Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về diễn biến tỉ giá tăng 'nóng'

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Từ đầu tuần trước, tỉ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt.
Sáu ngân hàng trung ương tăng cường thanh khoản đồng USDHạ lãi suất điều hành sẽ không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp do có 'độ trễ'Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất nhằm ứng phó suy thoái kinh tế
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

Xung quanh diễn biến tỉ giá có chiều hướng tăng trong vài ngày qua, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những phản hồi cụ thể về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về diễn biến tỉ giá thời gian qua?

Ông Phạm Thanh Hà: Từ đầu năm 2020 cho đến trước Tết nguyên đán, trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào và thị trường quốc tế thuận lợi, tỉ giá thị trường khá ổn định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ tăng Dự trữ ngoại hối.

Sau Tết Nguyên đán, mặc dù thị trường ngoại tệ chịu áp lực nhất định từ các diễn biến liên quan đến dịch Covid-19 nhưng tỉ giá biến động không quá lớn, một số ngày tỉ giá giảm về sát tỉ giá mua của Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng tiếp tục bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, từ đầu tuần trước, tỉ giá có xu hướng tăng khi biến động trên thị trường tài chính thế giới ngày càng mạnh. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Ông có thể nói rõ hơn nguyên nhân của việc tỉ giá tăng trong thời gian vừa qua?

Ông Phạm Thanh Hà: Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng mất giá. Mặc dù Ngân hàng trung ương các nước đã liên tục có các động thái chính sách để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng các chính sách này cần có độ trễ trước khi tác động hiệu quả tới thị trường.

Cùng với xu hướng đó, tỉ giá giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ cũng tăng trong thời gian qua khi biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước. Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn.

Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 1,82 tỉ USD trong 2 tháng đầu năm 2020 và tiếp tục thặng dư 880 triệu USD trong tháng 3/2020. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ.

Xin ông cho biết định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới?

Ông Phạm Thanh Hà: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, dự phòng các kịch bản có thể xảy ra, điều hành tỉ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ.

Trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết. Với tiềm lực ngoại tệ sẵn có như vậy, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỉ giá bán can thiệp thấp hơn tỉ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Xin cảm ơn ông!

Nhật My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết