Báo chí: Thay đổi để thích ứng
Trong cuốn “Beyond News” của mình, Giáo sư Mitchell Stephens mô tả nhiệm vụ mới của báo chí bằng một từ: “interpreting” - biên dịch. Không phải là phiên dịch, mà là biên dịch sự kiện. Báo chí có trách nhiệm thu thập thông tin, sắp xếp nó, trình bày lại dưới một dạng dễ hiểu và đáng tin cậy với người đọc. Các dạng thông tin trên truyền thông xã hội có một điểm bất cập là “vô tổ chức”. Người đọc tin trên mạng sẽ rất khó tự tổng hợp và có một cái nhìn toàn cảnh về sự kiện.
(Ảnh minh họa) |
Tất nhiên, người ta có thể khen phóng viên đó dốc lòng vì sự nghiệp báo chí. Nhưng ngược lại, nó cho thấy sự thất bại của báo chí truyền thống. Một phép toán cực kỳ phi lý về mặt kinh tế, chỉ để bảo vệ giá trị cũ của báo chí là đưa tin nóng. Nhưng trong bài toán có vẻ như “thua chắc” ấy, báo chí có thể làm gì mà mạng xã hội không thể làm?Trong một vụ tai nạn máy bay tại Việt Nam cách đây vài năm, phóng viên ngay khi tiếp cận hiện trường đã đối mặt với một vấn đề rất tiêu biểu của thời đại: Những tấm ảnh hiện trường đắt giá nhất, thời điểm chiếc máy bay vừa rơi xuống, được chụp bởi những dân làng sống xung quanh đó. Nếu không có gì thay đổi, nó sẽ được đăng tải trên truyền thông xã hội chỉ vài phút sau. Phóng viên của một tờ báo lớn đã phải chấp nhận mua lại ảnh từ các nhân chứng có mặt tại hiện trường với cái giá không hề rẻ. Và để đảm bảo được tin tức của mình được hấp dẫn, anh ta đã trả một số tiền nhiều hơn... nhuận bút của bài báo đó.
Câu trả lời, rất đơn giản, mà nhiều người làm báo có thể nghĩ tới một cách bản năng: Đào sâu hơn nữa sau sự kiện. Trong những ngày tháng sau đó, các nhà báo Việt Nam tiếp tục theo đuổi sự kiện này. Những câu chuyện xúc động, về những nạn nhân trong vụ rơi máy bay, về sự kiên cường của những người vợ mất chồng, những đứa con côi cút; câu chuyện về nghị lực của người sống sót trong vụ rơi máy bay, bị bỏng toàn thân và mất cả hai chân... đều đã gây xúc động mạnh trong xã hội. Nhiều mạnh thường quân xuất hiện và trợ cấp cho các thân nhân.
(Ảnh minh họa) |
Người dân có thể chứng kiến sự kiện máy bay rơi. Người dân có thể truy đuổi, bao vây, tạm giữ một ông Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy gây tai nạn. Một bác sỹ có thể chứng kiến quá trình hồi phục của bệnh nhân Covid-19. Nhưng nhà báo, thì có điều kiện để xâu chuỗi toàn bộ những chi tiết ấy lại, vẽ được bức tranh toàn cảnh, hay nói cách khác, là “biên dịch” sự kiện thành thứ ngôn ngữ có thể thu hút độc giả - về mặt cảm xúc hay chỉ để đáp ứng sự tò mò. Mở rộng hơn, phóng sự điều tra cũng là một dạng “biên dịch” mà trong đó, nhà báo có thể tận dụng lợi thế về thời gian và nghiệp vụ khai thác, tổng hợp thông tin của mình.Trong câu chuyện này, có hai vấn đề hiện lên rất rõ ràng: Đầu tiên, báo chí đang có nguy cơ lớn trong cuộc đua tin tức. Sau đó, là việc vẫn còn đất cho báo chí ở những khía cạnh “hơn cả tin tức”.
Nhưng tất nhiên, sự “biên dịch” này tốn công sức và thời gian hơn rất nhiều so với nhiệm vụ đưa tin thuần túy theo kiểu “thấy gì ghi nấy”. Để thực hiện được điều đó, nhà báo sẽ cần chủ trương của tòa soạn. Chưa nói đến tài chính, ít nhất, anh ta sẽ cần thêm thời gian từ tòa soạn để làm việc - thay vì lúc nào cũng lao vào một cuộc đua marathon về tin nóng với truyền thông xã hội, một cuộc đua họ đã mất lợi thế.
Và quan trọng nhất, hiển nhiên, là nhận thức mới của nhà báo về vai trò của mình trong thời đại mới.
Báo in nhường chỗ cho báo điện tử? Ngày 28/5 vừa qua, Tập đoàn truyền thông News Corp của Australia thông báo đóng cửa hơn 100 tờ báo in ở địa phương và vùng thưa dân cư trong khuôn khổ kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn để cắt giảm chi phí và chuyển hướng sang phát hành theo hình thức kỹ thuật số. News Corp sẽ chỉ tuyển dụng thêm phóng viên cho báo kỹ thuật số, đồng thời đầu tư cho các giải pháp marketing và quảng cáo kỹ thuật số. Trong khi đó, số phóng viên mảng báo in sẽ giảm mạnh từ 1.200 đến 1.300 người xuống còn 375 người. Tập đoàn truyền thông này cho biết phần lớn các tờ báo sẽ chuyển sang dạng kỹ thuật số từ ngày 29/6. Tính đến nay, tập đoàn này đã triển khai 16 ấn phẩm điện tử địa phương mới và đang lập kế hoạch nâng số lượng ấn bản phẩm theo hình thức này lên thành 92. Trước đó, ngày 1/4, News Corp đã tạm ngừng in khoảng 60 tờ báo. Những ví dụ như trên có ở khắp nơi. Ngay tại Việt Nam, nhiều tờ báo đã bắt nhịp với xu hướng “dịch chuyển” sang báo điện tử: Báo Nhân đạo (nay là Tạp chí nhân đạo) đã bỏ hẳn ấn bản in, chỉ thực hiện ấn bản điện tử là ví dụ tiêu biểu. |