Liên hợp quốc: Hãy học cách coi thiên nhiên như một đồng minh

Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cho rằng, đã đến lúc chúng ta học cách coi thiên nhiên như một đồng minh giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Liên hợp quốc kêu gọi các nước ngừng tài trợ cho các dự án than đáBộ trưởng Trần Hồng Hà: Bảo vệ môi trường là trụ cột của phát triển bền vữngLiên Hợp Quốc kêu gọi hành động để tránh thảm họa môi trường

Phát biểu trong một cuộc họp báo công bố báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc có tựa đề “Hòa bình với thiên nhiên” diễn ra ngày 18/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres khẳng định rõ quan điểm “nếu không có sự giúp đỡ của thiên nhiên, chúng ta sẽ không thể phát triển hay thậm chí là tồn tại”.

“Từ rất lâu rồi, chúng ta đã tiến hành một cuộc chiến tự sát và vô nghĩa đối với thiên nhiên. Điều đó đã kéo theo 3 cuộc khủng hoảng môi trường có mối liên hệ mật thiết với nhau, bao gồm: Gián đoạn khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm – những điều đe dọa tới sự tồn tại của chúng ta… Hạnh phúc của con người nằm ở việc bảo vệ sức khỏe của hành tinh. Đã đến lúc đánh giá và cài đặt lại mối quan hệ giữa chúng ta với thiên nhiên” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

tm-img-alt
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo, ngày 18/2. (Ảnh: Xinhua) 

Tổng thư ký Guterres chỉ ra rằng, con người đang khai thác quá mức và làm suy thoái môi trường cả trên đất liền và trên biển. Bầu khí quyển và đại dương đã bị biến thành bãi rác thải. Trong khi các chính phủ thì lại đang chi trả nhiều tiền để khai thác hơn là bảo vệ thiên nhiên. Theo số liệu thống kê của người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra tại cuộc họp báo ngày 18/2, xét trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia đang chi khoảng từ 4 – 6 nghìn tỉ USD mỗi năm cho các khoản trợ cấp gây tổn hại đến môi trường.

Dẫn báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, ông Guterres chỉ ra rằng, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng gấp 5 lần trong 5 thập kỷ qua, nhưng đi kèm theo đó là một cái giá phải trả quá đắt đối với môi trường. Sự nóng dần lên của Trái Đất đang tiến dần tới ngưỡng 3 độ C trong thế kỷ này. Trong khi hậu quả lại xảy ra một cách không cân xứng đối với phụ nữ - lực lượng đại diện cho khoảng 80% số người phải rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu. Hơn 1 triệu trong số 8 triệu loài động, thực vật trên hành tinh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Các bệnh do ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6,5 triệu người mỗi năm; nguồn nước bị ô nhiễm trở thành nguyên nhân gây ra cái chết của khoảng 1,8 triệu người khác, chủ yếu là trẻ em. Trong khi đó, số người nghèo và bị đói trên trên thế giới vẫn duy trì ở ngưỡng lần lượt 1,3 tỉ và 700 triệu.

Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định, câu trả lời duy nhất là sự phát triển bền vững giúp nâng cao sức khỏe của cả con người và hành tinh. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng đã nêu rất nhiều giải pháp giúp con người đạt được mục tiêu này. Ví dụ như việc chính phủ các nước có thể đưa vốn tự nhiên vào thước đo hiệu quả kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Họ có thể đưa ra lập trường không ủng hộ mô hình nông nghiệp phá hủy hoặc làm ô nhiễm thiên nhiên; định giá carbon; chuyển trợ cấp tự nhiên liệu hóa thạch sang các giải pháp carbon thấp và thân thiện với thiên nhiên.

“Điểm mấu chốt là chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận và đánh giá về thiên nhiên. Chúng ta phải phản ánh giá trị thực sự của thiên nhiên trong tất cả các chính sách, kế hoạch và hệ thống kinh tế của chúng ta. Với một nhận thức mới, chúng ta có thể hướng đầu tư vào các chính sách và hoạt động bảo vệ, khôi phục thiên nhiên và phần thưởng chúng ta nhận được sẽ vô cùng quý giá… Đã đến lúc chúng ta học cách coi thiên nhiên như một đồng minh giúp chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)” – ông Guterres nói.

Người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen lại cảnh báo rằng chúng ta cần nhìn vào đại dịch toàn cầu Covid-19 để biết rằng hệ thống điều chỉnh của thế giới tự nhiên đã bị phá vỡ. Nhân dịp này, ông Andersen cũng dẫn lại nhận định của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng, nguyên nhân sâu xa của các đại dịch chính là sự tàn phá đối với thế giới tự nhiên, với những đợt bùng phát tồi tệ hơn sẽ có nguy cơ xảy ra trừ khi chúng ta hành động.

tm-img-alt
Các quốc gia cần hành động ngay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong báo cáo Thực trạng khí hậu toàn cầu năm 2020 vừa công bố, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc nêu rõ, năm 2020 đang trở thành một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 tới tháng 10/2020 cao hơn 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900. Cũng trong năm 2020, thế giới ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão, trong khi nhiệt độ nước biển chứng kiến các mức cao kỷ lục. Từ đó, WMO đi đến đánh giá rằng tính từ năm 1850 đến nay, năm 2020 sẽ là năm nóng thứ hai, sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng cho rằng năm 2021 sẽ là cơ hội để con người ngừng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên và thay vào đó phải khởi động tiến trình “hàn gắn” và bảo vệ Trái Đất. Để làm được điều đó, ông Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết đạt mức phát thải bằng 0 và tài trợ cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại dịch Covid-19 dù có dữ tợn đến thế nào thì người ta cũng nghiên cứu được những loại vaccine đủ mạnh để ngăn ngừa, nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu thì thế giới khó có thể tìm ra vaccine hữu hiệu nào. Cũng vì thế, Liên hợp quốc đã tái khẳng định rằng chung sống hòa bình với thiên nhiên tiếp tục là hành động cần được ưu tiên trong thế kỷ 21.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết làm mọi thứ có thể để kiểm soát hiện tượng tăng nhiệt độ trên toàn cầu dưới mức 2 độ C.

Thoả thuận Paris có nhiệm vụ cứu Trái Đất khỏi “cơn say nắng”. Việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ giúp duy trì nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở mức thấp hơn (2 độ C) so với mức tiền Công nghiệp.

Với nhiều quốc gia, Thoả thuận Paris đã trở thành động lực cho việc thông qua các kế hoạch quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng Xanh để duy trì khí hậu thuận lợi trên hành tinh.

Nhật Hạ
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết