Tiềm ẩn rủi ro ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than

Nhiệt điện than (NĐT) đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để phát triển NĐT, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm tiêu thụ nhiên liệu, cũng như giảm phát thải ra môi trường.
Ô nhiễm không khí ở châu Á: Hiểm hoạ từ các nhà máy điện thanXử lý tro xỉ điện than ở Việt Nam: Làm sao để cân bằng môi trường và kinh tế?Công suất điện than toàn cầu sụt giảm kỷ lục trong lịch sử

Nỗi lo ô nhiễm…

Các chuyên gia môi trường cho rằng, quá trình đốt than để sản xuất điện sẽ sản sinh ra nhiều chất khí ô nhiễm gồm sulphur dioxide (SO2), nitrogen dioxide (NO2), carbon dioxide (CO2), các vi hạt rắn (PM), các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ. Ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than gây ra có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch cho đến các bệnh mạch não.

tiem an rui ro o nhiem moi truong tu cac nha may nhiet dien than
Để phát triển NĐT, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm tiêu thụ nhiên liệu, cũng như giảm phát thải ra môi trường. (Ảnh minh họa)

Theo kết quả của nghiên cứu “Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam”, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố hồi tháng 10/2018, ước tính khoảng 20% lượng PM2.5 trong không khí Hà Nội là từ các nhà máy nhiệt điện lớn và các khu công nghiệp quanh Hà Nội.

Nghiên cứu vào năm 2015 chỉ ra các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội đến từ phát thải giao thông đường bộ (1/4), tiếp đến là nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%). Khi công suất nhiệt điện than tăng lên theo Quy hoạch Điện VII, điện than có thể trở thành nguồn đóng góp gia tăng nhanh nhất vào nồng độ PM2.5 tính trung bình cả năm ở Hà Nội.

Theo Bộ Công Thương, tính riêng năm 2018, các nhà máy NĐT đã cung cấp khoảng 86 tỉ kWh trong tổng số 220 tỉ kWh tổng lượng điện thương phẩm. Số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho thấy, nước ta hiện có 21 nhà máy NĐT đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt 14.310 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm.

tiem an rui ro o nhiem moi truong tu cac nha may nhiet dien than
Các nhà máy nhiệt điện lớn (công suất trên 600 MW) ở miền Bắc. (Ảnh: Zingnews)

Như vậy, nếu thực hiện đúng như Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh năm 2020, để có tổng công suất điện than đạt 26.000 MW, khối lượng than cần tiêu thụ sẽ là 63 triệu tấn; đạt 47.600MW năm 2025 cần tiêu thụ 95 triệu tấn, đạt 55.300 MW năm 2030 cần tiêu thụ 129 triệu tấn than. Trong khi đó, cứ đốt 10 tấn than sẽ tro ra 3,3 tấn tro, xỉ. Cho đến nay, vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là mối quan tâm của nhiều người dân, nơi có các nhà máy NĐT hoạt động.

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch TƯ Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng: “Công tác quản lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở nước ta hiện nay rất yếu. Một trong những nguyên nhân chính là vì không có cơ quan nào đặc trách nhiệm vụ này, nên có thể dẫn đến sự bỏ sót các khâu kiểm soát quan trọng (kiểm soát phóng xạ) và không kích thích việc tận dụng nguồn “tài nguyên” này. Ví dụ, để triển khai ứng dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng cần phải qua các ban ngành của Bộ Xây dựng để đăng ký và đánh giá các chủng loại sản phẩm, qua Bộ Công thương để thành sản phẩm hàng hóa, qua Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy, nhưng có khi độ phóng xạ của tro xỉ thì không Bộ nào quan tâm”.

Hàng loạt các vụ việc gây ô nhiễm môi trường liên quan đến các nhà máy NĐT đã được báo chí phản ánh, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của những hộ dân xung quanh, đã trở thành nỗi lo dai dẳng nhiều năm nay.

Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) từ ngày đi vào hoạt động (đầu năm 2015) để lại nhiều bức xúc cho người dân địa phương vì gây khói bụi. Một số nghiên cứu cũng phát hiện than ở mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) có phóng xạ. Hiện nay, Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn 30 MW đang sử dụng than này. Tuy nhiên, PGS.TS Lưu Đức Hải băn khoăn: Dù biết Xí nghiệp mỏ than Nông Sơn có hàm lượng nguyên tố phóng xạ cao, Bộ Công thương và các Bộ liên quan vẫn duyệt cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng một nhà máy nhiệt điện than công suất 30 MW. Đến nay, nhà máy hoạt động như thế nào và tro xỉ nhà máy sử dụng ra sao chưa có cơ quan nào vào cuộc”.

Đó cũng là những câu hỏi rất được dư luận quan tâm nhưng câu trả lời từ các cơ quan chức năng vẫn còn bỏ ngỏ.

Tại Bình Thuận, người dân cũng gay gắt kiến nghị tình trạng bụi phát sinh tại một số nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống. Cụ thể, bụi phát sinh tại thôn Vĩnh Phúc và thôn Vĩnh Tiến, huyện Tuy Phong (các khu dân cư có vị trí gần với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4) và bụi từ bãi xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Qua thanh kiểm tra cho thấy thông số bụi đã vượt từ 1,19 - 1,63 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; tiếng ồn vào ban đêm đã vượt khoảng 1,05 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

tiem an rui ro o nhiem moi truong tu cac nha may nhiet dien than
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, khánh thành vào tháng 9/2019, có vị trí rất gần khu dân cư. (Ảnh: Zingnews)

Đoàn công tác của Tổng cục Môi trường đã yêu cầu các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân thực hiện ngay các giải pháp khắc phục, kiểm soát tình hình nêu trên.

Trong khi chờ các nhà kinh tế, các nhà hoạt động môi trường bàn về các giải pháp phát triển nhiệt điện than đi đôi với bảo vệ môi trường, có thể thấy rõ cuộc khủng hoảng năng lượng ở Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ rệt, cần một chính sách phát triển năng lượng thỏa đáng với nguồn tài nguyên sẵn có.

Chính sách năng lượng mới: Không ưu ái than đá

Việt Nam phải đưa ra lựa chọn quan trọng khi soạn thảo quy hoạch năng lượng quốc gia mới cho giai đoạn 2021-2030. Công bố vào mùa hè năm nay, Quy hoạch Điện VIII đưa ra tầm nhìn cung ứng điện đến năm 2045. Giới chuyên gia hy vọng rằng, Việt Nam sẽ sử dụng quy hoạch này để tiếp tục vị thế dẫn đầu về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á, và xác định rõ vai trò của than trong việc đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh.

Việt Nam là quốc gia đi đầu khu vực trong vài năm qua với công suất lắp đặt đạt 5,5 GW vào năm 2019, chiếm 44% công suất năng lượng mặt trời toàn Đông Nam Á. Việt Nam cũng đã đạt được mục tiêu năng lượng mặt trời cho năm 2025.

tiem an rui ro o nhiem moi truong tu cac nha may nhiet dien than
Trong Quy hoạch điện VIII cần tập trung phát triển mạnh mẽ có hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) mà Việt Nam đang có thế mạnh. (Ảnh minh họa)

Tháng 6/2020, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng gió với kế hoạch tăng công suất từ 7.000 MW lên 11.630 MW vào năm 2023 do các dự án điện than bị trì hoãn và phản đối.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có buổi làm việc chuyên đề với Bộ Công Thương và các bộ, ngành về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).

Trong giai đoạn 2020 - 2030, sẽ không phát triển thêm các dự án nhiệt điện than mới ngoài các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII.

Kết quả rà soát cho thấy, tình hình thực hiện phụ tải trong giai đoạn vừa qua khá tốt, đạt 97,8%. Tình hình xây dựng nguồn điện đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch. Tuy nhiên, cơ cấu xây dựng lại khác biệt, các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% trong khi các nguồn năng lượng tái tạo lại vượt mức tới 205%. Tỉ lệ hoàn thành xây dựng các trạm biến áp 500kV đạt 73%, đường dây 500kV đạt 88%, các trạm 220kV đạt 77% và đường dây 220kV đạt 84%.Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng - đơn vị tư vấn trong quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII - cho biết, để làm cơ sở cho việc xây dựng các nội dung chính của Quy hoạch Điện VIII, tư vấn đã tiến hành rà soát, đánh giá lại tình hình thực hiện quy hoạch trong giai đoạn 2016 - 2020 liên quan tới việc phát triển phụ tải, phát triển nguồn và lưới điện để tìm ra các nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII cần phân tích kỹ hơn bối cảnh, cục diện tình hình mới, cả trong nước và quốc tế, về chính trị, thương mại, đầu tư, hội nhập, tính toán kỹ tính khả thi thực hiện. Hiện tại, các đơn vị chức năng của Bộ đang tích cực để hoàn thiện bản Quy hoạch, trình Chính phủ vào tháng 10/2020.

Các kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng chỉ ra rằng, nhu cầu điện trong Quy hoạch Điện VIII thấp hơn so với kết quả dự báo trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, giảm khoảng 3-4 tỉ kWh vào năm 2020 và 9-10 tỉ kWh vào năm 2030. Cơ cấu tiêu thụ điện theo vùng miền có thay đổi đáng kể với tỉ trọng lớn hơn của miền Bắc. Nhu cầu điện giai đoạn 2021-2030 vẫn đạt mức tăng dự kiến khoảng 8%/năm.

Viện cũng đưa ra 11 kịch bản phát triển nguồn điện với các điều kiện đầu vào khác nhau. Theo đó, kịch bản được lựa chọn là kịch bản bảo đảm các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia và Nghị quyết số 55-NQ/TW. Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 32%, tăng lên 40,3% vào năm 2045 và 43% vào năm 2050.

Đặc biệt, theo phương án chọn này, tỉ lệ nhiệt điện than sẽ giảm dần từ mức 42% hiện nay xuống còn khoảng 36% vào năm 2035 và khoảng 31% vào năm 2045.

Quy hoạch điện VIII được thiết kế gồm 18 Chương, phân bố theo 3 phần. Các nội dung chính tập trung vào dự báo nhu cầu điện; nguồn năng lượng sơ cấp trong đó có năng lượng tái tạo cho phát điện; Chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện; Cơ chế bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Cơ chế và giải pháp thực hiện Quy hoạch…

Quy hoạch điện VIII đã triển khai được hơn 1 năm, trong đó có 9 Chương đầu của Quy hoạch được hoàn thành.

Phúc Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường