Nằm bên dưới các suối nước nóng và mạch nước phun đẹp như tranh vẽ của Công viên Quốc gia Yellowstone là một buồng magma khổng lồ mà một ngày nào đó nó có thể phun trào như một siêu núi lửa. Theo NASA, siêu núi lửa là một trong những mối đe dọa tự nhiên lớn nhất đối với nền văn minh nhân loại, và nó nguy hiểm hơn đáng kể so với mối đe dọa của các tiểu hành tinh.
Đó là lý do tại sao cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng để đảm bảo núi lửa vẫn không hoạt động, theo báo cáo năm 2017 của BBC giải thích. Vì vậy, phương pháp mới của NASA sẽ cung cấp điện cho khu vực xung quanh, mặc dù dự án sẽ tiêu tốn chi phí lên đến 3,46 tỉ USD.
Theo đó, vụ va chạm với tiểu hành tinh và sự phun trào của buồng magma, được gọi là Hõm chảo Caldera, đều rất khó xảy ra trong thời gian gần. Tỉ lệ một tiểu hành tinh rộng 5-10 km như tiểu hành tinh đã quét sạch khủng long - va vào Trái Đất gần như không đáng kể ở mức 0,000001%, trong khi núi lửa Yellowstone được dự đoán sẽ không phun trào bất cứ lúc nào trong 10.000 năm tới.
Tuy nhiên, vào năm 2017, Brian Wilcox, thành viên Hội đồng Cố vấn NASA về phòng thủ hành tinh đã tiến hành nghiên cứu về mối đe dọa của các tiểu hành tinh và sao chổi. Ông cho rằng, mối đe dọa từ siêu núi lửa lớn hơn đáng kể các tiểu hành tinh hoặc sao chổi. Có khoảng 20 siêu núi lửa trên Trái Đất, và các vụ phun trào lớn xảy ra trung bình 100.000 năm một lần. Thậm chí, một mùa đông kéo dài do một vụ phun trào siêu núi lửa có thể khiến nhân loại không có đủ lương thực cho dân số thế giới, dẫn đến nạn đói lan ra diện rộng.
NASA đang lên kế hoạch ngăn chặn điều này xảy ra. Dự án sẽ tiến hành khoan các lỗ vào mặt dưới của núi lửa, nằm ngoài ranh giới của Vườn quốc gia Yellowstone. Các nhà điều hành dự án sau đó sẽ bơm nước lạnh áp suất cao vào và thoát ra khỏi núi lửa. Nước đi vào sẽ làm mát núi lửa, trong khi nước chảy ra sẽ đạt nhiệt độ khoảng 350 độ C (662 độ F) và có thể được sử dụng để tạo ra điện.
Theo Wilcox, kế hoạch này chỉ là lý thuyết vào thời điểm này và thiếu dữ liệu về rủi ro khi khoan vào sườn núi lửa. Tuy nhiên, ông tin rằng thí nghiệm trị giá 3,46 tỉ USD có thể được tài trợ bởi các công ty địa nhiệt, những người sẽ thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ và có thể thu được nguồn điện cung cấp năng lượng cho khu vực xung quanh trong khoảng thời gian, thậm chí có thể kéo dài hàng chục nghìn năm.
Được biết, núi lửa Yellowstone hiện đang bị rò rỉ nhiệt lượng khoảng 6 GW. Thông qua việc khoan theo cách này, nó có thể tạo ra một nhà máy địa nhiệt, cung cấp năng lượng điện với giá cực kỳ cạnh tranh khoảng 0,10 USD/kWh.
Ngoài mục tiêu tìm ra phương pháp giảm thiểu mối đe dọa từ các siêu núi lửa như Yellowstone, NASA cũng hy vọng cách tiếp cận này sẽ khuyến khích những thành viên khác trong cộng đồng khoa học tham gia vào vấn đề này. Mặc dù có khả năng hủy diệt cực lớn, những buồng magma cũng có khả năng cung cấp năng lượng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, mối đe dọa hiện hữu cấp bách hơn đối với nhân loại.