Khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Biến đổi khí hậu đang nổi lên như là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới trong tương lai, mà nguyên nhân do hiệu ứng nhà kính từ khí thải trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí đốt tự nhiên gây ra. Chính vì thế, từ năm 2009, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã lấy ngày 22/4 hàng năm là Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, phổ biến với tên gọi Ngày Trái Đất, nhằm nâng cao nhận thức và giá trị về môi trường tự nhiên của hành tinh xanh.
Ngày Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 22/4/1970 tại Mỹ. Hiện tại, Ngày Trái Đất được tổ chức hằng năm ở hơn 190 quốc gia. Bên cạnh Ngày Trái Đất còn có Giờ Trái Đất và Tuần Trái Đất.
Hiện nay, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 80% năng lượng sơ cấp toàn cầu, trong khi các công ty công nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để nâng cao sản lượng khai thác. Tuy nhiên, quá trình khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang làm nảy sinh nhiều vấn đề.
Trước hết, với tốc độ khai thác và tiêu thụ nhanh của con người như hiện nay, nguồn nhiên liệu này đang ngày càng trở nên cạn kiệt bởi nó không tái tạo được. Theo ước tính, trữ lượng dầu mỏ của thế giới chỉ còn đủ dùng cho 53 năm nữa, lượng khí thiên nhiên thì còn khoảng 55 năm và than đá là 113 năm. Tại Việt Nam, nếu giữ nguyên tốc độ khai thác nguồn nhiên liệu này như hiện nay, sản lượng dầu mỏ chỉ còn khoảng 34 năm, khí thiên nhiên còn 63 năm và than đá là khoảng 4 năm.
Chính vì thế, thế giới từng nhiều lần phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng năng lượng. Theo thống kê, trong hơn 40 năm qua, đã có 9 cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế thế giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu và khí đốt lại tăng cao, kéo theo chỉ số lạm phát và xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, khiến triển vọng của thế giới thoát khỏi suy thoái kinh tế thêm mờ mịt.
Bên cạnh đó, nhiên liệu hóa thạch chiếm tới 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra năng lượng lại gây hại đối với môi trường Trái Đất.
Cụ thể, việc đốt các nhiên liệu hóa thạch làm tiêu tốn một lượng oxy không nhỏ để duy trì sự cháy, đồng thời tạo ra khoảng 21,3 tỉ tấn CO2 mỗi năm và làm tăng thêm 10,65 tỷ tấn CO2 trong khí quyển. CO2 cùng với các khí độc hại khác như SO2, NO2… có thể tạo thành mưa acid, gây ảnh hưởng xấu đến tự nhiên, sức khỏe con người và hủy hoại môi trường. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch còn tạo ra một lượng lớn xỉ và tro bay, khiến không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn, gây ra nhiều loại bệnh cho con người, đặc biệt là các bệnh về tim mạch và đường hô hấp.
Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường nước, nhất là giai đoạn khai thác dầu ở môi trường biển. Dầu thô được vận chuyển bằng các tàu chở dầu và có nhiều trường hợp rò rỉ dầu biển hoặc chìm tàu đã gây nên hiện tượng tràn dầu.
Tiết kiệm năng lượng với mục tiêu kép
Theo TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia về năng lượng, trong thế kỷ XX và thập niên đầu của thế kỷ XXI, điện năng (chủ yếu được tạo ra từ các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu thô, khí đốt và thủy điện) đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng và sản xuất. Nhưng đến năm 2030, Việt Nam sẽ không còn tiềm năng thủy điện lớn vì đã khai thác hết.
Trữ lượng than đá cũng đang cạn dần. Năm 2015, khả năng khai thác than đá đáp ứng từ 96% - 100% nhu cầu sử dụng. Năm 2020, khả năng khai thác chỉ đáp ứng được 60% và đến năm 2035, tỉ lệ này chỉ còn 34%.
Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Chính vì vậy, Việt Nam và các nước trên thế giới đang hướng tới việc tiết kiệm triệt để nhiên liệu hóa thạch và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.
Mặt khác, Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng, dầu và sự biến đổi của thị trường thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nội địa. Trong năm 2021, lượng xăng, dầu nhập khẩu của Việt Nam ở mức 6,96 triệu tấn, trị giá 4,14 tỷ USD, giảm 15,5% về lượng và tăng 24,6% về trị giá so với năm 2020. Giá xăng, dầu tăng kỷ lục trong năm qua là nguyên nhân chính dẫn đến chi ngoại tệ để nhập nhóm hàng vọt lên trên 4 tỷ USD.
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng 15 lần và chất thải carbon phát ra do tiêu dùng năng lượng sẽ tăng 26 lần so với năm 2000. Bởi vậy, nếu không kịp thời có những chính sách phát triển năng lượng bền vững thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem là giải pháp phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí và ngân sách. Đây là mục tiêu kép mà Việt Nam đang phấn đấu.
Theo định hướng này, Quốc hội khóa XII đã ban hành văn bản luật số 50/2010/QH12 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và luật này đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2011. Tháng 3/2019, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đặt mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019-2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Theo đó, việc tiết kiệm năng lượng được chia thành hai loại hình cơ bản. Tiết kiệm năng lượng chủ động là việc thông qua sự đo lường, giám sát và kiểm soát mức độ sử dụng năng lượng để thực hiện những thay đổi thường xuyên mang tính chủ động để tiết kiệm năng lượng. Loại hình này thường được sử dụng ở những khu vực quy mô lớn như các nhà máy, công xưởng. Việc tiết kiệm năng lượng sẽ giúp đơn vị giảm tải các chi phí.
Tiết kiệm năng lượng thụ động là việc triển khai các biện pháp tiết kiệm như sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt điện khi không sử dụng. Việc tiết kiệm năng lượng thụ động được sử dụng chủ yếu ở các hộ gia đình, khi con người có ý thức cần tiết kiệm điện cũng như tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.
Nỗ lực thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0”
Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả sẽ góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo tương lai xanh, vì sự phát triển bền vững của Trái Đất. Việt Nam đang nỗ lực để hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) - cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thực hiện các cam kết tại COP26 còn là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Trước mắt, tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm: Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính trong các ngành, lĩnh vực; giảm phát thải khí metan, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và xử lý chất thải; khuyến khích nghiên cứu, phát triển và sử dụng ô tô điện; quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng mới để hấp thụ, lưu giữ carbon; nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Do đó, việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ, là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược; việc triển khai thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp.
Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Phó Trưởng ban; thành viên là các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Tiếp đó, ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính Trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Tiết kiệm năng lượng có những lợi ích rất to lớn như bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường, giảm rác thải, hiệu ứng nhà kính; giúp cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển bền vững.
Lan Anh