1. Đại dịch Covid-19 và nỗi lo rác thải nhựa
Đại dịch Covid-19 bùng phát không chỉ thách thức với ngành y tế, dịch Covid-19 cũng khiến những sản phẩm làm từ nhựa tăng vọt gây sức ép lên môi trường, đã làm thay đổi rất lớn hành vi tiêu dùng của người dân. Các nghị định cách ly xã hội đã làm bùng nổ thói quen mua sắm online. Theo một khảo sát, trong giai đoạn dịch bệnh, có đến 75% người dân ở TP.HCM và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi nở rộ đã khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể.
Hơn nữa, đại dịch cũng kéo theo sự tăng lên chóng mặt của rác thải y tế. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, số lượng vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ được sử dụng tăng vọt, do đó lượng chất thải nhựa ra môi trường ngày càng gia tăng. Điều này tạo nên một áp lực không hề nhỏ đối với môi trường.
Đại dịch Covid-19 đã làm cho nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa của Việt Nam và thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
2. Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam
Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thay thế Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ 30/6/2019. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020.
Theo đó, giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 7,09 UScent/kWh (tương đương 1.644 VNĐ/kWh). Giá mua điện mặt trời nổi là 7,69 UScent/kWh (tương đương 1.783 VNĐ), điện mặt trời mái nhà là 8,38 UScent/kWh (tương đương 1.943 VNĐ).
Đối với các dự án điện mặt trời nối lưới, các dự án có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án, hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết 31/12/2020 thì dự án, hoặc một phần dự án được áp dụng biểu giá mới theo Quyết định này.
Riêng với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW là 2.086 đồng, tương đương 9,35 UScent/kWh.
3. Thủ tướng phát động trồng 1 tỉ cây xanh
Phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 10/11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận là nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt.
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Góp phần thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, ngày 2/1/2021, Bến Tre là địa phương đầu tiên phát động Đề án trồng 10 triệu cây xanh.
4. Dừng nhập khẩu động vật hoang dã
Trước tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã.
Trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật; Bộ phận của động vật hoang dã đã được chế biến, xử lý làm dược liệu, làm nguyên liệu phục vụ sản xuất hoặc sản phẩm hoàn chỉnh. Mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái với Chỉ thị này phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với động vật hoang dã bất hợp pháp.
5. Lũ chồng lũ ở miền Trung
Năm 2020, miền Trung đã trải những đợt lũ chồng lũ lịch sử. Đặc biệt, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại miền Trung với cường độ rất mạnh, trên phạm vi rộng đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân.
Trong gần 2 tháng, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, cơn bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua. Bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.
Cao điểm là vào ngày 12/10 và ngày 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) phải chịu cảnh ngập lụt. Trong đó, Quảng Bình bị ngập gần như toàn tỉnh, đặc biệt lũ trên sông Kiến Giang đã vượt lũ lịch sử ở mức 0,95 m và kéo dài 3 ngày, gây ngập lụt rất sâu tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, có nơi ngập trên 5 m.
Do mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày kết hợp với địa hình đồi, núi dốc đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi. Các vụ sạt lở đất tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.
6. Hạn mặn lịch sử ở ĐBSCL
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kéo dài từ cuối năm 2019 sang năm 2020 và mức độ vượt lịch sử 2016.
Lưu lượng nước về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015 - 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Xâm nhập mặn cũng vào sâu hơn TBNN và sâu hơn từ 3-7 km so với cùng kỳ năm 2016.
Trước tình trạng trên, các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang và Cà Mau phải công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tới 10/13 tỉnh trong vùng, gây thiệt hại khoảng 41.900 ha lúa đông xuân 2019 - 2020 ở các tỉnh ĐBSCL, trong đó mất trắng là 26.000 ha. Đối với cây ăn trái, có đến 6.650 ha bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn; trong đó mất trắng khoảng 355 ha. Hàng nghìn ha rau màu và hơn 8.715 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Mực nước trên các kênh trục xuống thấp trong mùa khô 2019-2020 còn dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún nhiều nơi ở ĐBSCL.
7. Hà Nội “khai tử” bếp than tổ ong
Bếp than tổ ong là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệụ trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, Sở TN&MT, Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.
Theo báo cáo của Sở TN&MT về việc triển khai Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND TP.Hà Nội, tính đến quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017).
Nhiều quận đã xóa bỏ được 100% than tổ ong như: Quận Hoàn Kiếm, huyện Thạch Thất, huyệt Sóc Sơn. Các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên… cũng đã giảm nhanh số lượng bếp.
8. Thành lập vườn quốc gia Sông Thanh
Ngày 23/12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Dự án Trường Sơn Xanh/USAID Green Annamites tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Vườn quốc gia Sông Thanh. Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh được chuyển thành Vườn quốc gia Sông Thanh theo Quyết định số 3689/QĐ-UBND, ngày 18/12 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Vườn quốc gia Sông Thanh có vị trí đặc biệt nằm giữa điểm kết thúc của dãy Trường Sơn Bắc, là nơi bắt đầu của dãy Trường Sơn Nam. Vườn nằm trên vùng núi thấp và trung bình, địa hình chia cắt phức tạp, có độ dốc lớn, tạo nên lưu vực đầu nguồn của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn do 2 nhánh sông Bung và sông Cái hợp thành, chảy theo hướng Tây - Đông đổ ra biển tại Cửa Đại (TP.Hội An).
Vườn quốc gia Sông Thanh có vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam và toàn cầu bởi các đặc điểm mà hiếm khu vườn nào khác có được. Cụ thể, Vườn nằm hoàn toàn trong một khu rừng đặc dụng lớn, có vai trò kết nối sinh cảnh với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (tỉnh Quảng Nam), Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum), Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi - Quảng Nam... tạo ra một trong những vùng có diện tích rừng tự nhiên liên tục lớn, lên đến 500.000 ha ở khu vực miền Trung và cả nước...
9. Phát hiện quần thể gần 40 cây thanh mai cổ thụ trong rừng Si Ma Cai
Các nhà khoa học lâm nghiệp đã phát hiện quần thể gần 40 cây thanh mai cổ thụ phân bố trên diện tích rừng tự nhiên tại xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Đoàn khảo sát với PGS.TS Trần Ngọc Hải - Phó trưởng khoa Quản lý tài nguyên rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp và đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai đã tiến hành đợt nghiên cứu loài cây bản địa tại huyện vùng cao Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Qua quá trình khảo sát tại thôn Ngải Phóng Chồ đã phát hiện quần thể gần 40 cây thanh mai, phân bố tự nhiên trên diện tích rừng khoảng 3 ha.
Thanh mai là cây gỗ nhỏ, chiều cao thường đạt 9 - 10 m, có tán rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra hoa kết quả nên năng suất quả khá cao; Phân bố tự nhiên ở một số tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Vì vậy cây thanh mai đạt yêu cầu cả về cây phòng hộ kết hợp với hiệu quả kinh tế. Để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với phát triển rừng bền vững, cần tuyển chọn cây trội của loài thanh mai mọc trong rừng tự nhiên như ở vùng cao Si Ma Cai, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng rừng cũng như thu hái, sơ chế, bảo quản và chế biến quả thanh mai cho khai thác và phát triển bền vững loài cây quý này.
10. Nhà khoa học nữ ngành tài nguyên và môi trường được quốc tế vinh danh
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân, công tác tại Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được xếp hạng thứ 23/100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020 do Tạp chí Asian Scientist bình chọn với nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu, xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững.
PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân cũng là một trong 10 nhà khoa học của nước ta được Asian Scientist bình chọn đến thời điểm hiện nay.