tỉnh với tốc độ cao, bền vững.

Theo Tam Chúc/Báo Nhân Dân

Xem thêm

Liên kết