Theo Hiệp hội bất động TP.HCM (HoREA), trong 7 tháng đầu năm 2019 thị trường bất động sản (BĐS) nhìn chung vẫn còn khá nhiều khó khăn với nguồn cung dự án sụt giảm đáng kể. Cụ thể, nửa đầu năm 2019, quy mô thị trường sụt giảm 34%, lượng dự án BĐS sụt giảm 29%, căn hộ đưa ra thị trường sụt giảm 34%. Trong đó, căn hộ cao cấp giảm 44%, căn hộ vừa túi tiền giảm 34%, căn hộ bình dân không có dự án nào.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, lượng dự án có chủ trương đầu tư giảm hơn 80%, số dự án công nhận chủ đầu tư giảm 82%, nguồn thu ngân sách nhà nước từ BĐS giảm hơn 60%.
Tuy nhiên, HoREA nhận định trong 6 tháng cuối năm thị trường BĐS sẽ có những điểm sáng nhất định giúp cho thị trường dần phục hồi trở lại.
Thị trường BĐS sẽ có những điểm sáng kỳ vọng sẽ dần phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2019 |
Theo số liệu từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam, lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2019 ở mức thấp chỉ 2,7%, vẫn duy trì được mục tiêu dưới 4% do Chính phủ đề ra.
Theo Chủ tịch HoREA Nguyễn Hoàng Châu, thị trường BĐS và lạm phát không có mối liên hệ trực tiếp với nhau, nhưng mối liên hệ của nó được phản ánh qua các chính sách tiền tệ, tình trạng của nền kinh tế và tâm lý kỳ vọng của người dân. Lạm phát cao thường là biểu hiện của sự tăng cung tiền quá mức, hiệu quả kinh tế kém hoặc sự tăng giá của hàng hóa thế giới.
Thị trường nhà đất tăng giảm liên quan chặt chẽ tới cung tiền trong nền kinh tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài, tâm lý và tính đầu cơ.
Khi chính sách tiền tệ được nới lỏng, lãi suất thấp thì người dân và doanh nghiệp sẽ vay tiền nhiều hơn để đầu tư vào kênh BĐS khiến cho thị trường khởi sắc. Nhưng tín dụng BĐS tăng “nóng” lại làm lạm phát tăng buộc Chính phủ phải siết chặt chính sách tiền tệ, khiến thị trường BĐS giảm sút.
Không chỉ lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, duy trì mức GDP 6,4%... “Với những tín hiệu lạc quan như vậy đây được coi là điểm sáng của thị trường BĐS trong 6 tháng cuối năm 2019”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Cùng nhận định lạc quan, ông Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính cho biết kinh tế vĩ mô có dấu hiệu tăng trưởng tốt thể hiện ở GDP năm 2018 tăng 7,08%, cao nhất 10 năm qua. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm ở mức 6,4%, thấp hơn năm trước nhưng vẫn gần bằng mức cao nhất 10 năm. Trong khi đó, bất động sản là một trong những kênh kết nối với các ngành trong nền kinh tế, có chậm lại vào 6 tháng đầu năm nay song chưa tác động đến nền kinh tế.
Thời gian qua nhiều nước trên thế giới phá giá đồng tiền, thậm chí có nước phá giá 35% thì đồng VND vẫn ổn định, mất giá chỉ khoảng 2,5%. Nửa đầu năm nay, tỷ giá gần bằng mức cuối năm 2018. Ngân hàng Nhà nước điều hành ổn định tỷ giá giúp bình ổn lãi suất, lạm phát kiểm soát 2,7% và giữ mục tiêu lạm phát dưới 4%.
Ngoài ra, hạn mức cấp tín dụng chỉ tiêu năm nay đề ra là 14% song có thể được nới lên khoảng 16-18%. Theo ông Tín, đây là tín hiệu vốn chảy vào các ngóc ngách nền kinh tế, đồng thời là định hướng sáng cho thị trường bất động sản khi có thêm dòng vốn.