Liên hợp quốc: Các nước vẫn còn cách xa mục tiêu Hiệp định Paris

Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần hành động mạnh mẽ và tham vọng hơn nữa để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về khí hậu và hạn chế nhiệt độ tăng không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Xúc tiến thương mại để tận dụng các lợi ích từ Hiệp định EVFTAMỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậuASEAN 2020: Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ các nước ASEAN cắt giảm khí thải CO2Thế giới có nguy cơ đánh mất mục tiêu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn, lành mạnh hơn.

Thỏa thuận lịch sử này đạt được sau 13 ngày đàm phán đầy căng thẳng giữa các phái đoàn của 195 quốc gia dự Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) tổ chức tại Paris (Pháp).

tm-img-alt
Lượng khí thải CO2 vẫn không ngừng gia tăng. (Ảnh minh họa)

Hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 độ C cũng đã được thông qua.

Thế nhưng, theo một báo cáo do Liên hợp quốc công bố ngày 26/2, những cam kết về giảm lượng khí thải mà một số nước đưa ra đến nay trong khuôn khổ Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu sẽ chỉ giúp giảm chưa tới 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, một phần rất nhỏ trong số 45% lượng khí thải cần phải cắt giảm để tránh xảy ra thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Số liệu trên cho thấy những thách thức mà các nhà đàm phán phải đối mặt khi họ nỗ lực đạt được các cam kết tham vọng hơn từ các nước phát thải lớn trước khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới. Đây được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất về biến đổi khí hậu kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết năm 2015.

Nhận định về kết luận của báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Báo cáo tạm thời của UNFCCC được công bố là một báo động đỏ cho hành tinh của chúng ta. Nó cho thấy rằng các chính phủ còn lâu mới đạt đến mức tham vọng cần thiết để hạn chế biến đổi khí hậu ở mức 1,5 độ và đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris”.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng năm 2021 là năm bản lề để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu.

“Khoa học đã rõ ràng, để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, chúng ta phải giảm lượng khí thải toàn cầu xuống 45% vào năm 2030, so với mức năm 2010”- ông Guterres nói.

Tổng thư ký cũng kêu gọi các quốc gia phát thải lớn "đẩy nhanh mục tiêu giảm phát thải" cho năm 2030 trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của họ, nhấn mạnh rằng các kế hoạch kích thích kinh tế hậu đại dịch COVID-19 cung cấp khả năng "xây dựng lại xanh hơn và sạch hơn".

“Các nhà hoạch định chính sách cần đi đầu cuộc đối thoại. Các cam kết dài hạn phải đi đôi với hành động ngay lập tức để khởi động một thập kỷ chuyển đổi mà con người và hành tinh đang rất cần” – ông Guterres nhấn mạnh.

Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo Chỉ số rủi ro Khí hậu Toàn cầu (KRI) do tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch (Đức) công bố vào tháng 1/2021, Việt Nam đứng ở vị thứ 13 trong số các nước có nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UNIPCC) cũng chỉ ra rằng những thách thức về khí hậu của Việt Nam lớn hơn nhiều so với thông thường. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các chiến lược thích ứng và giảm thiểu hiệu quả để ngăn chặn thách thức, do các tác động khí hậu đang ngày càng mạnh mẽ và khó dự đoán hơn.

Nhìn lại thời gian trước, cụ thể từ năm 1999 – 2018, Việt Nam đã phải trải qua 226 sự kiện thời tiết cực đoan, với thiệt hại kinh tế lên đến hơn 2 tỉ USD/năm. Ngoài ra, một nghiên cứu khác của UNIPCC chỉ rõ TP.HCM có thể sẽ bị ngập trong nước vào năm 2050 và hàng triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long – vùng trồng lúa chính của cả khu vực có thể sẽ phải sơ tán khỏi các khu vực ven biển.

Minh Phương
Theo kinhtemoitruong.vn

Xem thêm

Liên kết