Một nhà máy nhiệt điện than ở Glenrock, bang Wyoming, Mỹ hồi tháng 7/2018. (Ảnh: J David Ake/AP) |
Chuyển đổi từ than đá sang khí đốt
Theo thống kê, hơn 26.000 sinh mạng đã được cứu khỏi ô nhiễm từ hoạt động đốt than ở Mỹ chỉ trong vòng một thập kỷ do sự chuyển đổi từ than đá sang khí đốt để sản xuất điện.
Nghiên cứu cho thấy việc ngừng hoạt động của các nhà máy than trên toàn nước Mỹ đã làm giảm lượng chất độc hại gây ô nhiễm cho cộng đồng lân cận, giảm tỉ lệ tử vong do các vấn đề liên quan đến sức khỏe như bệnh tim và hô hấp.
Theo ước tính của nghiên cứu tại Đại học California, Mỹ được công bố trên tạp chí Nature Sustainability (Sự bền vững của tự nhiên), 26.610 sinh mạng đã được cứu sau khi ngừng sử dụng than từ năm 2005 - 2016.
Ngành than đã gặp khó khăn trong những năm gần đây, với 334 nhà máy phải đóng cửa trong khoảng thời gian nghiên cứu. Một lượng lớn khí đốt tự nhiên đã thay thế than đá, với 612 nhà máy khí đốt được mở ra trong thời gian này.
Kết quả là, các nhà máy đã không thải ra hơn 300 triệu tấn khí CO2, trong khi tỉ lệ khí NO2 và SO2 thải ra từ các nhà máy than giảm lần lượt là 60% và 80%.
“Khi đóng cửa các nhà máy than, tỉ lệ tử vong cũng sẽ giảm. Chi phí cho việc sử dụng than không chỉ giới hạn trong giá trị kinh tế. Chúng tôi phải suy nghĩ cẩn trọng về vị trí đặt các nhà máy, cũng như làm thế nào để giảm ô nhiễm từ những nhà máy này”, Jennifer Burney thuộc Đại học California, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Mặc dù sự thay thế than đá được các chuyên gia đánh giá là điều bắt buộc để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và những tác động tồi tệ của khủng hoảng khí hậu nhưng sự nóng lên toàn cầu đã gia tăng cục bộ ngắn hạn khi các nhà máy than ngừng hoạt động bởi vì các nhà máy này thải ra bụi mịn làm tán xạ ánh sáng mặt trời.
Theo nghiên cứu của Burney, khí tự nhiên thay thế than đá “không hoàn toàn tốt”. Khí cũng giống như than đá, nó là nhiên liệu hóa thạch và việc sản xuất nó liên quan đến việc giải phóng một lượng lớn khí CH4 - một loại khí nhà kính mạnh.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng cả than và khí đốt sẽ cần phải được thay thế bằng các giải pháp khác như sử dụng năng lượng mặt trời và gió, hoặc ít nhất là triển khai công nghệ thu giữ khí thải để thế giới tránh được tình trạng nóng lên toàn cầu.
“Ô nhiễm bụi than làm giết chết hàng ngàn người Mỹ hàng năm và hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới. Việc giảm tiêu chuẩn về khí thải không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, nó còn gây chết người, đặc biệt là những người nghèo có khả năng sống gần các nhà máy nhiệt điện than”, Rob Jackson, chuyên gia về khí hậu và môi trường tại Đại học Stanford, Mỹ nhấn mạnh.
Thomas Burke, cựu quan chức của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) – chịu trách nhiệm về không khí sạch đánh giá nghiên cứu của Burney “cung cấp một cái nhìn mới về tác động của than đá đối với sức khỏe, nông nghiệp và khí hậu của chúng ta”.