Từ TP.Huế, men theo Quốc lộ 49 chừng 24km, chúng tôi tìm về Rú Chá (thuộc thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Len lỏi giữa cánh rừng ngập mặn xanh mướt, chúng tôi mới đến được ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông Nguyễn Ngọc Ðáp (74 tuổi) và bà Lê Thị Hồng (72 tuổi), nơi đã gắn bó với vợ chồng lão nông yêu rừng hơn 33 năm qua.
Với diện tích khoảng hơn 6 hecta, Rú Chá hiện là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất của miền Trung. Ngoài hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất ở khu vực đầm phá Tam Giang, Rú Chá còn được xem như một vùng đệm sinh thái giữa đất liền và đầm phá. Nơi đây có nhiều loại thủy sinh, chim chóc và các loại cây thân mềm cư trú. Có thể nói Rú Chá là “lá phổi xanh” của hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên sinh còn sót lại trên Phá Tam Giang.
Hàng ngày ông Ðáp vẫn chèo thuyền đi khắp rừng Rú Chá để nhặt rác. |
Vợ chồng già giữ rừng “không lương” hơn nửa đời người
Trong căn nhà vỏn vẹn chưa tới 40m2, chủ yếu được quây bằng tôn của ông Nguyễn Ngọc Ðáp, chúng tôi được nghe ông kể về cơ duyên đến với cánh rừng này.
Theo ông Ðáp, “Rú” nghĩa là “rừng”, còn “Chá” là bởi trong rừng hầu hết toàn cây Chá. Từ bao đời nay rừng Chá mọc dày đặc như một bình phong án ngữ che chắn, bảo vệ vùng đất này trước biển Thuận An.
Ông Nguyễn Ngọc Ðáp cùng ngôi nhà nhỏ giữa rừng Rú Chá. |
Ngày trước, vì thiếu chất đốt nên người dân địa phương đến rừng Chá để đốn củi. Ban đầu chỉ vài người nhưng sau đó cả làng đua nhau vào tận diệt rừng khiến diện tích Rú Chá bị thu hẹp đáng kể. Ông Ðáp nghĩ bụng, nếu cứ thế này, Rú Chá sẽ bị đốn sạch trong nay mai và sẽ không còn gì che chắn nước biển xâm thực, bảo vệ làng quê ông trước những ngọn sóng, cơn gió dữ. Ðúng lúc đó, ông Ðáp nghe được tin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có chính sách bảo vệ rú cũng như rừng phòng hộ. Không chút băn khoăn, hai vợ chồng ông Ðáp dắt nhau lên xã, một mực xin nhận công việc bảo vệ rừng.
Từ năm 1986, vợ chồng ông Ðáp đã ngày đêm canh giữ, chăm lo cho Rú Chá khỏi bị chặt phá và bảo vệ những cánh chim rừng. Cứ khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi đàn cò và nhiều loài chim khác bay về Rú Chá, ông Ðáp lại tất bật đi gỡ bẫy, để không một chú chim nào bị làm hại. Kể từ khi có sự hiện diện của vợ chồng ông Ðáp, những cây Chá, cây Quao đua nhau sinh sôi phát triển, nhiều loài chim mới cũng tìm về Rú Chá.
Rú Chá ngày càng “thay da đổi thịt” khi được bao phủ bởi một màu xanh ngút ngàn, tạo sức hút với nhiều du khách trong và ngoài nước có đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã.
Ðể Rú Chá có được như ngày hôm nay, người canh giữ khu rừng đã phải trải qua rất nhiều gian khó. Ông Ðáp nhớ lại những ngày đầu tới rừng Chá hoang vu, ngôi nhà nhỏ của ông lọt thỏm giữa một hòn đảo có diện tích gần 1 hecta, không điện, không nước ngọt, không hàng xóm và tách biệt hoàn toàn với cộng đồng. Tài sản quý giá nhất của vợ chồng ông Ðáp là chiếc radio phát ra những âm thanh không tròn trịa.
Ngày trước, ông Ðáp được làng trả lương giữ rừng bằng 3 tạ lúa mỗi năm, nhưng vợ chồng ông chỉ lấy 2 tạ, còn lại 1 tạ thì gửi lại dùng cho việc làng. Nhưng kể từ năm 2000 đến nay, làng không cấp lúa nữa, hai vợ chồng ông Ðáp coi như giữ rừng không lương.
Ðã nhiều lần, con cháu khuyên vợ chồng ông Ðáp trở về làng cho tiện bề chăm sóc nhưng ông vẫn quyết định ở lại Rú Chá. “Ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi vẫn muốn ở lại mảnh đất yên bình này, để sống một cuộc sống giản dị với rừng Chá, nơi đã gắn liền với vợ chồng tôi gần nửa đời người. Tôi cũng muốn chăm sóc khu rừng tuyệt vời này đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi”, ông Ðáp cười hiền nhưng quả quyết.
“Quả ngọt” từ Rú Chá
Từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện Dự án bảo vệ và phát triển nhân rộng rừng ngập mặn, bắt đầu từ rừng Rú Chá, nhiều diện tích rừng trồng ngập mặn đã được hình thành. Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ngập mặn Rú Chá đang giúp phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá. Việc này không những góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà còn phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế tại địa phương.
Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế). |
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà chia sẻ, việc mở rộng diện tích rừng trồng ngập mặn là rất khả thi. Hiện nay, qua khảo sát tại một số địa phương, rất nhiều người dân có nguyện vọng được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản trong môi trường rừng ngập mặn. Việc người dân nuôi thủy sản trong hệ sinh thái rừng ngập mặn sẽ giúp vật nuôi phát triển tốt hơn, ít bệnh tật và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, theo kết quả thực nghiệm, khi chưa có rừng, người dân thả nuôi 5 vạn tôm thì 1kg tôm được 50 con. Ðến khi hình thành rừng, 1kg tôm được 32 con. Ngoài ra, vì tận dụng nguồn thực vật phù du trong hệ sinh thái rừng, người dân chỉ cần dùng 30% khối lượng thức ăn cho tôm so với trước đây.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị đã tổ chức trồng được 421,2 hecta rừng, đạt 92,4% so với kế hoạch, gồm 255 hecta rừng trồng trên cát, 125 hecta rừng trồng ngập mặn và 41,2 hecta rừng trồng ngập ngọt. Trong đó, nhiều diện tích đã khép tán, tạo thành rừng trong thời gian ngắn. |