Hạ lãi suất điều hành sẽ không hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp do có 'độ trễ'

Các chuyên gia nhận định, khi thị trường đang chịu nhiều cú sốc ngắn hạn sẽ cần tới “cú đỡ” của thanh khoản và do đó hạ lãi suất điều hành sẽ không hỗ trợ nhiều cho người dân cũng như các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất nhằm ứng phó suy thoái kinh tếCác tập đoàn lớn kiến nghị Thủ tướng giải pháp vượt qua dịch Covid-19Thêm 15 ngân hàng tham gia chương trình miễn/giảm phí của NAPAS
Việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Lý giải về động thái giảm đồng loạt các lãi suất chủ chốt từ 0,5-1%, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Loạt quyết định đưa ra “để ngăn chặn nguy cơ suy thoái khi nhiều Chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành”. Ngân hàng Nhà nước đã hành động ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh lãi suất điều hành về 0-0,25%/năm ngày 15/3 và bơm ngày 700 tỉ USD nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường tài chính. Khoảng 500 tỉ USD đang được Fed xem xét bơm ra "giải cứu" thị trường.

Trước quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Công ty chứng khoán SSI cho rằng, các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư mà có tác dụng kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại. Làn sóng nới lỏng toàn cầu được kích hoạt mạnh trong thời gian gần đây với 20 nền kinh tế giảm lãi suất điều hành từ 25-100% từ đầu tháng 3 đến nay, chủ yếu ở các "tâm dịch" corona như Anh, Canada, Úc, Hồng Kông. Sau nhiều đợt giảm lãi suất từ giữa năm 2019 đến nay, vùng lãi suất điều hành của nhiều nước đã rất thấp, như Mỹ 0-0,25%; Anh 0,25%; EU 0%; Úc 0,25%; Canada 1,25%... Hay Nhật duy trì mức lãi suất -0,1% trong một thời gian dài.

Chia sẻ với báo chí, TS. Cấn Văn Lực cho rằng việc NHNN dùng công cụ hạ lãi suất trong thời gian tới sẽ không hỗ trợ nhiều, do trong bối cảnh chịu cú sốc ngắn hạn như hiện nay, cái mà người dân và doanh nghiệp đang cần chính là dòng tiền, thanh khoản hỗ trợ tức thì, trong khi việc giảm lãi suất có độ trễ.

Trong khi đó, áp lực lạm phát đang khá lớn khi chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 7 năm (cách xa mục tiêu 4%) trong khi lạm phát cơ bản tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019 (cách khá xa mức điều hành thông thường khoảng 2-2,5%).

Theo đó, các cơ quan quản lý của Việt Nam nên khẩn trương thực hiện các nhóm giải pháp tại Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nhóm giải pháp giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp (như miễn giảm phí/thuế, giãn-hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công…).

Ngoài ra, việc giảm lãi suất hiện nay cũng sẽ không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay mới khi mà khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Thống kê cho thấy, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 0,1%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước là 0,85%.

Nhật My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết