Những dòng sông bị "đánh cắp" bởi "cơn bão" đô thị hoá

Bao nhiêu con sông, bao nhiêu bờ sông vốn thanh bình, thơ mộng như dải lụa đẹp, bị "đánh cắp" và "nép mình" sau lớp cốt thép bê tông của những toà cao ốc. Đã đến lúc giành lại những khúc sông bị "đánh cắp" cho người dân đô thị.
Những người hùng thầm lặng với cuộc chiến "tử thần" không tiếng súngTrung tâm dạy nghề tư thục nhân đạo Minh Tâm "xẻ thịt" đất dự án để cho thuêMộc Châu mùa trẩy mận

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội đã dành trọn ngày 27/5 để nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Nhân sự kiện này, cùng nhìn lại một phần thực trạng sử dụng đất, quy hoạch đô thị trên khu vực ven sông trong những năm qua.

Thượng đế ban cho loài người những dòng sông, hay con người tự tìm đến các dòng sông để định cư, điều đó không ai biết rõ. Chỉ biết rằng từ xa xưa, những nền văn minh của nhân loại thường bắt nguồn từ những dòng sông, từ sông Tigris và Euphrate hay còn được gọi là Lưỡng Hà thuộc Tây Á, đến Hoàng Hà của Trung Hoa hay Hồng Hà ở Việt Nam.

Cứ thế, nhân loại quần cư, mưu sinh và phát triển hài hòa bên những dòng sông. Xưa, vì lũ lụt thiên tai và nhu cầu trị thủy nên người ta thường sinh sống có khoảng cách nhất định với những dòng sông. Họ đắp đê khi mùa lũ dâng cao, khi con nước hiền hòa thì người dân mưu sinh, di chuyển và giao thương trên chính những dòng sông này.

Ý thức được vẻ đẹp bất tận của những dòng sông nên từ lâu, các thành phố lớn trên thế giới đều lấy đó làm trung tâm để quy hoạch đô thị, tạo nên cảnh quan, công trình văn hoá công cộng nổi bật.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong thời kỳ công nghiệp, các cơ sở sản xuất và hàng hải như xưởng đóng tàu, nhà kho, nhà máy công nghiệp nặng... luôn chiếm cứ các khu vực dọc bờ sông. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều thành phố đã nhận ra tầm quan trọng của việc quy hoạch ven sông để tạo ra môi trường đô thị xanh và mở. Thậm chí, các thành phố lớn như New York (Mỹ), Melbourne, Sydney (Úc), Paris (Pháp)… còn thành lập các cơ quan riêng với quyền kiểm soát tài nguyên đất đai, tài sản, tài chính… để thực hiện dự án phát triển và quy hoạch ven sông. Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc) đã cưỡng chế di dời những nhà máy, công trình ven sông.

Khi được nâng niu, bảo vệ, những dòng sông sẽ tạo ra những cảnh quan đẹp và không gian thoáng đãng. Như vậy, toàn thể cư dân ở những thành phố đều được hưởng lợi từ những dòng sông một cách công bằng.

nhung dong song bi danh cap boi con bao do thi hoa
Bờ sông Sài Gòn quá tải những toà nhà cao ốc.

Nhưng, ở Việt Nam người ta không chỉ nhận thức được vẻ đẹp của những dòng sông, mà còn nhận ra rất nhiều cơ hội tiềm tàng cho bản thân họ. Vậy là những dự án bất động sản mọc lên như "nấm sau mưa", những khu đất "vàng" được rao bán với mức giá rẻ mạt...

Hầu hết những khu đất này thuộc quyền quản lý hoặc sở hữu của nhà nước. Nhưng bằng cách nào đó, chúng đã rơi vào tay các công ty tư nhân. Những tòa nhà cao tầng như bức tường thành án ngữ trước dòng sông được xây dựng "vô tội vạ". Dòng sông vốn là của công này lại biến thành... "của ông".

Ở TP Hồ Chí Minh, hai bên sông Sài Gòn - con sông biểu tượng của thành phố, giờ san sát những nhà cửa, cao ốc. Phát biểu tại một hội nghị năm 2017, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa từng nhận xét, hai bên bờ sông Sài Gòn đã bị tư nhân hóa, không còn là không gian công cộng phục mà thuộc quyền sở hữu của những kẻ có tiền. Con sông Sài Gòn rất đẹp chạy qua thành phố nay đang bị lấn chiếm, phân lô, bị nhóm lợi ích chi phối.

Ở Hà Nội, sông Hồng “oằn minh” gánh trên lưng hàng trăm toà cao ốc. Đất ven sông khi xưa là làng nghề, làng hoa giờ thành đất "vàng” đô thị. Ai đó đã từng ví von, con sông giờ đã bị "đóng hộp" trong những toà nhà cao tầng và đến lúc nào đó, người ta chỉ có thể ngắm sông Hồng từ những tầng 20 -30 cao chót vót.

Ở Đà Nẵng, người ta thậm chí còn nghĩ đến việc xây cả một khu nhà lấn thẳng vào lòng sông Hàn. Và còn bao nhiêu con sông khác nữa, bao nhiêu bờ sông vốn thanh bình, thơ mộng như dải lụa đẹp, bị "đánh cắp" khỏi người dân và "nép mình" sau lớp cốt thép bê tông.

Bất chợt nghe lại câu hát: “Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần. Xuân đến, xuân đi, hoa mận nở. Gái xuân giũ lụa trên sông Vân” đẹp như một bức tranh. Giờ liệu có còn chăng? Có chăng là bóng cao ốc nghiêng ngả trên sông…

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại...!

Trần Giang
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường