Ngăn chặn tình trạng buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã (ĐVHD), được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ĐVHD vẫn diễn biến phức tạp.
Con tê giác đen già nhất thế giới vừa qua đời ở TanzaniaGoogle sử dụng trí tuệ nhân tạo quản lý động vật hoang dãTội phạm mua bán động vật hoang dã tăng lên từng giờ
ngan chan tinh trang buon ban tang tru dong vat hoang da
Tiêu hủy tang vật ngà voi. Ảnh: Trung tâm Giáo dục thiên nhiên

Nhiều vụ việc vi phạm

Sau một năm thực hiện Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung và việc quản lý, bảo vệ ĐVHD nói riêng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các lực lượng chức năng cả nước đã triệt phá, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hoạt động vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ĐVHD. Trong đó, đưa ra xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để hoạt động phạm pháp, nhằm cung cấp ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD cho các đường dây tiêu thụ trong nước và trung chuyển ra nước ngoài. Trong đó, nhiều vụ việc khá nghiêm trọng cả về tính chất, mức độ vi phạm của các đối tượng. Đáng chú ý là các vụ việc liên quan vận chuyển, buôn bán ngà voi, sừng tê giác có số lượng lớn xảy ra tại địa bàn các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng…

Trong năm 2019, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đẩy mạnh công tác điều tra, khám phá các vụ án, kịp thời đưa các đối tượng vi phạm pháp luật về ĐVHD ra xét xử. Ngày 7/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án tàng trữ ngà voi trái phép và tuyên án 10 năm, sáu tháng tù giam đối với hai đối tượng. Số ngà voi tang vật đã được tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật. Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm, đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi từ châu Phi về Việt Nam cũng đã bị tuyên phạt 16 tháng tù giam. Ngày 26/2, một đối tượng khác ở Hà Nội bị tuyên án hai năm tù giam. Đối tượng này bị các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ khi đang vận chuyển một cá thể tê tê bằng xe khách vào tháng 10/2018. Ngày 31/1, Tòa án nhân dân TP Nam Định, tỉnh Nam Định đã tuyên phạt 11 năm, sáu tháng tù giam đối với một đối tượng vận chuyển trái phép 10 cá thể rái cá vuốt bé. Ngày 7/6, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xét xử và tuyên án một chủ bè và một ngư dân trên địa bàn tổng cộng 10 năm, ba tháng tù giam do hành vi nuôi nhốt trái phép 12 cá thể vích với tổng khối lượng 165,5 kg. Cơ quan chức năng đã phát hiện các cá thể vích trên một nhà bè vào tháng 9/2018.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các hệ sinh thái của Việt Nam là nơi trú ngụ của 322 loài thú, 397 loài bò sát, 181 lưỡng cư, hơn 950 loài chim, 120 nghìn loài côn trùng. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm đã đạt nhiều kết quả tích cực. Số vụ vi phạm về ĐVHD đã giảm qua các năm. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc bắt giữ và xử lý 560 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Trong đó, lập hồ sơ xử lý hình sự hơn 40 vụ, tịch thu 945 cá thể và 15.760 kg động vật rừng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,2 tỉ đồng.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, Bộ luật Hình sự đã có nhiều quy định cụ thể để xử lý loại tội phạm về ĐVHD, tuy nhiên, hệ thống pháp luật nói chung và biện pháp xử lý, xử phạt các vi phạm về ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm chưa thật sự đồng bộ, nhiều văn bản còn mâu thuẫn, việc áp dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là đối với đồng bào sống trong khu vực có rừng về ý nghĩa và trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên và ĐVHD; tuyên truyền từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm ĐVHD; nâng cao nhận thức người dân trong việc tố giác tội phạm và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.

Theo bà Bùi Thị Hà, quản lý Chương trình chính sách và pháp luật của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã quy định mức án nghiêm khắc đối với tội phạm về ĐVHD. Trong giai đoạn 2018-2019 kể từ khi Bộ luật có hiệu lực, 43 trên tổng số 68 đối tượng phạm tội về lĩnh vực này đã phải nhận án phạt từ 5 năm tù trở lên. ENV sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy cơ quan tư pháp áp dụng triệt để các hình phạt này để xử lý tội phạm về ĐVHD. Về công tác hợp tác tư pháp quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho rằng, để ngăn chặn triệt để tội phạm trong lĩnh vực ĐVHD đòi hỏi có sự hợp tác đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật của nước xuất xứ, trung chuyển, tiêu thụ cuối cùng trong chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, điều tra chung và nâng cao nhận thức giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.

Trong chính sách quản lý, Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý quy định về hoạt động của các vườn thú và khu du lịch sinh thái tư nhân. Chính quyền các địa phương cần đưa ra những biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi ĐVHD phi thương mại nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu ĐVHD từ tự nhiên và buôn bán trái phép các loài nguy cấp tại những cơ sở này. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần nghiêm cấm các cơ sở phi thương mại buôn bán ĐVHD dưới bất kỳ hình thức nào, trừ việc trao đổi ĐVHD giữa các cơ sở được cấp phép như trao đổi giữa các vườn thú. Các vườn thú và các cơ sở phi thương mại được cấp phép phải bảo đảm ĐVHD tại cơ sở có nguồn gốc hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Các cơ sở được cấp phép vi phạm một trong hai yêu cầu trên sẽ bị tước giấy phép, đóng cửa hoạt động và chịu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Đồng thời, nên quy định chủ sở hữu các cơ sở phải chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở của mình đáp ứng các yêu cầu của một cơ sở bảo tồn. Trước khi cơ sở được cấp giấy phép, chủ sở hữu phải đưa ra một kế hoạch cụ thể về phương thức hoạt động cũng như kế hoạch đóng góp của cơ sở cho công tác bảo tồn ĐVHD.

Theo Dũng Minh/Báo Nhân Dân