Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động mạnh mẽ chấm dứt khủng hoảng sinh học

Trong bối cảnh các hệ sinh thái đang bị phá hủy và suy yếu trên toàn thế giới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước hành động quyết liệt để bảo vệ đa dạng sinh học.

Biến đổi khí hậu do Trái Đất ấm lên đang diễn ra nhanh và ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Đây là thời điểm để mỗi quốc gia hành động nhằm “bảo tồn, bảo vệ thiên nhiên cũng như các dịch vụ thiết yếu của thiên nhiên đối với con người”.

Mới đây, tại một sự kiện cấp cao về đa dạng sinh học năm 2021 do Colombia tổ chức trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nêu rõ: "Đa dạng sinh học đang sụp đổ và chúng ta là những người thua cuộc... Hệ sinh thái đang sụp đổ. Các đại dương đang bị đánh bắt quá mức, bị phá hủy bởi rác thải nhựa và đang bị axit hóa. Mỗi năm, chúng ta phá huỷ 10 triệu ha rừng".

Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động mạnh mẽ chấm dứt khủng hoảng sinh học - Ảnh 1
Chỉ có hành động mạnh mẽ mới có thể chấm dứt tình trạng khủng hoảng sinh học trên toàn thế giới. (Ảnh minh họa)

Khi con người và gia súc tiến sâu vào môi trường sống hoang dã, có nguy cơ gây ra các đại dịch mới kinh hoàng. Bởi hành động này làm giảm tính đa dạng và phong phú của cuộc sống, làm mất đi những sự lựa chọn cho xã hội, từ thuốc men, lương thực tới các giải pháp chủ chốt mà con người cần để giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu. Khi con người làm suy yếu và phá huỷ hệ sinh thái trên thế giới, chúng ta phá huỷ khả năng của hệ sinh thái trong việc hấp thu khí thải và hạn chế mức nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Trước tình hình đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước hành động quyết liệt để bảo vệ đa dạng sinh học. “Loài người đang tiến hành một "cuộc chiến vô nghĩa" chống lại thiên nhiên, do vậy chỉ có hành động mạnh mẽ mới có thể chấm dứt tình trạng khủng hoảng sinh học”.

Theo đó, thế giới cần một cơ cấu khung về đa dạng sinh học sau năm 2020 nhằm truyền cảm hứng hành động trên toàn thế giới với sự tham gia của mọi chính phủ, doanh nghiệp và công dân. Mỗi người phải hành động với sự hiểu biết rằng bảo vệ thiên nhiên sẽ tạo ra một thế giới công bằng hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh sự cần thiết hỗ trợ của các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp để không khai thác quá mức và phá huỷ thế giới tự nhiên. Chính phủ các nước cần phải chuyển các khoản trợ cấp được dùng để phá huỷ đất sạch, làm ô nhiễm nước và đánh bắt cá quá mức sang các khoản trợ cấp thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ thiên nhiên.

Trong bối cảnh đó, các nước cần thiết lập thêm các khu bảo tồn lớn hơn và được quản lý tốt hơn để bảo vệ các loài động, thực vật, để hệ sinh thái vận hành chức năng hoạt động và là nơi tích trữ carbon cho thế hệ hiện nay và mai sau. Các nước cũng cần bảo vệ, trao quyền lãnh đạo cho những người bản địa và các cộng đồng địa phương, nơi mà những vùng đất của họ bao gồm phần lớn đa dạng sinh học còn lại của thế giới.

Trước đó, ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021-2030 là “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái”. Với việc khởi động thập kỷ này, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 là cơ hội để Liên Hợp Quốc huy động những "nỗ lực chưa từng có giúp chữa lành Trái Đất".

Mục tiêu nhằm kêu gọi bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đồng thời, ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật.

“Chúng ta cần trồng lại và bảo vệ rừng. Chúng ta cần phải làm sạch sông và biển, chúng ta cần phủ xanh các thành phố. Mọi người hãy đóng góp trách nhiệm của mình. Hôm nay là sự khởi đầu của một thập kỷ mới - một thập kỷ mà cuối cùng chúng ta đã làm hòa với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”, ông Guterres thông tin.

Thuỳ Linh
Theo Tạp chí KTMT

Xem thêm

Liên kết