Thực hiện kế hoạch phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, thành phố Hà Nội đã ghi nhận sự tiến bộ, đạt được nhiều thành tích nổi bật. Theo đó, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong giai đoạn 2015-2020; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3% đến 7,8%), cao hơn giai đoạn 2010-2015 (6,93%). Năm 2020, quy mô GRDP của Hà Nội ước đạt 1,06 triệu tỉ đồng, tương đương 45 tỉ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước.
Ước tính đến năm 2020, diện tích đất đô thị dành cho giao thông, tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng của thành phố đều tăng, ước đạt lần lượt là 10,05% và 20,05%. Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô; Từng bước phát triển vùng đô thị khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài.
Tính lũy kế từ 2016 đến nay, thành phố đã trồng được hơn 1,6 triệu cây đô thị, bóng mát, đạt 100,9% kế hoạch; Tích cực, chủ động rà soát và xác định mục tiêu hành động cắt giảm khí nhà kính bằng việc tham gia dự án cam kết “Thành phố tham vọng”.
Số lượng bếp than tổ ong đã giảm từ 56.670 bếp (1/2017) xuống còn 15.418 bếp, giảm 72,8% tính đến tháng 6/2020. Đến hết tháng 9/2020, theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, thành phố chỉ còn hơn 11.000 bếp than tổ ong; Đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, sạch và ứng dụng khoa học công nghệ cao; Khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy đốt rác Thiên Ý (huyện Sóc Sơn); Rác thải thu gom vận chuyển trong ngày của đô thị đạt 98%.
Vào tháng 5/2020, Hà Nội đã cho triển khai gói thầu số 2 và số 3 Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá. Đây là dự án trọng điểm của thành phố, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao môi trường sống, chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Tính đến cuối năm 2020, thành phố Hà Nội có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành địa phương có tổng số xã về đích nhiều nhất của cả nước. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Phát triển Hà Nội nhanh, bền vững hơn
Về phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND Thành phố khóa XV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố Hà Nội xác định đến năm 2025, mục tiêu tổng quát là xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) đầu người đạt 8.300-8.500 USD.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh những tiến bộ và thành tích đã đạt được, mặc dù kinh tế của Thành phố có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng nhìn chung chưa tạo được các "đột phá lớn" và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của thành phố chưa cao.
“Các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công còn ở vị trí thấp so với cả nước. Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường có một số mặt còn hạn chế, lúng túng, bị động, chưa theo kịp thực tiễn, chưa đạt yêu cầu đề ra”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, những chuyển biến trong lĩnh vực văn hoá - xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt kết quả như mong muốn. Phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Do đó, trong bối cảnh, tình hình quốc tế và khu vực đang diễn ra những thay đổi nhanh chóng và khó lường, Hà Nội cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển Hà Nội nhanh, bền vững hơn.
Tập trung xây dựng đô thị tăng trưởng xanh
Tháng 7/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND, đưa ra kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng năm 2030. Trong đó, đưa ra mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2025, Hà Nội trở thành thành phố đi đầu trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thực hiện thành công các chỉ tiêu tăng trưởng xanh của thành phố và Việt Nam.
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội đã và đang phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh. Đô thị trung tâm là khu vực nội đô hiện tại được phát triển mở rộng về phía Tây-Nam đến đường Vành đai 4; Về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; Phía Đông với khu vực Gia Lâm và Long Biên. 5 đô thị vệ tinh của thành phố bao gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.
Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, Hà Nội đã và đang đi theo xu hướng chung của các nước trên thế giới là quy hoạch các đô thị vệ tinh, tạo nên các vành đai xanh, khích lệ tăng trưởng, kéo giãn dân ra khỏi nội đô chật chội.
Nhiệm kỳ tới, Hà Nội sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hạ tầng giao thông. Ðẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Thành phố sẽ triển khai mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hoàn thiện hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng đô thị, từng bước xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh…
Nhìn lại bức tranh Thủ đô sau hàng thập kỉ phát triển cho thấy, quá trình đô thị hóa Hà Nội dù đôi lúc chưa thật hợp lý, thực tế còn tồn tại nhiều bất cập. Tuy nhiên, nhờ định hướng phát triển bền vững, 3 mặt kinh tế - xã hội và môi trường đã từng bước được kết hợp chặt chẽ, hài hòa. Do vậy, cùng với mục tiêu xây dựng Thủ đô thành đô thị văn minh, đáng sống, thành phố cũng cần tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn tại để hoàn thành mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành phố đi đầu trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thực hiện thành công các chỉ tiêu tăng trưởng xanh của thành phố và Việt Nam.