Nghề mới từ miếng bánh béo bở 2% quỹ bảo trì?

Ban Quản trị chung cư

được giao nhiệm vụ quản lý quỹ bảo trì với số tiền lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng… khiến cho nghề này trở nên hấp dẫn.

nghe moi tu mieng banh beo bo 2 quy bao tri

Các cuộc tranh chấp quản lý quỹ bảo trì xảy ra liên tục tại nhiều khu chung cư

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, người mua căn hộ chung cư phải nộp khoản kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế GTGT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập Ban quản trị (BQT) nhà chung cư.

Những người trong BQT sẽ đại diện cho cư dân trong việc quản lý, điều hành các hoạt động chung của tòa nhà như thuê dịch vụ bảo vệ, mua sắm, sửa chữa, cho thuê các không gian sinh hoạt chung… Họ có lương, dù khá thấp, được trích từ những khoản đóng góp chung hoặc từ quỹ bảo trì tòa nhà.

Đã có thời kỳ, BQT nhà chung cư/tập thể được mặc định là nơi sinh hoạt của những người hưu trí, người rảnh rỗi, chấp nhận niềm vui “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Thế nhưng, với sự bùng nổ của các khu chung cư quy mô lớn, BQT trở nên quyền lực hơn khi có quyền đại diện nắm giữ, sử dụng số tiền khổng lồ từ quỹ bảo trì. Ở những khu chung cư có cả nghìn căn hộ, tổng quỹ bảo trì có thể lên tới vài chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, Quỹ bảo trì chung cư có giá trị rất lớn, nhẩm tính khu nhà trên 20 tầng, quỹ bảo trì đã có giá trị khoảng 20 tỷ đồng trở lên. Hay quỹ bảo trì chung cư Keangnam lên đến khoảng 160 tỷ đồng. Đây thực là miếng bánh béo bở thu hút một số phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào BQT chung cư để trục lợi quỹ bảo trì.

Một vị chủ đầu tư tại TP.HCM từng thẳng thắn nói: Nhiều người hiện xem việc làm trong BQT chung cư là một nghề, thậm chí là một công việc hết sức béo bở, có rất nhiều quyền lợi.

Thực tế, việc giành được một vị trí trong bộ máy nhân sự của BQT đã khiến nhiều người không ngại chấp nhận hao công, tốn sức. Thực tế, nhiều năm qua đã xảy ra các cuộc tranh chấp quản lý 2% quỹ bảo trì giữa cư dân với chính BQT. Nguyên nhân là do cách làm việc thiếu hiệu quả, thiếu năng lực và không minh bạch của các thành viên BQT…

Đơn cử, chung cư HUD3 Tower (121 – 123 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội) đã diễn ra cuộc họp nhằm “đấu tố” ông trưởng BQT đã có những dấu hiệu nhập nhèm trong chi tiêu quỹ bảo trì. Theo đó, từ tháng 6.2016 – 4.2018, BQT chung cư HUD3 Tower đã không tuân thủ việc sử dụng quỹ bảo trì của tòa nhà, việc bảo trì các thiết bị phần sở hữu chung không theo quy trình bảo trì, kế hoạch bảo trì không được thông qua hàng năm tại hội nghị cư dân.

BQT đã không bóc tách rõ các phần việc, mập mờ giữa bảo trì và bảo dưỡng để rút tiền bảo trì của cư dân. Chính sự thiếu minh bạch, không rõ ràng trong các khoản chi tiêu, gây thất thoát tiền quỹ của BQT chung cư HUD3 Tower đã khiến cho cư dân tại đây bức xúc, yêu cầu lập BQT mới thay cho BQT cũ.

Phản ánh tới báo chí, nhiều cư dân thuộc khu chung cư Hapulico đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, từ khi được thành lập (tháng 7.2017), BQT cụm nhà chung cư này hoàn toàn không tiếp dân, không công khai quỹ bảo trì, các khoản chi tiêu, các hồ sơ quy hoạch của khu chung cư này. Cư dân đã có văn bản yêu cầu được tiếp cận các số liệu một cách minh bạch.

Tranh chấp căng thẳng liên tục xảy ra tại khu chung cư Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội), cư dân đã “tố” BQT tòa nhà có nhiều hành động khuất tất khiến cư dân bức xúc. Đặc biệt, BQT không minh bạch việc quản lý chi tiêu quỹ bảo trì và các nguồn thu khác…

Thực tế, còn có những cư dân đấu tranh đòi quỹ bảo trì vì… muốn làm trưởng ban quản trị. Bởi lẽ, khi làm trưởng ban quản trị, người đó sẽ được nắm giữ quỹ bảo trì lên tới vài chục tỷ đồng hay hàng trăm tỷ đồng ở những chung cư cao cấp.

Quỳnh Oanh

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết