Chuyển đổi hạ tầng năng lượng, nâng cấp lưới điện thông minh
Với các cam kết mạnh mẽ của chính phủ tại COP26, Việt Nam đang tích cực hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả, trong đó việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng bao gồm cả việc nâng cấp lưới điện truyền thống trở thành lưới điện thông minh.
Dự án Lưới điện Thông minh cho Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (SGREEE) đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện Lộ trình Lưới điện Thông minh, hướng tới thúc đẩy hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống truyền tải và phân phối điện quốc gia. Với sự tài trợ của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức, dự án đang phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tiết Điện lực nhằm hỗ trợ các chuyên gia ngành năng lượng Việt Nam phát triển một Lưới điện Thông minh, chẳng hạn như việc số hóa và tính linh hoạt của hệ thống cấp điện, cho phép một tỉ trọng lớn các nguồn năng lượng tái tạo được hòa lưới và hỗ trợ tốt hơn hiệu quả năng lượng.
Sau 5 năm thực hiện, Dự án SGREEE đã đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận, tạo nền tảng cho chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26).
Theo các chuyên gia đánh giá, Dự án SGREEE đã đạt được nhiều thành công, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, Nâng cao năng lực và Hợp tác kỹ thuật. Đồng thời, Dự án đã hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chiến lược cho Cục Điều tiết điện lực và các bên liên quan nhằm cải thiện khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực lưới điện thông minh, trong đó bao gồm việc đề xuất cập nhật Lộ trình Lưới điện thông minh, đề xuất sửa đổi Luật điện lực và thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực Nâng cao năng lực, dự án SGREEE đã thành lập website Trung tâm Chia sẻ Kiến thức Việt Nam về lưới điện thông minh và Cộng đồng Lưới điện Thông minh Việt Nam trên Facebook với gần 1.000 thành viên. Dự án đã tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ Lưới điện Thông minh Việt Nam 2019.
Ở lĩnh vực Hợp tác công nghệ, trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia ngành điện đã được học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các giải pháp công nghệ hiện đại đối với hệ thống cung cấp điện thông minh ở tầm quốc tế, chia sẻ các góc nhìn sâu hơn về những lợi ích mà các giải pháp này có thể mang lại cho ngành điện Việt Nam. Trong số các giải pháp, dự án SGREEE đã giới thiệu một cách toàn diện về công nghệ Nhà máy điện ảo (VPP) - công cụ quan trọng để theo dõi, dự báo và kiểm soát từ xa một số lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo phân tán.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trọng Hiếu – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu nên tiềm năng các nguồn NLTT thường tập trung ở một số tỉnh, địa phương. Đáng nói, phụ tải tiêu thụ tại phần lớn địa phương này lại nhỏ, nên gây quá tải hệ thống truyền tải điện. Trong khi đó, việc nghiên cứu, xây dựng và vận hành các thiết bị tích trữ điện năng, xây dựng hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng theo thời gian thực… vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.
Đặc điểm lưới truyền tải là khoảng cách dài, thường đi qua nhiều địa phương giáp ranh, các thủ tục về xin cấp tuyến, bố trí quỹ đất thường bị kéo dài do yêu cầu đồng bộ về quy hoạch và bổ sung, điều chỉnh quy hoạch. Các vướng mắc trong thỏa thuận vị trí, hướng tuyến do quy hoạch chồng chéo của các địa phương; quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều tồn tại nên thời gian lập phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng kéo dài.
Thực tế trong quá trình thực hiện thiếu thống nhất do thiếu đồng bộ giữa Quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch các lĩnh vực hạ tầng khác của địa phương (như Quy hoạch giao thông, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch đô thị). Cụ thể, Quy hoạch điện lực chỉ nêu chi tiết về kỹ thuật, thiếu các thông số triển khai thực địa dẫn tới việc xác định vị trí trạm biến áp, hướng tuyến đường dây gặp nhiều khó khăn, bị chồng lấn quy hoạch, thậm chí một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần, kéo dài chậm hàng năm.
Việc thiếu đồng bộ giữa Quy hoạch điện với Quy hoạch sử dụng đất còn thể hiện ở chỗ danh mục dự án đã được phê duyệt vị trí địa điểm, tuy nhiên lại không được cấp địa phương đưa vào Quy hoạch sử dụng đất, không có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm, do tại thời điểm lập quy hoạch không đầy đủ thông số đầu vào. Nhiều dự án điện khi thực hiện bước phê duyệt thiết kế kỹ thuật phải chờ địa phương làm các thủ tục bổ sung kế hoạch sử dụng đất. Việc này kéo dài dự án chậm từ 6 tháng đến 1 năm.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án điện. Tại hầu hết các dự án, người dân đều không chịu giao ngay mặt bằng, thậm chí mất nhiều năm chưa giải quyết xong một vài điểm móng trụ ĐZ trên cả tuyến hàng trăm km. Có nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tại từng địa phương xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý đất đai, tổ chức, bộ máy triển khai và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chưa đồng bộ, quyết liệt, nhưng có những nguyên nhân khách quan liên quan đến lịch sử về chính sách, thủ tục pháp lý quản lý đất đai và tài sản trên đất qua các thời kỳ để lại.
Rà soát và cập nhật chiến lược phát triển lưới điện thông minh
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng của năng lượng mặt trời và gió lại đang làm quá tải hệ thống lưới điện quốc gia. Cụ thể, vào năm 2020, hơn 100.000 công trình năng lượng mặt trời trên mái nhà được lắp đặt và ít nhất 15 nhà máy năng lượng mặt trời đã được kết nối vào lưới điện. Năm 2021, có ít nhất 84 nhà máy điện gió đi vào hoạt động.
Do công suất điện mặt trời và điện gió đã vượt quá khả năng hòa lưới điện, nên năm 2022, Trung tâm Điều phối Hệ thống điện Quốc gia của Việt Nam đã thông báo tạm dừng phê duyệt mới cho các dự án năng lượng mặt trời và gió. Để đảm bảo đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt mức 50% năng lượng mặt trời và gió vào năm 2045, EVN sẽ phải nâng cấp quy hoạch và đầu tư mở rộng lưới điện.
Giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác ở châu Á, Việt Nam từ trước đến nay không đầu tư vào truyền tải điện. Thay vào đó, các nhà quy hoạch đã ưu tiên tài trợ cho phát điện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh. Theo kế hoạch năm 2021, vốn đầu tư cho truyền tải điện ở Việt Nam bằng khoảng một phần tư so với Quy hoạch phát triển điện tầm nhìn 2045.
Do đó, việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng bao gồm cả việc nâng cấp lưới điện truyền thống trở thành lưới điện thông minh là rất cần thiết. Để đảm bảo thực hiện thành công quá trình chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần rà soát và cập nhật chiến lược phát triển lưới điện thông minh (gọi tắt là lộ trình lưới điện thông minh) sau 10 năm thực hiện chiến lược này.
Để triển khai thực hiện các Chương trình DR, Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định cần phải xây dựng và ban hành đầy đủ và đồng bộ cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích bao gồm cả cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện phù hợp với các giải pháp về tài chính.
“Với mục tiêu giai đoạn 2021-2030 khi khung pháp lý đã dần hoàn thiện sẽ chuyển dần việc thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện từ thông qua hình thức ưu đãi phi thương mại với sự tham gia tự nguyện của khách hàng sử dụng điện sang thực hiện các Chương trình điều chỉnh phụ tải điện thông qua hình thức khuyến khích tài chính trực tiếp và cơ chế giá điện”, đại diện Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh.
Ông Markus Bissel, Giám đốc dự án SGREEE cho biết: “Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam đang đối mặt với vô vàn thách thức trong khi quốc gia phải thực hiện các mục tiêu tăng trưởng các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, các mục tiêu kinh tế - xã hội và giảm phát thải CO2. Trong giai đoạn đầu, quá trình chuyển dịch năng lượng đặt ra cho Việt Nam nhiều vấn đề cốt lõi cần giải quyết.
Vì vậy, dự án SGREEE đã thành công trong việc hỗ trợ Cục Điều tiết Điện lực rà soát các quy định hiện hành nhằm hỗ trợ triển khai lưới điện thông minh. Trong số đó, chúng tôi mong rằng những đề xuất của dự án sẽ thực sự hữu ích đối với việc sửa đổi Lộ trình phát triển Lưới điện thông minh - một tài liệu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam".
Dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) được Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển cộng hòa liên bang Đức (BMZ) ủy quyền cho GIZ thực hiện vào năm 2017 trong khuôn khổ Sáng kiến công nghệ khí hậu Đức. Khi dự án bắt đầu triển khai, Việt Nam chưa cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero.
Nhằm hỗ trợ Việt Nam, dự án SGREEE đã đưa ra khuyến nghị để cải thiện khung pháp lý, đồng thời nâng cao năng lực của các bên liên quan để có thể làm chủ công nghệ mới và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Dự án tập trung vào việc tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện - một bước quan trọng đầu tiên hướng tới quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Lan Anh