Các nguồn năng lượng tái tạo tồn tại khắp nơi trên nhiều vùng địa lý, ngược lại với các nguồn năng lượng khác chỉ tồn tại ở một số quốc gia. Việc đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo nhanh và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và có lợi ích về kinh tế.
Với chủ đề Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: “Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế”, Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam do Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) với cơ quan điều phối là Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội sáng 17/9.
Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện quốc gia. Ảnh minh họa. |
Ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Ban Tuyên Giáo Trung Ương) cho biết: “Năng lượng tái tạo là tương lai của hệ thống điện. Điều quan trọng của chúng ta bây giờ là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo để việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế”.
Việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến hết tháng 8/2019, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã thanh toán cho 2.948 khách hàng có sản lượng điện dư bán lại cho ngành Điện, với tổng số tiền 17,15 tỉ đồng, tương đương hơn 7,6 triệu kWh.
Lũy kế đến ngày 30/8/2019, tổng công suất điện mặt trời áp mái của khách hàng tại các tỉnh thành cho EVNSPC quản lý là 21.272 kWp (đạt 127% so với kế hoạch EVN giao) với tổng số 5.982 khách hàng được lắp đặt công tơ 2 chiều.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân (Bộ Công Thương) chia sẻ: Với Việt Nam, đến 2025, tổng công suất hệ thống điện khoảng gần 100.000MW, thì năng lượng tái tạo cần khoảng 15.000 là vừa. Tuy nhiên, sự phát triển hệ thống lưu trữ điện gió, điện mặt trời còn đắt, còn nhiều vấn đề. Do đó, hy vọng hiện nay tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trên thế giới cũng như ngân hàng lớn đang tập trung đầu tư, nghiên cứu sáng tạo ra hệ thống lưu trữ mới, đảm bảo môi trường.
Hy vọng khi hệ thống lưu trữ điện phát triển, thương mại hoá, giá hành hợp lý… thì năng lượng tái tạo có tương lai tươi sáng hơn.
Có khoảng 16% lượng tiêu thụ điện toàn cầu từ các nguồn năng lượng tái tạo, với 10% trong tất cả năng lượng từ sinh khối truyền thống, chủ yếu được dùng để cung cấp nhiệt và 3,4% từ thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo mới (small hydro, sinh khối hiện đại, gió, mặt trời, địa nhiệt, và nhiên liệu sinh học) chiếm thêm 3% và đang phát triển nhanh chóng. Ở cấp quốc gia, có ít nhất 30 quốc gia trên thế giới đã sử dụng năng lượng tái tạo và cung cấp hơn 20% nhu cầu năng lượng của họ. Các thị trường năng lượng tái tạo cấp quốc gia được dự đoán tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới và sau đó nữa. |