Bên cạnh các thách thức, nhiều tín hiệu cho thấy 2021 có thể sẽ tạo được bước ngoặt trong cam kết và hành động chống biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới.
Vấn đề môi trường nổi cộm 2021
Ô nhiễm không khí vẫn sẽ là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm của năm 2021. Năm 2020 chất lượng không khí ở một số thành phố lớn đã được cải thiện đáng kể do các hoạt động sản xuất, vận chuyển bị hạn chế bởi dịch Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động sản xuất giao thương quay trở lại bình thường, chất lượng không khí ở một số thành phố lớn sẽ tiếp tục ở mức đáng báo động.
Rác thải nhựa tiếp tục gia tăng: Dịch bệnh Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến rác thải nhựa gia tăng. Dù dịch bệnh được kiểm soát, vắc xin được cung cấp rộng rãi thì thói quen sử dụng các sản phẩm dùng một lần từ COVID-19 vẫn sẽ tiếp tục. Nhu cầu sử dụng đồ bảo hộ bằng nhựa và nilon như mặt nạ chống giọt bắn, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế vẫn tiếp tục gia tăng. Sự phổ biến của các dịch vụ gọi đồ ăn mang về và mua sắm online cũng làm gia tăng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Rạn san hô đang chết dần: Rạn san hô là hệ sinh thái đa dạng nhất của đại dương, được ví như những khu rừng nhiệt đới dưới đáy biển. Dù các rạn san hô chiếm chưa tới 1% diện tích đại dương nhưng là nơi cư trú của 25% sinh vật biển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa sự sống của các rạn san hô.
Từ các loài xâm lấn tàn phá san hô, đến tác động của việc nước nóng lên và các hoạt động đánh bắt có hại đều đang làm chết dần các rạn san hô trên thế giới. Đáng báo động nhất là tình trạng các rạn san hô đang chết dần do thiếu oxy. Do nước ấm giữ được ít oxy hơn nước lạnh, các nhà khoa học lo ngại rằng tình trạng chết dần của oxy sẽ gia tăng cùng với hiện tượng Trái đất nóng lên.
Khủng hoảng khí hậu diễn biến phức tạp: Mùa bão năm 2020 đã ghi nhận rất nhiều kỷ lục, 30 cơn bão được đặt tên (trong đó 13 cơn trở thành bão nhiệt đới với sức tàn phá mạnh mẽ) và một cơn siêu bão cấp 5 (cấp cao nhất trên thang bão Saffir-Simpson) được ghi nhận ở Đại Tây Dương. Ngoài bão, năm 2020 còn chứng kiến nhiều sự kiện khí hậu thảm khốc như cháy rừng ở nhiều bang nước Úc; Động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Iran, Nga, Philippin, Ấn Độ; Lũ lụt nghiêm trọng gây thiệt hại nặng về người và tài sản ở Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đối mặt với. Khủng hoảng khí hậu được dự báo là tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2021.
Những tín hiệu lạc quan
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2021 là năm chủ chốt của chiến lược chống biến đổi khí hậu (BĐKH) với những tín hiệu lạc quan dưới đây:
Hội nghị quan trọng về khí hậu: Tháng 11/2021, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tụ hội tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh. COP26 là hội nghị quan trọng bởi tại đây các nước sẽ đánh giá và điều chỉnh các cam kết giảm thải để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Một trong những mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn ở mức tăng 1,5 độ C. Các nước tham gia cam kết giảm phát thải carbon theo lộ trình và sẽ đánh giá quá trình thực hiện 5 năm một lần.
Nhiều quốc gia cam kết giảm thải sâu: Nhiều quốc gia đã lên kế hoạch giảm thải chi tiến và ngày một tiến gần đến mục tiêu giảm thải cam kết trong Thoả thuận Paris như Morocco, Gambia, Costa Rica, Ấn Độ, Liên minh Châu Âu EU. Đặc biệt là cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 của Trung Quốc - quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, đóng góp tới 28% tổng lượng khí thải toàn cầu. Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng đã thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu giảm thải bằng các chiến lược hành động cụ thể như đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, thắt chặt chính sách phát thải ở các thành phố lớn.
Một số nền kinh tế lớn của thế giới cũng có động thái thể hiện quyết tâm đạt mục tiêu giảm thải. Vương quốc Anh cam kết cắt giảm ít nhất 68% mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030, so với mức phát thải của năm 1990. Anh cũng là nền kinh tế lớn đầu tiên đưa cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2050 vào luật. Nhật Bản cam kết đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050 (trước đó quốc gia này chỉ cam kết cắt giảm 80% lượng khí thải vào năm 2050 so với mức năm 2010).
Năng lượng tái tạo ngày càng rẻ: Phát triển năng lượng tái tạo thành công là một trong những lý do khiến nhiều quốc gia điều chỉnh mục tiêu giảm thải lên mức kỳ vọng hơn. Bởi có năng lượng tái tạo họ có thể loại bỏ than - nguồn phát thải carbon lớn nhất - khỏi các ngành công nghiệp. Theo đánh giá của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), điện mặt trời đang là nguồn điện rẻ nhất trong lịch sử.
Xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo ngày nay cũng rẻ hơn các nhà máy năng lượng hoá thạch. Vì vậy, xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến. Theo dự báo của các chuyên gia, các quốc gia sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển các loại năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, pin. Sản xuất càng nhiều, giá thành càng rẻ, năng lượng tái tạo sẽ dần thay thế các nhà máy điện than và khí đốt hiện có.
Kinh tế xanh được đẩy mạnh: Áp lực ngày càng tăng của công chúng về biến đổi khí hậu khiến các doanh nghiệp phải thay đổi thái độ kinh doanh và phương thức hoạt động. Doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, từ xử lý chất thải đến sử dụng năng lượng sạch. Để đạt được mục tiêu giảm thải mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, nhiều quốc gia đã trú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2021 sẽ chứng kiến sự tăng tốc trong quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế xanh khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden nhậm chức. Chống biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực ưu tiên của Joe Biden. Ông đang hướng tới việc tham gia lại Thỏa thuận khí hậu Paris và tham gia cùng Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các quốc gia khác để xanh hóa nền kinh tế sau Covid-19.