Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam: Góp phần hiện thực hóa các cam kết tại COP26

Với việc hình thành Mạng lưới tiết kiệm điện rộng khắp toàn quốc, các hoạt động tiết kiệm điện sẽ được triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu đặt ra của Chính phủ về tiết kiệm điện và phát triển bền vững.
Phát triển năng lượng sạch, giải pháp bền vững cho tương lai ngành điệnĐảm bảo an ninh năng lượng trong thách thức mớiNhu cầu và rào cản về nguồn nhân lực trong chuyển dịch năng lượngBài toán về nhân lực trong chuyển dịch năng lượng bền vữngViệt Nam phát triển năng lượng sạch: Cần những chính sách đột phá

Đầu năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 128/QĐ-BCT để triển khai thực hiện Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2019-2030 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7/5/2020 của Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, Bộ phê duyệt danh mục nhiệm vụ thực hiện năm 2022 thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Bộ giao Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) thuộc Cục Điều tiết điện lực là đơn vị đầu mối thiết lập Mạng lưới Tiết kiệm điện tại Việt Nam.

Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam: Góp phần hiện thực hóa các cam kết tại COP26 - Ảnh 1
Logo chính thức của Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam. (Nguồn: Cục Điều tiết điện lực)

Mạng lưới Tiết kiệm điện được xây dựng với mục tiêu kết nối các tổ chức, cá nhân, các đơn vị điện lực tham gia để phổ biến, tuyên truyền, chia sẻ các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, các kinh nghiệm, giải pháp thực hiện tiết kiệm điện, nâng cao ý thức tiết kiệm điện đến cộng đồng, các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp dịch vụ và các thành phần kinh tế thông qua các hoạt động đào tạo, phổ cập kiến thức, chiến dịch truyền thông và nhiều hoạt động khác thuộc Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030.

Dự kiến, Mạng lưới tiết kiệm điện sẽ bao gồm các thành phần chủ chốt như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực, điện lực các quận, huyện, các đơn vị thành viên tham gia Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các hiệp hội,...

Với việc hình thành Mạng lưới tiết kiệm điện rộng khắp trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động tiết kiệm điện sẽ được triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, qua đó góp phần thực hiện đạt được các mục tiêu đặt ra của Chính phủ về tiết kiệm điện và phát triển bền vững.

Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam: Góp phần hiện thực hóa các cam kết tại COP26 - Ảnh 2
Tiết kiệm điện là một trong các giải pháp bền vững, hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu tại COP26. (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn đầu của Mạng lưới tiết kiệm điện, các hoạt động chính sẽ tập trung vào công tác xây dựng các tài liệu về tiết kiệm điện, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức các nội dung về tiết kiệm điện như: Thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; thực hiện tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; thực hiện tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.

Trong trung và dài hạn, Mạng lưới tiết kiệm điện sẽ xây dựng và triển khai các hoạt động với tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu góp phần hiện thực hóa các tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26). 

Đồng thời, đặt mục tiêu và lợi ích của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Chương trình quản lý nhu cầu điện trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam cũng như nhìn xa hơn cho 30 năm tiếp theo thì có thể đánh giá các Chương trình tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tiết kiệm điện sẽ là một trong các giải pháp bền vững, hiệu quả để góp phần thực hiện được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại COP26 cũng như góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng quốc gia.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về Đề án Quy hoạch điện VIII, tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 146.000MW, cao hơn mức 125.000 – 130.000 MW nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhiên liệu tăng cao, nguồn cung sơ cấp không đảm bảo, để đủ điện cho mùa nắng nóng, không còn cách nào khác là phải tiết kiệm năng lượng. Bởi, làm tốt được điều này sẽ làm giảm áp lực cung ứng điện, tăng được hiệu quả chung của nền kinh tế”, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ nhận định.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống. Đồng thời, đây là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

"Vai trò của các doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm rất quan trọng. Các doanh nghiệp này cần phải tiên phong, gương mẫu trong thực thi các quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như thành lập bộ phận quản lý năng lượng; kiểm toán năng lượng định kỳ; xây dựng và thực hiện các mục tiêu, giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm... để góp phần tích cực trong thực thi chính sách tiết kiệm năng lượng của Chính phủ và là các tấm gương để các doanh nghiệp khác đi theo…", ông Lâm nhấn mạnh. 

Lan Anh