Thực đơn mâm cỗ cúng giao thừa thật ra không cần quá cầu kỳ, chủ yếu thể hiện được sự thành tâm, tấm lòng tôn kính, biết ơn của gia chủ đối với đất, trời, tổ tiên đã phù hộ gia đình suốt một năm vừa qua.
Ở miền Bắc, cúng giao thừa không thể thiếu mâm ngũ quả đại diện cho ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ) và những ước nguyện năm mới tương ứng với từng loại quả. Bên cạnh đó mâm cơm trên ban thờ tổ tiên cũng có bánh chưng truyền thống, các món chay, mặn được chế biến trang nghiêm, xôi gấc, bánh kẹo và chè.
Mâm cỗ cũng giao thừa. (Ảnh minh họa) |
Trên thực tế, tùy theo từng gia đình có thể chuẩn bị những lễ vật cúng Tất niên khác nhau. Dưới đây là một số lễ vật thường có trong lễ cúng giao thừa:
- 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối
- 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò; 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng.
- 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen
- 3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu
- 1 lọ hoa; tập giấy tiền, vàng mã
- gà luộc
- Chả lụa
- Bánh chưng/bánh tét
Cách bày mâm cúng giao thừa ngoài trời
Theo quan niệm của người Việt, mâm cúng giao thừa ngoài trời giống như 1 buổi tiệc tiễn đưa vị quan hành khiển, phán quan năm cũ và nghênh đón thần mới.
- Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời sẽ gồm: Thủ lợn (có thể thay bằng gà trống tơ); Bánh chưng; Đèn nến; Vàng mã; Hoa tươi; Trầu cau; Rượu, trà; Một chiếc mũ chuồn.
Chú ý, nếu cúng bằng gà trống thì cần chọn loại gà trống tơ, mới tập gay, có mỏ vàng, mào cờ và quan trọng là chưa từng đạp mái.
- Nếu là phật tử, có thể cúng mâm lễ chay.
- Đặt lư hương phía trước bàn, bên cạnh là bình hoa, đĩa gạo muối, đèn/nến. Bánh mứt, trái cây, lễ mặn/chay đặt ngay giữa bàn. Bên còn lại là vàng mã, quần áo và mũ nón thần linh.