Nhiều tín hiệu khởi sắc cho du lịch Việt Nam những ngày đầu năm

Du lịch bùng nổ trở lại trong dịp Tết Nguyên đán là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi sau hai năm dịch bệnh.
Du lịch Việt Nam phục hồi ấn tượng trong năm 2022Gỡ nút thắt để du lịch Việt Nam thu hút du khách quốc tếCơ hội cho du lịch Việt Nam phục hồi và bứt pháDu lịch biển đảo - Thế mạnh của du lịch Việt Nam

Du lịch dịp Tết tăng cao

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 1/2023, lượng khách nội địa ước đạt 13 triệu lượt. Chỉ riêng trong 7 ngày Tết Quý Mão (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), toàn quốc ước phục vụ 9 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 47,5% so cùng kỳ).

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nguyên đán cũng tăng mạnh so dịp Tết Dương lịch 2023. Các cơ sở lưu trú ghi nhận số lượng đặt phòng của khách quốc tế đạt 30-40% tổng lượng đặt phòng dịp Tết. Tính tổng cả tháng 1/2023, Việt Nam đã đón hơn 871 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, một số địa phương đạt mức tăng trưởng du lịch ấn tượng. Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, tổng lượng khách đến tỉnh trong tháng 1/2023 đạt 1,6 triệu lượt, gấp 12,3 lần so cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu du lịch của tỉnh đạt 3.520 tỷ đồng, gấp 15,4 lần cùng kỳ.

Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão, toàn tỉnh đón gần 700.000 lượt khách, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2022, trong đó thị trường khách quốc tế khôi phục trở lại với hơn 17.000 lượt khách. Trong 2 ngày đầu của Tết Nguyên đán, Khu di tích và danh thắng Yên Tử đón gần 10.000 lượt khách du lịch cao gấp 50% so ngày thường và sẽ còn tăng cao. Khu du lịch Sun World Ha Long lượng khách duy trì ổn định và đạt khoảng 1.500-3.000 khách/ngày.

Tại Lào Cai, du lịch của địa phương đã "bùng nổ" ngay từ tháng đầu của năm mới, tạo đà cho một năm bứt phá ngoạn mục phía trước với lượng khách và tổng thu từ du lịch tăng đột biến so cùng kỳ năm 2022.

Sở Du lịch Lào Cai cho biết, tổng lượng khách tới Lào Cai trong tháng 1/2023 đạt gần 700.000 lượt khách, bằng 17% so kế hoạch năm, tăng 285% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách nội địa vẫn chiếm chủ yếu với hơn 661.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.400 tỷ đồng, bằng 16% so kế hoạch năm, tăng 286% so cùng kỳ năm 2022.

Nhiều tín hiệu khởi sắc cho du lịch Việt Nam trong những ngày đầu năm - Ảnh 1
Du lịch bùng nổ dịp Tết Nguyên đán là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi sau hai năm dịch bệnh.

Năm nay, Huế cũng là một điểm đến được ưa thích trong dịp Tết Nguyên đán. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 19 – 29/1 (tức 28 tháng Chạp Nhâm Dần đến mùng 8 Tết Quý Mão), ước khoảng 85.000 lượt khách đến tham quan các điểm di tích và điểm du lịch, văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, tăng 46% so với năm trước. Tổng lượt khách lưu trú tại Huế những ngày này ước khoảng 50.800 lượt khách, tăng 150% so với năm 2022.

Trong đó, du khách quốc tế ước đạt 21.600 lượt, khách nội địa ước đạt 29.200 lượt; công suất sử dụng phòng ước đạt 52%; doanh thu lưu trú ước khoảng 106 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi sau hai năm dịch bệnh. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm.

Thúc đẩy du lịch nội địa bùng nổ

Nhiều chuyên gia cho rằng, nét nổi bật nhất của ngành du lịch Việt Nam thời gian vừa qua chính là sự “bùng nổ” của thị trường du lịch nội địa trên phạm vi cả nước. Năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng. Nhìn vào mục tiêu, có thể thấy, du lịch nội địa vẫn là trọng tâm thị trường trong năm nay.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, trong năm qua, các điểm du lịch của Việt Nam đã đón khoảng 91,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt hơn 50% so với mục tiêu cả năm được đề ra. Điều này cho thấy “sức bật” đáng kinh ngạc của du lịch nội địa sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu.

Ngoài ra, du lịch nội địa vẫn là sản phẩm tour bán chạy nhất và vẫn là nguồn thu chủ lực của các doanh nghiệp du lịch với các tuyến biển. Các tuyến đường bộ lên núi ngắm hoa Tết cũng được nhiều người lựa chọn do có chi phí hợp lý.

Bước sang năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế - gấp đôi năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào 2019.

Để đạt được mục tiêu này, vẫn còn cả một chặng đường dài để nỗ lực, phấn đấu và khẳng định vị thế du lịch Việt trên thị trường quốc tế. Song với những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm mới, du lịch Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một năm tăng trưởng tích cực, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC nhận định, quá trình phục hồi ngành du lịch có thể diễn ra từ từ nhưng tác động đối với nền kinh tế sẽ lớn.

Tuy nhiên, nếu tính cả năm, du lịch Việt Nam khả năng sẽ là ngành "then chốt" cho nền kinh tế. "Bất chấp những khó khăn thương mại trong ngắn hạn, du lịch đã nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới để xoa dịu một số thách thức trong năm 2023", báo cáo nhận định.

Lan Anh